Lo sát thủ nhí: Có nên điều chỉnh luật ?
Theo TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vụ Lê Văn Luyện và các vụ tương tự là một thực tế để các cơ quan liên quan có thể kiến nghị chỉnh sửa luật
Thời gian qua, trước tình hình tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng, nhiều người đã cho rằng cần phải áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình, hoặc ít ra là chung thân, đối với những kẻ chưa tới 18 tuổi nhưng có hành vi quá man rợ, tàn độc hay để lại hậu quả nghiêm trọng… như Lê Văn Luyện. Tuy nhiên, muốn vậy, trước hết phải xem xét chỉnh sửa luật cho phù hợp.
Cần có ngoại lệ
Xung quanh việc Lê Văn Luyện thoát án tử hình qua hai phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng trong điều kiện luật pháp nước ta hiện nay, dù “sát thủ” này có gây thêm nhiều tình tiết thì cũng không thể áp dụng hình phạt cao nhất.
“Dù vậy, vụ Lê Văn Luyện và các vụ tương tự là một thực tiễn để các cơ quan liên quan có thể kiến nghị chỉnh sửa luật. Tuy nhiên, thế giới đang có xu hướng giảm dần hình phạt tử hình, nếu ta lại điều chỉnh theo hướng có trường hợp đặc biệt dưới 18 tuổi vẫn chịu án này thì cũng rất khó” - ông Thảo nhìn nhận.
giết người, cướp tài sản và hiếp dâm nhưng cũng chỉ bị xử phạt 18 năm tù. Ảnh: Phạm Dũng
Hiện nay, nhiều người ở tuổi vị thành niên đã phát triển thể chất và có nhận thức, suy nghĩ rất già dặn. Điều mà dư luận bức xúc là có thể có một số người vị thành niên giết chóc không gớm tay vì biết rằng chúng chỉ bị xử phạt cao nhất 18 năm tù. “Sự phát triển về thể chất, tinh thần và ý thức của trẻ hiện nay là rất sớm, vì vậy có thể sửa luật theo hướng này.
Thật ra, quy định đối với tuổi vị thành niên cũng rất du di, như lĩnh vực lao động quy định ở độ tuổi này nhưng trong giáo dục lại độ tuổi khác và tội phạm lại khác nữa… Trên thế giới, có nước quy định tuổi thành niên là từ 14 trở lên, có nước từ 15 hay 16 tuổi” – ông Thảo cho biết.
Theo TS Đinh Xuân Thảo, với xu hướng gia tăng tội phạm trẻ như hiện nay, người dân rất lo ngại nếu luật pháp không đủ sức răn đe, cụ thể là không tăng hình phạt đối với độ tuổi dưới 18. “Do vậy, để ngăn ngừa tội phạm vị thành niên gia tăng thì có thể kiến nghị xem xét điều chỉnh luật. Không chỉ trong lĩnh vực hình sự, ngay cả dân sự cũng nên hạ độ tuổi. Nhiều người ở độ tuổi dưới 18 cũng đã đủ sự chín chắn và có thể chịu trách nhiệm về hành vi của mình” - ông Thảo nhận xét.
Một kiểm sát viên VKSND TPHCM đánh giá đã đến lúc cần báo động trước tình trạng người vị thành niên phạm tội man rợ. Theo ông, với tình hình thực tế hiện nay, thể chất và tâm sinh lý phát triển sớm, internet tràn lan và trẻ phạm tội ở mức báo động thì luật không còn phù hợp.
“Muốn xử lý nghiêm thì phải sửa luật, không phải tất cả đều bị phạt nặng nhưng trong những trường hợp đặc biệt thì cần có ngoại lệ. Phải xử phạt thật nặng đối với người chưa thành niên nhưng phạm tội man rợ, giết người hàng loạt…” – kiểm sát viên này đề xuất.
“Việc xử lý nghiêm minh và chế tài nặng cần được quan tâm. Vấn đề hạ độ tuổi chịu hình phạt tử hình đến nay vẫn chưa được đem ra Quốc hội bàn nhưng qua ý kiến của nhiều cử tri thì vấn đề này cũng có thể được đặt ra trong thời gian tới” - TS Thảo cho biết.
Kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp
Để hạn chế các vụ án thương tâm như Lê Văn Luyện thảm sát cả gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích, hay mới đây là một học sinh THPT cắt cổ chủ tiệm tạp hóa chỉ vì nợ que kem 5.000 đồng, TS Đinh Xuân Thảo cho rằng cần phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, từ sự nghiêm minh của luật pháp, việc giáo dục của nhà trường đến sự quan tâm của gia đình, xã hội…
Về trường hợp cụ thể của Lê Văn Luyện, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch – Đoàn Luật sư TPHCM, nhận xét nhiều người đã biết trước khung hình phạt dành cho Luyện nhưng trong thâm tâm họ luôn cảm thấy mức án là quá nhẹ, không tương xứng với hành vi, thủ đoạn và thái độ của y trước cũng như sau khi thực hiện tội ác. Nhiều người cho rằng đây là sự dung túng cho những hành vi tương tự có thể xảy ra - thực tế đã và đang xảy ra; rằng pháp luật chưa sát với thực tế, bởi chỉ cần Luyện sinh trước vài tháng thì hình phạt tử hình nhiều khả năng sẽ được áp dụng….
“Tuy nhiên, nhìn từ góc độ lập pháp thì pháp luật là những quy tắc xử sự chung, những khuôn mẫu mà Nhà nước ban hành nên mọi cá nhân, tổ chức đều không được làm trái. Vì vậy, với tình trạng nhân cách và đạo đức đang xuống cấp nghiêm trọng trong một bộ phận giới trẻ hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước cần mang đến mỗi cá nhân, mỗi gia đình một giải pháp kết hợp giữa tuyên truyền pháp luật với việc tạo dựng nhân cách để các em biết sống khoan dung, độ lượng và vị tha hơn” - luật sư Trạch nhìn nhận.
Độ tuổi dễ dao động Thẩm phán Vương Văn Nghĩa, TAND TPHCM, băn khoăn: “Chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao có những trẻ được ăn học đàng hoàng nhưng vẫn phạm tội? Phải đặt vấn đề tại sao đã giáo dục mà trẻ vẫn phạm tội để tìm cách giải quyết. Có thể dư luận phẫn nộ về việc người chưa thành niên phạm tội dã man nhưng chúng ta hãy hiểu rằng vị thành niên là độ tuổi đang hoàn thiện nhân cách, tâm hồn dễ bị dao động trước những tình huống phạm tội trong cuộc sống. Chưa kể, đôi khi trẻ bị người lớn tiếp tay cho những hành vi phạm tội”. Theo ông Nghĩa, Việt Nam đã tham gia Công ước Quốc tế về quyền trẻ em nên khó thể sửa luật đối với trường hợp trẻ chưa thành niên phạm tội. Dẫu biết tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội với thủ đoạn tinh vi, có dự mưu ngày càng phổ biến nhưng luật đã quy định nên phải theo đó mà thực hiện. |
TheoThế Dũng – Phạm Dũng
Người lao động