Lỗ hổng xét duyệt hồ sơ vay tiền, mở thẻ tín dụng khiến nhà băng mất tiền
(Dân trí) - Theo cơ quan điều tra, ngân hàng đã sơ hở trong kiểm tra hồ sơ vay vốn, tạo cơ hội cho nhiều khách hàng từ không đủ điều kiện vay thành đủ điều kiện vay để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 17 đối tượng trong đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của ngân hàng.
Lợi dụng sơ hở của ngân hàng
Theo cơ quan chức năng, cuối năm 2022, Lê Triệu Tấn Thịnh (29 tuổi, ở TPHCM) thấy nhiều người có nhu cầu làm giấy tờ giả để hoàn thiện hồ sơ vay tiền, mở thẻ tín dụng tại các ngân hàng hoặc phục vụ mục đích khác.
Do đó, Thịnh thu thập, tìm kiếm khách hàng có nhu cầu làm tài liệu, giấy tờ giả, rồi tổ chức làm giả những giấy tờ trên tại một căn hộ ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM.
Khi có người liên hệ, Thịnh thỏa thuận, thống nhất nội dung, giá từng loại tài liệu làm giả.
Sau đó, đối tượng tải mẫu các con dấu của các cơ quan, tổ chức và chữ ký của người có thẩm quyền trên mạng rồi sử dụng máy CNC cắt, khắc hình dấu đã tải được trên phôi cao su.
Đối với chữ ký, con dấu không có trên mạng, Thịnh tự thiết kế mẫu dấu, giả chữ ký tài liệu. Xong xuôi, Thịnh in tài liệu giả rồi tự ký hoặc scan chữ ký của người có thẩm quyền và sử dụng con dấu giả đóng dấu trên tài liệu được làm giả.
Ngày 4/8, cơ quan điều tra xác định Thịnh làm giả 3 loại tài liệu cho Nguyễn Hoàng Phương (28 tuổi, ở quận Bình Tân). Ngày hôm sau, Thịnh làm giả thêm 28 loại tài liệu khác cho Huỳnh Thiên Lộc (39 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) để Lộc đi giao cho khách hàng N.X.S. và các khách hàng khác.
Tuy nhiên, cảnh sát đã bắt quả tang lúc Thịnh giao hàng và lập biên bản. Ngày 14/8, Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với Lê Triệu Tấn Thịnh, Huỳnh Thiên Lộc, Nguyễn Hoàng Phương và 2 người khác có hành vi giúp sức.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, Lê Triệu Tấn Thịnh cùng đồng phạm đã làm giả hàng nghìn loại tài liệu, thu lợi nhiều tỷ đồng; thu giữ hơn 4.800 con dấu giả; 4 tấm phôi chất liệu cao su dùng để làm giả con dấu; máy scan; 336 thẻ tín dụng ngân hàng các loại; 73 thẻ sim và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan...
Quá trình điều tra vụ án trên, Cục Cảnh sát hình sự nhận thấy sơ hở của ngân hàng trong kiểm tra hồ sơ vay vốn, tạo cơ hội cho nhiều khách hàng từ không đủ điều kiện vay thành đủ điều kiện vay để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Cụ thể, bộ phận thẩm định, phê duyệt hồ sơ không đối chiếu, lưu giữ bản gốc các tài liệu chứng minh thu nhập của khách vay, chỉ duyệt qua ảnh chụp hoặc bản photo.
Từ đó, các đối tượng đã câu kết với nhân viên ngân hàng (bộ phận sale) làm giả, sử dụng tài liệu giả (hợp đồng lao động, sao kê tài khoản chứng minh công ty trả lương...) để hoàn thiện hồ sơ vay tín chấp, mở hạn mức thẻ tín dụng, nâng hạn mức thẻ tín dụng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Câu kết với nhân viên ngân hàng để chiếm đoạt tiền của nhà băng
Trong vụ án của Lê Triệu Tấn Thịnh, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức của Lê Minh Tuấn (28 tuổi, ở quận Tân Bình), xảy ra tại Ngân hàng V.
Theo đó, từ đầu năm 2022, Tuấn bắt đầu làm dịch vụ mở thẻ tín dụng, quẹt thẻ POS đáo hạn ngân hàng tại quận Tân Phú để hưởng phí dịch vụ 1,8-2% trên tổng số tiền khách rút.
Tháng 8/2023, Tuấn bàn bạc với Vũ Thị Phượng (nhân viên Ngân hàng V. chi nhánh Củ Chi) tìm khách hàng không đủ điều kiện vay tiền, mở thẻ tín dụng rồi đặt làm giả các tài liệu như: Hợp đồng lao động, sao kê bảng lương.
Sau đó, các đối tượng sử dụng tài liệu, giấy tờ giả này để hoàn thiện hồ sơ vay tiền, mở thẻ tín dụng, nâng hạn mức thẻ tín dụng. Khi được ngân hàng giải ngân, Tuấn và các đối tượng là khách hàng chiếm đoạt tiền và chia nhau.
Với khách vay tín chấp, Tuấn giữ thông tin tài khoản ngân hàng và sim điện thoại của khách để nhận OTP, khi được ngân hàng duyệt hồ sơ cho vay, giải ngân, Tuấn sẽ trực tiếp vào app tài khoản ngân hàng của khách để rút tiền chia nhau.
Đối với khách mở thẻ tín dụng, Tuấn giữ lại thẻ, khi được ngân hàng duyệt hồ sơ mở thẻ, đối tượng dùng thẻ quẹt máy POS để rút tiền.
Còn với khách muốn nâng hạn mức thẻ tín dụng khi đã được Ngân hàng V. cấp thẻ, Tuấn sẽ đưa khách ra một ngân hàng khác, rồi dùng tiền của cá nhân mở một sổ tiết kiệm đứng tên khách hàng (tương ứng với số tiền muốn nâng hạn mức thẻ tín dụng).
Sau khi khách hàng có sổ tiết kiệm, ngân hàng sẽ cấp cho khách thẻ tín dụng có hạn mức tương đương sổ tiết kiệm (dùng sổ tiết kiệm để thế chấp). Lúc này, Tuấn sử dụng máy POS rút toàn bộ số tiền được cấp hạn mức để thu hồi lại tiền đã mở sổ tiết kiệm cho khách.
Tiền sau khi được giải ngân vay tín chấp, Tuấn sẽ lấy 15-25% trên tổng số tiền được giải ngân. Ngoài ra, Tuấn giữ lại tiền trả gốc và lãi khoản vay để đóng cho ngân hàng trong vòng 6 tháng.
Số tiền được giải ngân mở thẻ hoặc nâng hạn mức thẻ tín dụng, Tuấn lấy từ 15% đến 25% trên tổng số tiền theo hạn mức được rút hết trong thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, Tuấn giữ lại 10,8% để đóng phí đáo hạn thẻ hàng tháng nhằm mục đích để trong 6 tháng đầu, khách hàng không bị nợ xấu, tạo uy tín, thuận lợi cho nhân viên ngân hàng tiếp tục làm các hồ sơ cho các khách hàng sau và không bị ngân hàng phát hiện.
Sau 6 tháng, Tuấn và khách hàng không tiếp tục trả lãi, gốc cho ngân hàng mà khách hàng chấp nhận nợ xấu để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Đến nay, Bộ Công an đã chứng minh được Lê Minh Tuấn đã câu kết với nhân viên Ngân hàng V. là Vũ Thị Phượng làm giả, sử dụng 6 hợp đồng lao động giả, 6 sao kê tài khoản trả lương giả để hoàn thiện hồ sơ vay tín chấp, mở thẻ tín dụng cho các đối tượng là khách hàng tại Ngân hàng V. chi nhánh Củ Chi...
Cùng thời điểm điều tra, triệt phá đường dây của Lê Minh Tuấn, các trinh sát Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục làm rõ ổ nhóm khác với thủ đoạn tương tự do Nguyễn Văn Khanh (27 tuổi, ở quận Tân Bình) và Tạ Nguyễn Hồng Ân (26 tuổi, nhân viên Ngân hàng V.) cầm đầu.