1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Lộ "ảnh hưởng" của Prudential trong vụ lừa đảo bảo hiểm lớn nhất miền Bắc

(Dân trí) - Ngày thứ 3 vụ xét xử sơ thẩm 17 bị cáo “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, toàn bộ phòng xét xử lại nóng lên khi bị cáo chủ mưu Bùi Thị Thu Hằng đã khai nhận về những ảnh hưởng của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam.

Có việc quản lý lỏng lẻo của Prudential?

Mở đầu phần thẩm vấn của các Luật sư bảo vệ quyền lợi các bị hại trong vụ án thị Hằng cùng đồng phạm “núp bóng” thương hiệu bảo hiểm Prudential để lừa hàng chục khách hàng chiếm đoạt số tiền trên 232 tỷ đồng.

Trả lời HĐXX, bị cáo Hằng thừa nhận việc được Công ty Prudential cấp mã số Đại lý bảo hiểm để thị Hằng hoạt động là có thật trong khi bị cáo này chỉ đến tham dự tập huấn có một lần duy nhất, trong vòng vài phút.

 “Tôi biết là trước khi được Prudential công nhận làm đại lý thì phải trải qua một khoá đào tạo, huấn luyện dài ngày, nhưng tôi cũng không được phỏng vấn, không học. Đến lúc thi, tôi đến được một người trong Hội đồng thi đưa cho một bản kết quả như bản mẫu để tôi chép. Sau đó, tôi được Công ty Prudential ký hợp đồng đại lý” - thị Hằng khai.

Lộ ảnh hưởng của Prudential trong vụ thị Hằng lừa đảo hàng trăm tỷ đồng?
Phiên toà chiều ngày 9/10 lại tiếp tục nóng lên với lời khai của bị cáo Hằng và phần thẩm vấn bị cáo của các luật sư bị hại và luật sư phía Công ty Prudential Việt Nam.

Liên quan đến quy trình quản lý phiếu thu của Prudential có dấu hiệu buông lỏng. Luật sư Vũ Thị Nga - người bảo vệ quyền lợi các bị hại hỏi tại phiên toà: việc bị cáo đánh mất phiếu thu thì có phải báo cáo với ai không và tại sao Prudential lại cấp ngay cho bị cáo, có đúng quy định không? Thị Hằng trả lời: “ Bị cáo được phát mỗi lần 1 quyển, sau đó bị cáo sử dụng phiếu thu thật đó để thu tiền trái phép của khách hàng. Cụ thể một trường hợp là khách hàng Nguyễn Thị Quyên, cho đến khi bị cáo cần liên phiếu thu thì bị cáo đã báo về công ty là đã đánh mất. Lần đầu báo mất, bị cáo lên thị được anh Nguyễn Văn Thành chỉ đạo xuống bộ phận cấp phát phiếu thu và cấp cho bị cáo một quyển. Sau đó, bị cáo lại tiếp tục sử dụng phiếu thu để thu tiền khách hàng…”

Thị Hằng đã thừa nhận việc làm mất phiếu thu thì sẽ bị tạm ngừng hoạt động đại lý nhưng vẫn được Prudential cấp phát lại: “Bị cáo nghĩ do mình mang lại lượng lớn hợp đồng nên bản thân công ty đã nhắm mắt để cấp phát tiếp cho bị cáo những phiếu thu tiếp theo để tiếp tục thu tiền khách hàng dù bị cáo biết như thế là sai nguyên tắc. Và trong 4 lần báo mất như vậy, bị cáo chỉ một lần lên gặp bà Trần Thị Kim Lan (Trưởng văn phòng Prudential Quảng Ninh - PV”.

Luật sư phía Công ty Prudential, ông Hoàng Văn Dũng hỏi: “ Bị cáo có cho rằng quy trình quản lý và cấp phát phiếu thu của Prudential rất lỏng lẻo và sơ sài có phải không?”. Bị cáo Hằng khẳng định rõ trước HĐXX phiên toà là “có”.

Rõ chân dung các nhân vật trong bảng “ vinh danh”

Về ảnh hưởng của Prudential trong việc thị Hằng lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của khách hàng mua bảo hiểm, trong “ Bảng vàng Prudential Việt Nam” có hiệu lực từ ngày 01/1 đến 25/1/2011, Bùi Thị Thu Hằng vẫn được Prudential đề tên, ảnh chân dung trong bảng vàng cùng nhiều đại lý khác trong Công ty Prudential với “chiến công”: Đại lý dẫn đầu miền Bắc về doanh thu API, nhóm DR1, mã số đại lý 60203737 với số tiền 512.680.800 đồng và đại lý dẫn đầu số lượng hợp đồng miền Bắc với 40,5 hợp đồng. Với thành tích này Hằng đã được nhận phần thưởng từ Công ty Prudential là một bằng khen và một gói quà của Prudential.

Lộ ảnh hưởng của Prudential trong vụ thị Hằng lừa đảo hàng trăm tỷ đồng?
Bảng vàng Prudential Việt Nam có " tôn vinh" bị cáo Hằng và 2 nhân vật cùng ở Chi nhánh Prudential Quảng Ninh có thời hạn đến 25/1/2011.

Đáng chú ý, trong bảng vàng còn ghi rõ danh tính, hình ảnh chân dung bà Hoàng Kim Dung - nguyên trưởng nhóm của thị Hằng với thành tích dẫn đầu doanh thu API miền Bắc cùng nhóm DR1, mã số đại lý 60104610 với số tiền 592.017.000 đồng và ông Nguyễn Trọng Khương, Giám đốc văn phòng Bãi Cháy thuộc Chi nhánh Văn phòng Prudential Quảng Ninh dẫn đầu miền bắc về doanh thu API, với mã số đại lý 60012313 cùng số tiền 1.200.516.200 đồng.

Trong khi trước đó, vào ngày 05/12/2010, phía công ty Prudential đã phát hiện về một số hành vi không minh bạch trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ do thị Hằng kinh doanh, Prudential tạm thời dừng quyết định tặng xe Lexus 350 cho Hằng và giấy tờ gốc do Prudential Quảng Ninh tạm giữ và sẽ truy thu nếu chứng minh được hành vi gian lận. Theo đó, công ty thông báo việc tiến hành cuộc họp điều trần Hằng vào ngày 06/12/2010 tại trụ sở Prudential Quảng Ninh để làm rõ sự việc nhưng rồi mọi “vẫn đâu vào đấy”.

Liên quan đến việc Công ty Prudential vẫn vinh danh đại lý Hằng đến cuối tháng 1/2011 là việc chưa xử lý dứt điểm sai phạm của thị Hằng trước đó. Để tiếp sau đó, Hằng tiếp tục đi lừa đảo các nạn nhân khách hàng khác gây hậu quả nghiêm trọng.
 
Trong đó, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh làm rõ trong kết quả điều tra như sau: vào thời điểm tháng 2/2011, số tiền Hằng lừa đảo của khách hàng là 950 triệu đồng. Đến tháng 3/2011, số tiền lừa được đã tăng lên 5,8 tỷ đồng. Từ tháng 5/2011đến 11/7/2011, thị Hằng đã lừa chiếm đoạt hơn 40 lần, với số tiền khủng là trên 230 tỷ đồng.

Lộ ảnh hưởng của Prudential trong vụ thị Hằng lừa đảo hàng trăm tỷ đồng?
Các bị hại cho rằng Lãnh đạo chi nhánh Prudential Quảng Ninh đã biết về dấu hiệu lừa đảo của Hằng nhưng vẫn dung túng cho sai phạm? ( Ảnh các bị hại cung cấp).

Vấn đề này, Luật sư Vũ Thị Nga khẳng định: “Việc để thị Hằng hoạt động và vi phạm trong một thời gian dài để chiếm đoạt tài sản lớn của nhiều khách hàng là nạn nhân có dấu hiệu của việc Công ty Prudential đã không tuân thủ pháp luật Việt Nam về quy trình xử lý vi phạm, khen thưởng đã được qui định tại luật kinh doanh bảo hiểm cùng các văn bản hướng dẫn thi hành khác”.

Theo luật sư Nga thì Hằng bị đình chỉ hoạt động đại lý từ 24/1/2011. Đến ngày 04/3/2011, Hằng mới được khôi phục đại lý vậy mà Hằng vẫn được vinh danh trong bảng vàng đến 25/1/2011. “ Cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của Công ty Prudential và Chi nhánh Prudential Quảng Ninh tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan trực tiếp đến bị cáo cầm đầu từng là đại lý của Prudential và 16 đồng phạm khác” - luật sư Nga nói.

Theo lịch xét xử, đến ngày 18/10 tới, HĐXX vụ án lừa đảo khách hàng mua bảo hiểm gây rúng động người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ kết thúc.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả những diễn biến tiếp theo.
 
Trong vụ án này, bị cáo Trương Thị Vân đã sử dụng tên giả là Trần Hương Trà để ký được nhiều hợp đồng có doanh số cao lên đến hơn 8 tỷ đồng trong một tháng, đạt thừa 1 tỷ đồng so với doanh số mà Hằng đặt ra để thưởng. Vân được Hằng thưởng một xe ô tô Kia forte và một mảnh đất trong khu đô thị phường Cao Xanh - Hà Khánh, TP Hạ Long.
 
Vân khai nhận tại toà: “Khi làm cho chị Hằng, tôi được biết chị Hằng là giám đốc bộ phận phát triển kinh doanh Prudential Quảng Ninh (do Hằng giới thiệu - PV) và mặc nhiên tôi tin và không có nghi ngờ gì. Chị Hằng đưa tôi một mẫu có in lô gô được Prudential phát hành ra, tôi điền đầy đủ đưa cho chị Hằng và nghĩ rằng mình đã trở thành đại lý của Công ty Prudential. Tôi nghĩ tôi là một nhân viên của công ty Prudential, tôi cũng đã mua bảo hiểm của Prudential cho người thân, con cái trong gia đình khi chị Hằng có đề nghị. Sau khi chị Hằng bị bắt và những tháng sau đó công ty Prudential vẫn liên lạc với tôi…”.

 Quốc Đô