Livestream cảnh tự tử, đăng hình ảnh bạo lực tiêu cực có bị xử lý?
(Dân trí) - Theo luật sư, tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả từ việc đăng tải nội dung bạo lực, nhạy cảm... lên mạng xã hội mà người đăng tải sẽ phải bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời gian qua, nhiều vụ việc, vụ án thương tâm, nghiêm trọng liên tục xảy ra trên cả nước. Những thông tin liên quan đến các vụ việc được đăng tải trên mạng xã hội và thu hút rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng.
Điển hình như vụ án mạng khiến 2 người thương vong ở TP Bắc Ninh, hay vụ con gái chủ quán bia hơi ở Quảng Ninh bị nhân viên tấn công bằng búa,... Hay gần đây nhất là clip tự livestream của một nam thanh niên nhảy cầu Sêrêpốk (nối Đắk Lắk và Đắk Nông).
Điều đáng nói, những vụ việc này đều có những tình tiết, hình ảnh có tính chất bạo lực, tiêu cực, ghê rợn nhưng lại được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội bằng hình ảnh, clip không che đậy, gây phản cảm.
Đưa ra quan điểm về thực trạng này, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng nếu tình trạng này trở nên phổ biến sẽ vô tình dung dưỡng cho những mầm mống của hành vi phạm tội.
Theo luật sư Khuyên, sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ tạo ra nhiều lợi thế cho con người, nhưng đi kèm với đó cũng là những hệ lụy, tiêu cực, mà cụ thể hơn là sự ảnh hưởng của những ứng dụng mạng xã hội tới người sử dụng.
"Thói quen sử dụng mạng xã hội mọi lúc, mọi nơi, đăng tải bất kỳ nội dung, hình ảnh... nào để đạt được mục đích câu like, câu view, trực tiếp tác động đến hành vi, suy nghĩ và ý thức của người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ", bà Khuyên phân tích.
Nữ luật sư này cho rằng việc thường xuyên tiếp cận những hình ảnh, nội dung có tính chất ghê rợn trong những vụ án sẽ khiến con người quen dần với nó và có xu hướng thờ ơ, vô cảm, coi các vụ việc trên là thường tình, không phải việc của mình.
Theo luật sư Khuyên, hiện nay, pháp luật Việt nam đã điều chỉnh vấn đề đăng tải nội dung có tính chất nhạy cảm, man rợ, gây hoang mang dư luận. Cụ thể, Luật An ninh mạng ra đời nhằm phòng ngừa, tăng cường hoạt động giám sát và xử lý những hành vi vi phạm, tránh hệ lụy lâu dài.
Dưới góc độ pháp lý, bà Hà Thị Khuyên cho biết tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả từ việc đăng tải nội dung bạo lực, nhạy cảm... lên mạng xã hội gây ra, mà người đăng tải sẽ phải chịu chế tài xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu việc đăng tải và phát tán clip, hình ảnh man rợ lên mạng xã hội nhưng có tính chất chưa nghiêm trọng, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đăng tải và lan truyền sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020 của Chính phủ.
Theo đó, người nào "Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc", sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Còn nếu hành vi có tính chất nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, người đăng tải và lan truyền có thể sẽ bị truy cứu tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông", quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là 7 năm tù, ngoài ra còn bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng.
Riêng với vụ việc một nam thanh niên tự livestream cảnh nhảy cầu tự tử, luật sư Khuyên nhận định nội dung này có thể tác động tiêu cực tới tâm - sinh lý của thanh thiếu niên. Theo bà Khuyên, cơ quan chức năng sẽ cần vào cuộc để xác minh, làm rõ động cơ, mục đích của nam thanh niên này để có căn cứ xử lý phù hợp.