Lính cứu hỏa và cuộc chiến “giành lại cái còn trong cái mất”
Nhận lệnh lên đường, lao vào những nơi mà người khác đang chạy ra để bảo toàn mạng sống, chiến đấu với "giặc lửa" để giành lại tài sản và tính mạng cho nhân dân, đó là công việc của những người lính Cảnh sát Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.
Họ không quản tính mạng, bất chấp mọi hiểm nguy. Không ít người lính cứu hỏa đã hy sinh và bị thương khi "giành lại cái còn trong cái mất". Những tấm gương quả cảm của họ luôn tỏa sáng trước ngọn lửa và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.
Nghề nguy hiểm nhưng đầy tự hào
Những người lính phòng cháy chữa cháy được người dân quen gọi là lính cứu hỏa hay lính 114. Nhiệm vụ chính là bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân trong những vụ hỏa hoạn nguy hiểm bằng cách chiến đấu với ngọn lửa hung tàn.
Khi xảy ra cháy, những người lính ấy lập tức lên đường và lao vào đám cháy, đương đầu với biết bao hiểm nguy khôn lường để cố "giành lại cái còn trong cái mất" cho Nhà nước và nhân dân, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và của trong đám cháy.
Nhiều người nghĩ rằng việc chữa cháy đơn giản chỉ là phun nước, xả bọt để dập tắt đám cháy, nhưng trên thực tế, việc chữa cháy và cứu hộ cứu nạn thực sự nguy hiểm. Nếu không đánh giá được chi tiết, toàn diện về đám cháy, chỉ cần sơ sẩy một chút, tòa nhà có thể đổ sập, hay cây xăng có thể nổ tung… cướp đi sinh mạng của nhiều người dân và chính những người lính chữa cháy đang làm nhiệm vụ.
Kể lại kỉ niệm chữa cháy tòa nhà CT4A, khu đô thị Xa La ngày 11-10-2015 vừa qua, Thượng tá Trịnh Hữu Thực, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 9 vẫn chưa quên được giây phút anh cùng những trinh sát dày dạn kinh nghiệm xuống hiện trường tầng hầm để xem xét, đánh giá sự việc. "Khi ấy khói đen mù mịt, anh em không còn nhìn thấy đường đi.
Chúng tôi phải dùng cách quấn dây vào người rồi mò mẫm đi xuống. Nếu có nguy hiểm sẽ giật dây để anh em bên trên kéo lên. Toàn bộ tầng hầm bị cháy đen tạo ra những mùi hóa chất độc hại. Anh em cứu hộ phải dùng bình ôxy để thở nhưng cả tuần sau mũi, họng vẫn còn ảnh hưởng nặng nề bởi khói độc", Thượng tá Trịnh Hữu Thực chia sẻ.
Đặc thù của nghề chữa cháy là lúc nào những người lính cũng phải luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, kể cả những lúc ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hay những ngày lễ, Tết... Với Thiếu tá Đặng Xuân Hòa, Đội trưởng, Đội Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC số 9 thì bao nhiêu năm vào nghề là cũng bằng ấy năm anh chẳng có thời gian trọn vẹn dành cho gia đình, bản thân. Đi nhiều, trực nhiều đến nỗi nửa đêm cô con gái nghe tiếng chuông réo đã giục bố "cháy kìa", lúc ấy anh lại tất tả lên đường làm nhiệm vụ.
Còn với Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Số 7, Cảnh sát PCCC Hà Nội, người đã có hơn 26 năm trong nghề chữa cháy thì gần ba mươi năm trong nghề, anh đã nhiều lần suýt chết khi tham gia chữa cháy, giữa cái sống và cái chết thật mong manh! "Nhưng mọi mệt nhọc đều tan biến khi cứu được người trong đám cháy, trao cho các thành viên trong gia đình. Họ ôm chầm lấy nhau òa khóc, ôm chầm lấy chúng tôi nghẹn ngào không nói lên lời làm tôi cũng rưng rưng nước mắt'', anh xúc động chia sẻ.
Những tấm gương về lòng dũng cảm
Đã hơn 3 tháng và trải qua 2 lần phẫu thuật nhưng vết thương của chiến sĩ Nguyễn Văn Quang, Phòng Cảnh sát PCCC số 7, TP Hà Nội chưa khỏi hẳn, bàn tay trái chưa cử động được, vẫn phải đeo găng tay để chống tia sáng mặt trời làm ảnh hưởng tới lớp da mới được cấy ghép.
Nhớ lại khoảnh khắc ấy, Quang vẫn còn rùng mình: "Vào khoảng 0h25 ngày 15-10, đơn vị nhận được lệnh chi viện chữa cháy cho Phòng Cảnh sát PCCC số 12. Hiện trường vụ cháy là xưởng sản xuất bao bì, nhựa tái chế tại cụm công nghiệp làng nghề Ninh Sở, Thường Tín (Hà Nội). Đây là vụ cháy lớn, phức tạp do chất cháy chủ yếu là nhựa, nilon, ngọn lửa cháy rất dữ dội, cùng với nhiệt độ cao, khói khí độc tỏa ra nhiều và đặc biệt đám cháy có nguy cơ cháy lan sang các xưởng lân cận và cháy lan lên trạm biến áp treo trên cột điện nếu việc triển khai chữa cháy không kịp thời".
Quang được lệnh cùng với chiến sĩ Triệu Hoàng Duy cầm lăng phun nước làm mát và ngăn chặn cháy lan sang xưởng khác. Sau khi đã khống chế được cháy lan, anh nhận được lệnh của tiểu đội trưởng quay sang xưởng đang cháy để dập tắt đám cháy. "Khi đó, tôi phát hiện có một dòng chất lỏng chảy ào về phía mình, tôi nghĩ là do nước chảy ra vì hai anh em vẫn đang cầm vòi phun nước.
Khi phát hiện ra là nhựa, tôi chưa kịp thoát ra thì ngã ngửa về phía đằng sau. Hai tay tôi chống xuống để đứng lên nhưng không được vì chân và hông đã dính chặt vào nhựa. Đồng chí Duy thì chỉ bị ngã chống tay xuống dòng nhựa nóng nên vẫn kịp bật dậy để kéo tôi ra".
Duy bị bỏng hai tay, nhưng còn Quang vì tay, chân, lưng và hông đã bị dòng chất lỏng nhựa đặc quánh làm bỏng nặng nên đã ngất đi ngay sau đó. Hai anh lập tức được đưa vào Viện Bỏng quốc gia cấp cứu. Nhiều người có thể không biết rằng, trong vụ cháy chung cư CT4, khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội trước đó ba ngày, hai chàng lính trẻ này cũng tham gia chữa cháy, hướng dẫn 30 người xuống đất an toàn và cõng một bà cụ từ tầng 18 xuống mặt đất.
Là nhân vật trong bức ảnh gây xúc động trên mạng xã hội, Hạ sĩ Trương Duy Tùng sinh năm 1993, Phòng Cảnh sát PCCC số 7, đã cứu thoát 50 người mắc kẹt trong toà nhà CT4B khu đô thị Xa La xảy ra vào này 11-10-2015 vừa qua. Tùng đã khiến nhiều người bật khóc khi nhìn thấy vẻ mặt đen nhẻm của người lính cứu hoả dẫn theo đoàn người đi ra từ toà nhà dày đặc khói. Tấm gương quả cảm của những chiến sĩ Cảnh sát PCCC luôn tỏa sáng trước ngọn lửa và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.
Theo Tuấn Trình
Cảnh sát toàn cầu