1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Lập dự án ảo rút 225 tỷ đồng ngân hàng: Cấp dưới tố cấp trên ép phạm pháp

Ngày 22/8, TAND tỉnh Ninh Thuận mở phiên tòa xét xử vụ lập dự án ảo rút 225 tỉ đồng tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh Ninh Thuận đối với năm bị cáo.

Năm bị cáo gồm Vũ, Trung, Danh, Thiệt, Xuân

Năm bị cáo gồm Vũ, Trung, Danh, Thiệt, Xuân (từ trái qua) tại phiên tòa. Ảnh: M.TRÂN
Các bị cáo gồm: Nguyễn Hải Trung, Nguyễn Thiệt, Võ Thành Danh, Võ Thành Xuân, Lê Quang Vũ. Trong đó bị cáo Trung, Thiệt bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Danh, Xuân, Vũ bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Hôm qua, phiên tòa kết thúc phần thẩm vấn, sáng nay (23/8) tiếp tục phần tranh luận và tuyên án.

Theo hồ sơ, Trung từ Hải Phòng vào Ninh Thuận lập Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Nam Trung Bộ (SCIC - Trung làm chủ tịch HĐQT). Sau đó, từ ngày 11-3 đến 30-10-2009, SCIC lập hồ sơ tín dụng xuất khẩu (được hỗ trợ lãi suất theo gói kích cầu của Chính phủ) tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh Ninh Thuận (Ngân hàng) để được bảo lãnh vay tại các ngân hàng thương mại trong và ngoài tỉnh trên 225 tỉ đồng.

Để được vay tiền, SCIC ký 19 hợp đồng kinh tế mua bán sắn lát, cao su, cà phê với nhiều đối tác ngoài tỉnh, được xuất hóa đơn giá trị gia tăng… SCIC dùng những chứng từ này lập hồ sơ tín dụng xin vay và được Ngân hàng chấp thuận ký hợp đồng tín dụng xuất khẩu và giải ngân.

Công tố viên cáo buộc những chứng từ này là khống, giả mạo, các dự án cũng là ảo nhưng Trung quanh co cho rằng chúng là hồ sơ đầy đủ chứng cứ pháp lý nên mới được ngân hàng chấp thuận cho vay. Đến khi công tố viên trưng ra nhiều hợp đồng kinh tế, hóa đơn giá trị gia tăng là bản phôtô thì Trung mới thừa nhận.

Bị cáo Thiệt khai mình được Trung thuê làm giám đốc của SCIC với lương 4,7 triệu đồng/tháng và ký đại vào bất cứ giấy tờ nào có liên quan đến các dự án ảo, kể cả ký khống trên giấy A4 để Trung thuận tiện mang đi xa làm ăn với các đối tác. Tòa hỏi Thiệt ngoài tiền lương còn có được Trung chia tiền không thì Thiệt trả lời không!

Điều này được Trung xác nhận và Trung còn khẳng định chính mình đã có chủ ý lập các hồ sơ với các đối tác, ngân hàng chứ cấp dưới không biết gì.

Trả lời thẩm vấn trước tòa, bị cáo Danh (nguyên giám đốc Ngân hàng) cho rằng ngân hàng thực hiện đúng quy trình, thủ tục cho vay kích cầu với SCIC. Khi tòa vặn ngân hàng đã thực hiện các bước kiểm tra về uy tín, kinh nghiệm, khả năng thực hiện đầu tư nhà máy titan, văn phòng thuê của SCIC cũng như tính thanh khoản tài sản đảm bảo tiền vay, kiểm tra kho hàng hóa… chưa thì Danh lòng vòng, trả lời không rõ ràng.

Khi tòa hỏi trách nhiệm của giám đốc một chi nhánh ngân hàng về các hợp đồng tín dụng với SCIC thì Danh hoàn toàn đổ trách nhiệm cho cấp dưới là Xuân, Vũ (phòng Tín dụng). Danh cho rằng Xuân, Vũ thẩm định hồ sơ, ký cho vay sau đó chuyển lên cho Danh thì Danh mới ký duyệt.

Phần này Xuân, Vũ đều trả lời ký là do Danh ép. Xuân khai có những khoản vay, Danh yêu cầu Xuân, Vũ phải ở lại ngoài giờ làm việc để ký hồ sơ khẩn cấp để giao cho SCIC. Khi xem hồ sơ, cả hai đều thấy giám đốc Danh đã ký trước rồi. Việc làm theo “quy trình ngược” là trái quy định.

Vũ khai thêm vì giám đốc Danh ép ký nên Vũ sợ, phải ký sau khi ghi âm hai cuộc điện thoại chỉ đạo của Danh.

Tại tòa, ông Bùi Nam (Trưởng phòng Tài chính Kế toán của Ngân hàng) xác nhận hiện SCIC còn nợ tiền nợ gốc và lãi phát sinh trên 95 tỉ đồng...

Theo Minh Trân
Pháp luật TP.HCM