1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đắk Lắk:

Lặng thầm nghề tầm nã

(Dân trí) - Có những vụ án tưởng chừng như đã rơi quên lãng bởi đối tượng gây án “mất tích” hàng chục năm…Thế nhưng, trong chừng ấy thời gian, vẫn có những con người âm thầm, quyết tâm đưa kẻ phạm pháp ra trước ánh sáng pháp luật.

Trăm phương ngàn kế để lẩn trốn

Từ đầu năm 2017 tới nay, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC 52), Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt, vận động đầu thú 12 đối tượng truy nã, trong số đó có những đối tượng đã lẩn trốn 20 năm. Mới đây, ngày 9/2, sau một thời gian theo dõi, xác minh, đơn vị này cũng đưa được Đinh Văn Khiêm, đối tượng lẩn trốn 17 năm vì hành vi giết người về chịu tội.

Đối tượng Khiêm bị bắt giữ sau 17 năm trốn truy nã (ảnh: CQCA cung cấp)
Đối tượng Khiêm bị bắt giữ sau 17 năm trốn truy nã (ảnh: CQCA cung cấp)

Là người trực tiếp chỉ đạo vụ án, Thượng tá Trần Văn Vinh, Phó phòng PC 52 thông tin: Chiều ngày 3/4/1999, Đinh Văn Khiêm cùng với 5 người khác đến thôn Đồi Mây (xã EaPô, huyện Cư Jút) tìm gặp La Văn Hương (SN 1976) vì nghi anh Hương trộm đồ. Tại đây, cả 6 người cùng nhau tấn công nạn nhân, mặc dù anh này đã giải thích nhưng nhóm người vẫn không chịu buông tha khiến anh này đã tử vong ngay sau đó.

Sau khi gây án, các đối tượng đã bị Cơ quan CSĐT xử lý theo quy định. Riêng Đinh Văn Khiêm, khi nghe tin nạn nhân đã chết thì đối tượng liền bỏ trốn khỏi địa phương. Hơn 17 năm lẩn trốn, để tránh sự phát hiện, Khiêm đã đi nhiều nơi, sống ở mỗi địa phương một thời gian ngắn rồi mới chọn thành phố Hồ Chí Minh là “bến đỗ cuối cùng”. Đặc biệt, ở mỗi địa phương, hắn sẽ thay đổi hình dáng, đầu tóc nhằm che giấu thân phận thực sự của mình.

Chia sẻ thêm về đối tượng, Thượng tá Vinh cho hay, ngoài tên khai sinh, khi lẩn trốn, Khiêm còn dùng tên người anh trai để đăng ký giấy tạm trú, thậm chí là giấy kết hôn. Trong 17 năm qua, đối tượng này chưa một lần về lại Đắk Nông, cũng không một lần liên hệ trực tiếp với người nhà mà toàn bộ thông qua kênh trung gian, là một người phụ nữ cùng quê Cao Bằng, đang làm công nhân ở Bình Dương.

“Vì người phụ nữ này thường xuyên liên hệ với chị gái của đối tượng nên cán bộ trinh sát mở rộng, chuyển hướng điều tra sang cô ta. Cũng chính nhờ vậy mà công an mới phát hiện ra Khiêm đã có vợ và con, hiện đang sinh sống tại phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM”, Thượng tá Vinh tiết lộ.

Một trường hợp khác, đối tượng Nguyễn Thành Chung sau khi “biệt tăm” vì tội giết người, cướp tài sản thì cũng chấp nhận tra tay vào còng sau 23 năm sống ẩn dật. Cũng giống như Khiêm, trong quá trình lẩn trốn, Chung đã thay tên đổi họ lẩn trốn nhiều nơi. Điều đáng nói, thông tin về Chung là rất ít, không có ảnh, thậm chí còn chưa bao giờ đăng ký chứng minh thư… Chính vì vậy, để bắt được Chung, phải trải qua rất nhiều đời trinh sát, có người đã phải bỏ cuộc vì quá trình điều tra nhiều lần rơi vào ngõ cụt.


Hiếu “trọc” sau thời gian dài trốn truy nã về tội giết người trước khi bị bắt đã làm bảo kê một khu chợ ở Đồng Nai

Hiếu “trọc” sau thời gian dài trốn truy nã về tội giết người trước khi bị bắt đã làm bảo kê một khu chợ ở Đồng Nai

Nhưng sau nhiều năm nghiên cứu hồ sơ, với các biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng PC52 cũng xác định được Chung đang bảo kê khai thác vàng ở một nơi hẻo lánh tỉnh Quảng Nam. “Chung rất thông minh chọn bãi vàng để giấu mình, bởi đây là nơi đồi núi vắng vẻ, ít người, một số là đối tượng cộm cán, từng vào tù ra tội và rất “bất cần đời” nên có thể hắn sẽ được bạn bè bảo vệ khi trinh sát đến vây bắt”, Thượng tá Vinh nhận định.

Chính vì vậy, để bắt đúng đối tượng, lại không làm kinh động đến những người khác ở bãi vàng, lực lượng trinh sát phải thâm nhập, tiếp cận từ cả tháng trước, xác minh chính xác Chung rồi mới lên phương án bắt giữ. Sau nhiều năm sống bằng thân phận khác, nên chỉ cần nghe lực lượng trinh sát gọi bằng cái tên “cúng cơm”, Chung đứng chết lặng, chịu đưa tay vào còng trước sự bất ngờ của nhiều người.

“Gian nan nhưng đó là niềm vinh hạnh”

Đại tá Vi Đức Bảo, Trưởng Phòng PC52, người có nhiều năm gắn bó với nghề tầm nã cho biết, thông thường những đối tượng bị truy nã sẽ chọn những nơi hẻo lánh hoặc địa bàn phức tạp để lẩn trốn. Tuy nhiên, lại có đối tượng lại sống công khai bằng danh tính của người khác, tiếp tục phạm tội nhằm đánh lạc hướng xác minh nên bắt tội phạm bị truy nã chẳng khác gì “mò kim đáy bể”.

Công việc của một trinh sát truy nã là một nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bởi, sau khi gây án nghiêm trọng, các đối tượng sẽ dùng mọi thủ đoạn để trốn tránh, thậm chí luôn mang bên mình “hàng nóng” để đối phó khi bị phát hiện. Vì vậy, đã là người chiến sĩ PC52 là phải luôn yêu nghề, chịu khó, chịu khổ mới có thể bám trụ được với nghề. Trách nhiệm của PC52 không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành được nhiệm vụ, giúp người bị hại mà hơn cả là giữ nghiêm kỷ cương, ổn định trật tự xã hội.

“Những khó khăn, gian khổ của nghề tầm nã là không thể nói hết, có những vụ án chỉ đơn thuần là đi xác minh để bắt đối tượng, nhưng cũng có vụ, cán bộ chiến sĩ phải nằm gai nếm mật, cải trang, thâm nhập vào “thế giới riêng” của chúng. Việc chúng tôi giáp mặt với những băng nhóm hung hãn, manh động là chuyện thường xuyên, nhưng đó là nhiệm vụ, đặc thù của công việc đã xác định phải đánh đổi khi bước chân vào nghề này”, Đại tá Bảo tâm niệm.

Theo Trưởng phòng PC52, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị không chỉ truy tìm, lùng bắt đối tượng mà còn dùng cái tâm để vận động, thuyết phục đối tượng ra đầu thú. Bởi trong lòng mỗi người sau khi gây án vẫn có những trăn trở, ám ảnh về tội lỗi mà mình đã gây ra. Việc vận động đối tượng ra đầu thú trước hết là đánh thức lương tri nhằm hưởng sự khoan hồng của pháp luật và vừa tiết kiệm sức người, sức của, qua đó, giúp nhân dân tin tưởng hơn vào lực lượng công an nhân dân.

Điều đó được chứng minh bằng những con số là từ năm 2010 đến nay, lực lượng PC52 đã truy nã, bắt được gần 700 đối tượng, trong đó có những đối tượng trốn truy nã từ 17 đến 23 năm.

Dương Phong

Bình luận (0)
để gửi bình luận