1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hải Dương:

Làm giả giấy chứng nhận cho người nước ngoài, 4 đối tượng vào vòng lao lý

Tham gia vào đường dây phạm tội này là Bùi Thanh Thơm (SN 1983, ở tại khu 7, phường Ngọc Châu, nguyên Trưởng phòng Hành chính nhân sự của Công ty TNHH Ge-Shen Việt Nam).

Xuất phát từ nhu cầu của người lao động nước ngoài ở Việt Nam và vì hám lời, Thơm đã cùng với 3 đối tượng người Việt Nam và một đối tượng người nước ngoài, hình thành đường dây làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Quá trình điều tra, đến tháng 11/2020, Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Hải Dương đã hoàn thành bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị truy tố 4 đối tượng về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Các đối tượng gồm: Bùi Thanh Thơm; Đỗ Thị Lệ Thu (SN 1993, ĐKHK và chỗ ở tại Lý Công Uẩn, phường Lê Thanh Nghị; nhân viên Phòng Hành chính nhân sự thuộc Công ty TNHH Ge-Shen Việt Nam); Lê Thị Hiệp (SN 1990, trú tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà; nhân viên của Công ty TNHH sản xuất giấy và văn phòng phẩm Thiên Tường) và Lê Thị Huê (SN 1989, trú tại xã Tiên Tiên, TP Hải Dương; là nhân viên Công ty TNHH Ge-Shen Việt Nam).

Do có nhu cầu cần kỹ thuật lắp đặt máy móc về sản xuất văn phòng phẩm, khoảng tháng 3/2014, Công ty TNHH sản xuất giấy và văn phòng phẩm Thiên Tường (có trụ sở tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương do ông Nguyễn Văn Tiệp (SN 1977, trú tại phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương) làm Giám đốc; ngành nghề kinh doanh là sản xuất, kinh doanh, văn phòng phẩm đã mời 4 người Trung Quốc làm việc.

Cụ thể là Hong Chen Liu (SN 1990); Hong Yu Biao (SN 1974); Li Qing Heng (SN 1998) và Hong Yu Kai (SN 1974) đến làm việc cho công ty với chuyên môn là kỹ thuật đóng sổ sách.

Để hoàn tất các thủ tục, ông Nguyễn Văn Tiệp giao cho Lê Thị Hiệp, là nhân viên của Công ty TNHH sản xuất giấy và văn phòng phẩm Thiên Tường làm thủ tục cấp visa theo diện thư mời, sau đó làm visa ở lại lao động cho công ty. Lê Thị Hiệp tìm hiểu thủ tục và giấy tờ cần thiết để xin cấp giấy phép lao động, visa lao động cho 4 người Trung Quốc nêu trên và biết cần phải có bằng cấp chuyên môn hoặc giấy xác nhận chuyên gia kinh nghiệm được hợp pháp hóa lãnh sự.

Cùng thời điểm này, thông qua mạng xã hội, Lê Thị Hiệp quen biết với Bùi Thanh Thơm và được Thơm chỉ dẫn, cho số điện thoại của Huang Shao Ling để mua giấy xác nhận kinh nghiệm có hợp pháp hóa lãnh sự cho những người Trung Quốc này.

Sau khi có số điện thoại trên, Lê Thị Hiệp liên lạc và cung cấp ảnh chụp hộ chiếu, căn cước công dân của Hong Chen Liu, Hong Yu Biao, Li Qing Heng và Hong Yu Kai, thông tin lĩnh vực ngành nghề (mà Công ty TNHH sản xuất giấy và văn phòng phẩm Thiên Tường dự định bố trí cho những người này làm việc) cho Huang Shao Ling qua zalo, để làm giấy xác nhận kinh nghiệm có hợp pháp hóa lãnh sự cho họ.

Lê Thị Hiệp và Huang Shao Ling thỏa thuận 260USD/1 bộ hồ sơ giấy xác nhận kinh nghiệm (chuyên gia) có hợp pháp hóa lãnh sự và 250.000 đồng/1 bộ bản dịch thuật, chứng thực. Lê Thị Hiệp chuyển cho Huang Shao Ling 4 lần tổng cộng 23.384.700 đồng vào tài khoản do đối tượng đưa cho.

Huang Shao Ling chuyển lại cho Lê Thị Hiệp 4 bộ giấy xác nhận kinh nghiệm (chuyên gia) có tem hợp pháp hóa lãnh sự số 6102/2019, 6105/2019, 6106/2019 đều để ngày 28/5/2019 và số 6118 đề ngày 30/5/2019 có đóng dấu “Phòng Lãnh sự Đại sứ quán CHXHCN Việt Nam tại CHND Trung Hoa” mang tên Hong Yu Kai, Hong Yu Bao, Hong Chen Liu và LiQing Heng cùng các bản dịch thuật chứng thực tương ứng.

Hiệp đưa những người Trung Quốc nêu trên đi khám sức khỏe, làm lý lịch tư pháp và lập tờ khai theo biểu mẫu trình ông Nguyễn Văn Tiệp ký, đóng dấu Công ty TNHH sản xuất giấy và văn phòng phẩm Thiên Tường rồi đem đến Trung tâm Dịch vụ hành chính công nộp vào bộ phận cấp giấy phép lao động của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương từ chối không cấp Giấy phép lao động cho những trường hợp này do Giấy chứng nhận chuyên gia không ghi rõ ngành nghề cho đối tượng được cấp. 

Lê Thị Hiệp liên hệ và được Huang Shao Ling chuyển lại cho các bản dịch thuật, chứng thực khác, đem nộp lại thì cán bộ tiếp nhận yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Lê Thị Hiệp thấy giấy tờ có vấn đề nên xin rút lại hồ sơ, không xin cấp giấy phép lao động cho 4 người Trung Quốc...

Ngày 29/6, Huang Shao Linh đã chuyển trả cho Lê Thị Hiệp 22.270.000 đồng vào tài khoản của Bá Thị Hồng, nguyên là kế toán của Công ty TNHH sản xuất giấy và văn phòng phẩm Thiên Tường.

Qua công tác quản lý địa bàn, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hải Dương có thông tin về đường dây làm giả và sử dụng hồ sơ giả để đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài của một số nhân viên phụ trách nhân sự tại các công ty có sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hải Dương. 

Từ thông tin trên, cán bộ Phòng ANĐT đã vào cuộc thu thập thông tin, nắm tình hình và phát hiện những dấu hiệu bất thường tại Công ty TNHH sản xuất giấy và văn phòng phẩm Thiên Tường và hành vi của Lê Thị Hiệp và triệu tập đối tượng về trụ sở làm rõ.

Tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương đã làm rõ sai phạm tại Công ty TNHH Ge-Shen Việt Nam và các đối tượng có liên quan đến đường dây. Quá trình điều tra xác định: Tháng 10/2016, tháng 2/2017 Bùi Thanh Thơm đã chỉ đạo Đỗ Thị Lệ Thu liên hệ và mua của Huang Shao Ling 2 bộ hồ sơ giấy xác nhận kinh nghiệm (chuyên gia) có hợp pháp hóa lãnh sự cho Wen Guang Hua, Deng Tu Hua. Đến tháng 7-2018, Bùi Thanh Thơm đã chỉ đạo Lê Thị Huê, mua của Huang Shao Ling 1 bộ hồ sơ giấy xác nhận kinh nghiệm (chuyên gia) có hợp pháp hóa lãnh sự cho Tan Ben Jun.

Sau đó, đối tượng đã sử dụng các giấy tờ này để làm thủ tục và được các cơ quan chức năng cấp giấy phép lao động và visa lao động cho 3 người Trung Quốc nêu trên ở lại Việt Nam lao động tại Công ty TNHH Ge-Shen Việt Nam.

Làm giả giấy chứng nhận cho người nước ngoài, 4 đối tượng vào vòng lao lý - 1

Các đối tượng trong vụ án.

Tháng 3/2019, Bùi Thanh Thơm đã hướng dẫn và cho Lê Thị Hiệp số điện thoại của Huang Shao Ling để mua giấy xác nhận kinh nghiệm cho người nước ngoài. Sau đó Lê Thị Hiệp đã liên hệ mua của Huang Shao Ling 4 bộ hồ sơ giấy xác nhận kinh nghiệm có hợp pháp hóa lãnh sự cho 4 trường hợp như trên nhưng không được cấp.

Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hải Dương xác định Huang Shao Ling là người liên hệ làm và bán 7 tài liệu giả và hưởng lợi 18.986.000 đồng. Đối với hành vi làm giả giấy xác nhận kinh nghiệm cho Wen Guang Hua, Deng Tu Hua, Tan Ben Jun thì vai trò của Bùi Thanh Thơm là người chỉ đạo, Đỗ Thị Lệ Thu và Lê Thị Huê là người trực tiếp liên hệ làm, mua bán, sử dụng giấy tờ giả.

Đối với hành vi làm giả giấy xác nhận kinh nghiệm cho Hong Chen Liu, Hong Yu Biao, Hong Yu Kai, Li Qing Heng thì vai trò của Lê Thị Hiệp là người trực tiếp liên hệ làm, mua bán, sử dụng giấy tờ giả, Bùi Thanh Thơm là người giúp sức.

Từ việc điều tra, làm rõ vụ án, Cơ quan ANĐT đã đề nghị các cơ quan chức năng hủy giấy phép lao động, visa lao động của hơn 30 người có quốc tịch Trung Quốc; đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý chặt chẽ việc cấp các giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam. Vụ án là bài học cảnh báo đối với các doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài phải tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam...