1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Kiều nữ và 11 nhát dao đoạt mạng người tình sau ân ái

Phải nói là cô đẹp. Ngay cả khi cô khoác trên mình chiếc áo kẻ sọc phạm nhân, vẻ đẹp đó vẫn rờ rỡ toát lên như đóa hoa rừng đương độ.

Nhìn hai bàn tay cô thon dài xoắn xuýt vào nhau suốt buổi hàn huyên, tôi không thể nghĩ rằng, đôi tay ấy đã từng xả xuống 11 nhát dao để đoạt mạng người tình, ngay sau khi hai người vừa ân ái.

Từ cô sơn nữ ở trọ chốn phồn hoa…

Tôi đã nhìn thật lâu vào đôi mắt tròn to trên gương mặt sáng của cô để tìm một câu trả lời, vì sao mà một sơn nữ hương sắc lành lẽ nhường kia lại có thể lạnh lùng cầm dao giết người để rồi gửi thân sau song sắt? Gương mặt ấy rất khó để nói là của một tên tội phạm, nhưng cứ đọc lại những gì cô khai trước cơ quan điều tra, khai trước tòa, tôi chỉ ước, giá như trước khi lao vào vũng tối, cô chỉ cần dừng lại một giây, để nghĩ suy soi xét…

Lê Thị Bình ngày bị đưa ra xét xử
Lê Thị Bình ngày bị đưa ra xét xử

Sinh ra và lớn lên trên bắc ải Hà Giang, nơi khắc khoải một màu xám lạnh đá tai mèo, Lê Thị Bình (SN 1985) là con út trong một gia đình có sáu anh chị em ở huyện Bắc Quang. Bố mất, mẹ cô ở vậy thờ chồng, nuôi con. Từ nhỏ, Bình đã phải sống trong cảnh cơ hàn. Cả gia đình cô bám mặt vào những triền núi thấp thểnh từ sáng sớm đến tối mịt để trồng ngô, tỉa bắp mà cái đói, cái nghèo vẫn trúc trắc bám theo họ năm này qua năm khác.

Nhưng bù lại, ông trời ban cho Bình một nhan sắc mà hầu như người đàn ông nào nhìn vào cũng khó cưỡng. Càng lớn, Bình càng đẹp, vẻ đẹp hoang dã của người du mục trong tiểu thuyết xa xôi. Cổ cao ba ngấn, mắt tròn to, sắc và ướt rượt.

Học hết phổ thông, năm 2008, Bình khăn gói làm một cuộc thiên di về Hà Nội học làm đầu, trang điểm cô dâu. Bình xuống ở trọ chốn phồn hoa, với mong muốn sau khi thành nghề sẽ về mở một hiệu cắt tóc nhỏ nơi thị trấn Bắc Quang để kiếm tiền giúp mẹ, giúp gia đình thoát khỏi cảnh tù túng, bần hàn, thoát khỏi những bữa cơm mèn mén đạm bạc đến đau thương.

Hiệu làm đầu nơi Bình học nghề nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở quận Cầu Giấy, kể từ khi có sự xuất hiện của cô, đàn ông nườm nượp kéo đến. Họ gội đầu, cắt tóc thì ít, mà kỳ thực là họ muốn tận mắt ngắm nhìn “vẻ đẹp lạ” ngoan hiền, trong trẻo của cô sơn nữ thì nhiều. Bao lời ong bướm bủa vây, chốn thị thành ngập tràn cám dỗ. Bình lại là “bông hoa núi rừng” ngờ nghệch, mỗi chớp mắt là thêm một lần ngơ ngác, ngỡ ngàng trước bao điều mới lạ. Bình đã không đứng vững, cô bị gục ngã bởi vẻ hào nhoáng và những lời đường mật của một người đàn ông 30 tuổi quê ở Thái Nguyên.

Lặng lẽ chăm sóc mây luống hoa trong khuôn viên trại
Lặng lẽ chăm sóc mây luống hoa trong khuôn viên trại

Tin tưởng và trao thân cho người đàn ông ấy, Bình đâu ngờ gã đã có gia đình. Khi biết được sự thật đó, cô như người rơi xuống vực sâu hun hút, vật vã đớn đau. Quyết tâm rũ bỏ quá khứ, cô về quê lập nghiệp. Nhưng khi nhận được điện thoại “trút bầu tâm sự” của người tình, rằng, gã sống với vợ không hạnh phúc, sẽ cưới cô khi đã hoàn tất thủ tục ly hôn, Bình đồng ý nối lại tình xưa.

Rồi cái ngày định mệnh cũng đến. Sáng 10/11/2008, Bình từ Hà Giang về Hà Nội định lấy mỹ phẩm lên bán ở cửa hàng. Gã đã lái xe từ Thái Nguyên xuống đón cô ở bến xe Mỹ Đình, hai người thuê nhà nghỉ “mây mưa”. Sau đó, người đàn ông kia lén cầm điện thoại của cô, xóa số của chính mình được lưu trong đấy. Gã muốn bước ra khỏi cuộc đời cô, tinh tươm, không dấu vết. Mối tình đầu của cô đã bị nhạo báng, người đàn ông mà cô tôn thờ hóa ra chỉ coi cô như một món đồ chơi, công cụ tình dục. Uất nghẹn. Cùng đường. Bình như một con người khác. Cô điên cuồng dùng con dao gọt hoa quả đâm lia lịa lên thân thể người đàn ông vừa cùng mình hoan lạc, cho tới khi gãy cán mới thôi...

… đến thợ cắt tóc trong tù

Gã chết, Bình bị bắt. Ngày bị đưa ra xét xử, tòa tuyên án 18 năm tù, Bình xin được chết. Cô đã muốn chấm dứt tất cả để khỏi phải ngoái về quá khứ. Nhà nghèo không có tiền thuê luật sư, luật sư bào chữa cho Bình là do tòa chỉ định. Mẹ cô từ Hà Giang xuống, còm cõi và héo úa, thương con thắt lòng mà không biết làm sao. Bà xin ở tù thay con…

Kể từ ngày về thụ án tại phân trại 4, Trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hóa), Bình nhận được rất nhiều lời động viên, chia sẻ của cán bộ trại giam cũng như sự cảm thông từ các bạn tù. Cô đã bình tâm lại, bớt hoảng loạn, hẫng hụt, trầm cảm và hay cười đùa trở lại với mọi người xung quanh. Cô đã học được cách chấp nhận số phận mình.

Bình bảo, cô đang tập đếm ngược thời gian. Dù rằng, cái án 18 năm là một khoảng mênh mông của chuỗi ngày dài vô định, nhưng cô biết, chỉ có cách giữ lòng yên bình, cải tạo thật tốt, những quyển lịch tháng năm dày cộp mới mau chóng được lật qua, cô mới sớm trở về với mẹ.

Nhắc đến mẹ, Bình khóc rất nhiều. Những giọt nước mắt sám hối của cô vừa mới lăn khỏi tròng đã bị gió Lào táp lại, se thắt. Cô lo sợ, ở nơi núi cao kia, mẹ cô không gắng gượng được để chờ ngày con gái trở về. Sức lực của người đàn bà đầy khổ đau ấy, đã gạn chắt từng giọt để nuôi lớn cô, rồi lại phải đau đớn nhìn cô phạm tội. Bà đã cùng kiệt lắm rồi, lay lắt như ngọn đèn trước gió. Anh chị em cô mỗi người một hoàn cảnh, đều cơ cực như nhau. Gần một năm nay, Bình không hề có người thăm thân.

Lê Thị Bình luôn nhận được sự quan tâm, động viên của Ban lãnh đạo Trại giam số 5
Lê Thị Bình luôn nhận được sự quan tâm, động viên của Ban lãnh đạo Trại giam số 5

Biết hoàn cảnh éo le, khốn khó của Bình, các bạn tù cũng quan tâm và giúp đỡ cô rất nhiều. Họ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và cả những món quà nho nhỏ mà họ nhận được qua mỗi lần người nhà thăm nuôi. Ngược lại, Bình cũng xem họ như những người thân ruột thịt trong gia đình.

Bình khoe với tôi xấp thư khéo đến mấy chục lá xếp trong túi đồ cá nhân. Cô viết, nhưng không gửi, viết như để trải lòng, để giải tỏa nỗi buồn sâu kín. Hàng ngày, ngoài giờ lao động theo quy định như những phạm nhân khác, cô còn được Ban lãnh đạo trại giam sắp xếp làm ở một quán cắt tóc, gội đầu nhỏ trong khuôn viên trại.

Khách hàng giờ đây không phải những người “mặt hoa, da phấn”, hào nhoáng xưa kia, mà toàn là những nữ phạm nhân trong phân trại số 4, những người đồng cảnh ngộ với cô. Tuy sống kiếp tù đày, nhưng phụ nữ thì ở đâu cũng vậy, nhu cầu làm đẹp của họ là không thể thiếu. Dù rằng việc cắt tóc, nối mi, tô son, kẻ mắt không phải để quyến rũ ai, họ vẫn làm để tìm vui, để thấy cuộc đời còn nhiều ý nghĩa .

Bình phấn khởi lắm. Cô bảo, đấy lẽ ra là cái nghề mà ngày xưa cô chọn lựa, và nguyện nặng mang đeo đẳng suốt cuộc đời. Nhưng, định mệnh nghiệt ngã đã đẩy đưa vòng xoay số phận của cô chệch sang hướng khác. Giờ vào đây, lại được làm đúng sở trường, được làm đẹp cho mọi người, âu cũng là niềm an ủi.

Chia tay tôi, Bình cười nhỏ nhẹ, nụ cười hiếm hoi trong buổi chiều hanh hao gió cát. Cô bảo, tòa tuyên mức án 18 năm tù là đã giúp cô có cơ hội làm lại cuộc đời, có cơ hội để sửa chữa những lỗi lầm, khờ khạo và tội ác đã gây ra. Cô sẽ nâng niu, trân trọng cơ hội ấy bằng cách cố gắng phấn đấu cải tạo thật tốt. Để một ngày nào đó, cô được trở về bên người mẹ già đang mỏi mắt chờ con nơi sương mờ, non cao trên bắc ải Hà Giang.

Theo Nguyễn Trung Thành
Công lý