1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Kiện Viện kiểm sát đòi hơn 4 tỉ đồng oan sai

(Dân trí) - Năm 1997, Bà Thuận bị khởi tố, bắt giam oan về hành vi hủy hoại tài sản công dân. Tuy nhiên, sau 22 năm bà Thuận vẫn không nhận được xin lỗi công khai và bồi thường.

Ngày 16/8, TAND quận 3 (TPHCM) cho biết cơ quan này đang thụ lý giải quyết vụ án yêu cầu công khai xin lỗi và bồi thường oan sai giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Thuận (sinh năm 1937, ngụ quận 3) và bị đơn là Viện KSND quận 8 (TPHCM).

Kiện Viện kiểm sát đòi hơn 4 tỉ đồng oan sai - 1
Bà Thuận yêu cầu bồi thường hơn 4 tỉ đồng.

TAND quận 3, đã tiến hành hòa giải cho các bên nhưng không thành do có những quan điểm khác nhau về giám định thiệt hại thực tế và áp dụng luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 hay 2009 để giải quyết vụ án.

Theo nội dung vụ án, năm 1996, giữa bà Thuận và ông Lưu Chí Kiệt có tranh chấp về đất nền số 51 đường số 8 (phường 4, quận 8), được UBND phường 4 đưa ra hòa giải, nhưng không thành.

Ngày 7/6/1997, Công an quận 8 khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Thuận về tội hủy hoại tài sản công dân, cụ thể là phá nhà số 51 của ông Kiệt (trong khi địa chỉ số 51 này chỉ là đất nền - PV) khi xây dựng căn nhà số 53 của bà Thuận.

Đến ngày 11/7/1997, bà Thuận bị bắt tạm giam và hơn 3 tháng sau Viện KSND quận 8 hủy bỏ biện pháp tạm giam bằng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Đến ngày 20/5/1998, Công an quận 8 có quyết định trưng cầu giám định nhà số 51 và thuê công ty kiểm định xây dựng Sài Gòn thực hiện công việc trên. Sau khi khảo sát hiện trạng, công ty kiểm định từ chối giám định và đề nghị hủy hợp đồng vì... không có nhà trên nền 51, nên không đủ điều kiện thực hiện.

Khi bà Thuận kêu oan lên các cơ quan chức năng cấp trên, Viện KSND TPHCM có công văn đề nghị Viện KSND quận 8 làm rõ: cần xác định cấu trúc căn nhà 51 như thế nào, xây dựng từ lúc nào, giấy chủ quyền nhà của ai, đồng thời phải trưng cầu được giám định thiệt hại tài sản…

Ngày 15/8/1998, làm việc với Công an quận 8, ông Kiệt thừa nhận giả mạo giấy ủy quyền nền nhà 51 của người khác để hợp thức hóa quyền sử dụng nền đất trống số 51. Như vậy, nền đất 51 này chưa hề được tạo dựng căn nhà nào.

Tuy nhiên, 7 năm sau thì Viện KSND quận 8 mới ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với bà Trần Thị Thuận do không đủ chứng cứ chứng minh bà Thuận phạm tội hủy hoại tài sản của công dân.

Nhận được các quyết định đình chỉ, bà Thuận ủy quyền cho con trai là ông Nguyễn Chinh Phục làm việc với Viện KSND quận 8 về các vấn đề bồi thường oan sai. Ngày 6/7/2016, căn cứ vào biên bản thương lượng giữa các bên, Viện KSND quận 8 ra quyết định về việc bồi thường hơn 344 triệu đồng cho bà Thuận, trong đó bồi thường do tổn thất tinh thần khoảng 178 triệu đồng, còn lại là bồi thường thu nhập thực tế bị mất.

Tuy nhiên, ngày 19/4/2018, Viện KSND TPHCM hủy bỏ quyết định trên. Theo Viện KSND TPHCM, theo Thông tư liên tịch 05/2012, bà Thuận chỉ được tính thiệt hại thực tế bị mất trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam là 106 ngày. Nhưng Viện KSND quận 8 đề nghị cấp kinh phí để bồi thường thu nhập thực tế bị mất trong thời bà Thuận không bị tạm giữ, tạm giam (2.919 ngày) là không đúng với thông tư quy định. Vì vậy, Viện KSND TPHCM đề nghị Viện KSND quận 8 thương lượng và làm việc lại với bà Thuận.

Sau đó, tháng 8/2018, Viện KSND quận 8 ban hành quyết định mới, bồi thường cho bà Thuận hơn 183 triệu đồng, trong đó thay đổi số tiền bồi thường thu nhập thực tế bị mất, còn 5,830 triệu đồng. Các quyết định bồi thường trên, Viện KSND quận 8 đều áp dụng theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009.

Không đồng ý số tiền trên nên bà Thuận đã làm đơn khởi kiện Viện KSND quận 8 ra Tòa án quận 3, yêu cầu được bồi thường hơn 4 tỉ đồng, áp dụng luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017. Đồng thời, bà Thuận đề nghị tòa trưng cầu công ty giám định thiệt hại thực tế do tài sản bị xâm phạm để đảm bảo khách quan.

Xuân Duy