1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Xét xử vụ tạp chất cà phê: Bị cáo khai không biết để đấu trộn với hồ tiêu!

(Dân trí) - Sau nhiều lần tạm hoãn, sáng 28/12, TAND tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975) cùng 4 đối tượng về hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Tại tòa, bị cáo Loan khai không biết dùng tạp chất để trộn vào tiêu.

Các đối tượng bị đưa ra xét xử gồm: Phan Thị Dung (SN 1962, ngụ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước); Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975) và Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985) cùng ngụ xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông); Lê Thị Hồng Thơ (SN 1979) và Trần Ngưỡng (SN 1976), cùng ngụ huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông).

Luật sư đề nghị báo chí không chụp hình bị cáo

Bào chữa cho bị cáo Phan Thị Dung (Giám đốc Công ty TNHH Thảo Dung) là luật sư Lê Ngọc Luân. Bước vào phần HĐXX hỏi các bị cáo, luật sư Luân đề nghị các cơ quan báo chí không được chụp hình thân chủ của mình vì ông cho rằng thân chủ của mình không phạm vào tội Vi phạm các quy định về ATTP.

Xét xử vụ tạp chất cà phê: Bị cáo khai không biết để đấu trộn với hồ tiêu! - Ảnh 1.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Dung

Trả lời HĐXX, bị cáo Dung cho rằng, trong hợp đồng mua bán, hồ tiêu được phép có 2% tạp chất nên đã mua tạp chất của bị cáo Thơ để trộn vào hồ tiêu. Tuy nhiên, mãi sau này bị cáo Dung mới biết Thơ mua của Loan Bảo và do Ngưỡng vận chuyển.

Khi Trần Ngưỡng chuyển hỗn hợp trộn tạp chất xuống cho Dung, bị cáo Dung trả tiền vận chuyển cho Ngưỡng còn tiền hàng trả cho Thơ. Trong quá trình nhận tạp chất, Dung có trả lại 3 chuyến vì không đảm bảo yêu cầu.

Bị cáo Dung cho rằng, khi bị bắt tạm giam và lấy lời khai, do cán bộ điều tra “dọa” là tội của bị cáo có thể ngồi tù đến 90 tuổi, khiến bị cáo áp lực, hoảng loạn nên khai báo không chính xác. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Dung nhiều lần tỏ ra mất bình tĩnh, không trả lời được câu hỏi của HĐXX.

Lý giải việc cơ quan công an thu giữ tại cơ sở của bị cáo Dung 9 tấn hồ tiêu, bị cáo Dung phủ định việc mình chỉ đạo người làm trộn tạp chất mà do người làm tự ý trộn. Theo bà Dung, ngày 22/4, do đến ngày giao hàng cho đối tác nên người làm của bà Dung đã trộn 4 tấn tiêu tạp chất (còn dư trước đó) với 5 tấn tiêu sạch. Khi vừa trộn xong thì bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt quả tang.

“Mừng tuổi 100 triệu !?”

Bị cáo Thơ cho biết, mối quan hệ giữa Thơ với Dung là mua bán hồ tiêu xô, bị cáo này chỉ bán cho bị cáo Dung một số chuyến tạp chất. Do thấy Dung thua lỗ trong kinh doanh, lại nợ mình khoảng 7 tỷ đồng nên Thơ đã giúp đỡ chứ không có ý lấy tiền chênh lệch.

Xét xử vụ tạp chất cà phê: Bị cáo khai không biết để đấu trộn với hồ tiêu! - Ảnh 2.

Bị cáo Thơ cho rằng 100 triệu Dung chuyển là tiền mừng tuổi

Trả lời HĐXX, bị cáo Thơ cho biết, Thơ sẽ được hưởng 1000 đồng/1kg hỗn hợp tạp chất cà phê nhuộm pin Con ó khi giao cho Dung. Tuy nhiên, thấy bị cáo Dung khó khăn nên bị cáo Thơ không nhận số tiền này. Cuối năm 2017, Dung có chuyển cho Thơ 100 triệu đồng, nhưng đây là tiền “mừng tuổi tết năm 2018” chứ không phải tiền chênh lệch mua bán tạp chất cà phê.

“Bị cáo chỉ giúp bà Dung, không hiểu và không có ý nghĩ gì !”, bị cáo Thơ trình bày.

“Bị cáo không biết tạp chất để trộn vào tiêu”

Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Loan cho biết, việc tạo ra tạp chất cà phê nhuộm bột pin Con ó chỉ là làm theo đơn đặt hàng chứ không biết để làm gì. Trong quá trình điều tra, bị cáo Loan mới biết được việc bà Dung mua tạp chất về để trộn vào hồ tiêu.

Xét xử vụ tạp chất cà phê: Bị cáo khai không biết để đấu trộn với hồ tiêu! - Ảnh 3.

Bị cáo Loan được dẫn giải tới tòa

Bị cáo Nguyễn Xuân Bảo, chồng Loan trình bày về quy trình sản xuất “phế”- tên mà các bị cáo thường gọi. Lúc đầu, để tạo màu đen cho phế phẩm cà phê, Loan và Bảo lấy bột than để trộn nhưng thời gian lên màu lâu quá, màu không đen nên mới mua pin về làm. Sau đó, Bảo pha nước bột pin, cho vào cối trộn bê tông trộn với vỏ cà phê rồi bỏ lên sấy và đóng bao để vào kho. Bị cáo này không biết việc trộn tạp chất trên để làm gì mà chỉ có Loan biết.

Xét xử vụ tạp chất cà phê: Bị cáo khai không biết để đấu trộn với hồ tiêu! - Ảnh 4.

Bị cáo Sơn không biết tạp chất để làm gì

“Bị cáo nghĩ là ủ phân”, bị cáo Bảo cho biết. Tuy nhiên, HĐXX hỏi ngược lại, “làm phân thì có phải tạo màu, sấy khô và đóng bao, cầu kỳ và tốn kém như vậy không ?”, bị cáo Bảo không trả lời được câu hỏi này.

Trong khi đó, người làm chứng- Ngô Ngọc Sơn được vợ chồng Bảo Loan thuê về làm cho biết, mình được nhận về làm công trước khi Loan Bảo bị bắt khoảng 1 tháng. Công việc là lấy lõi pin, pha trộn vỏ cà phê, đá, nước bột pin; sấy khô và đóng bao. Trong thời gian làm, Sơn có được bà chủ nhờ đi mua pin một vài lần. Sơn không biết gia đình bà Loan trộn tạp chất trên để làm gì và bán cho ai.

Tại phiên tòa, tất cả các bị cáo cũng cho biết, không biết trong tạp chất cà phê với pin con ó có những thành phần gì. Chỉ đến khi nhận được kết luận của cơ quan chức năng, các bị cáo này mới biết.

Trước đó Dân trí đã đưa tin, ngày 15/4- 17/4, Đoàn liên ngành tỉnh Đắk Nông ập vào bắt quả tang cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan có hành vi dùng dung dịch nước pha bột pin con ó để ngâm tẩm tạp chất cà phê (chủ yếu là vỏ cà phê) và bột đá.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ hơn 21 tấn tạp chất, nhiều thùng nhựa đựng dung dịch, 40 lít dung dịch màu đen, 35 kg pin đập dẹp, 129 kg lõi, nắp và vỏ pin.

Tại kết luận giám định ngày 26/4/2018 của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, trong mẫu tiêu hạt gửi giám định có thành phần chính là tiêu hạt, hàm lượng 81,66%; ngoài ra có tìm thấy các tạp chất gồm: vụn vỏ cà phê, vụn đá, bột pin (có thành phần: mangan đioxít, kẽm clorua, amoni clorua) với hàm lượng tổng tạp chất là 18,34%.

Dương Phong