Thanh Hóa:
Không biết chữ cũng chơi tiền ảo, hàng chục người Mông trắng tay
(Dân trí) - Tin vào lời hứa được trả lợi nhuận hàng tháng, cuối năm thu về trăm triệu, hàng chục người Mông ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) không chỉ đầu tư tiền mà còn lôi kéo người thân cùng mắc "bẫy".
Không biết chữ vẫn chơi tiền ảo
Những cặp vợ chồng dân tộc Mông vốn quanh năm lên nương rẫy, nhiều người không biết chữ, không am hiểu nhiều về công nghệ hay tài chính... Tuy nhiên, từ khoảng năm 2019, thông qua mạng xã hội YouTube và Facebook, họ đã bỏ ra hàng triệu đồng đầu tư tiền ảo để tìm cơ hội sinh lời. Nạn nhân chủ yếu ở các bản Pha Đén, bản Pá Búa, xã Trung Lý và xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa).
Họ được đối tượng đưa ra lời hứa sẽ trả lương hàng tháng dựa trên lợi nhuận có được của công ty và khi giới thiệu người mới tham gia; ngoài ra, cuối năm nay sẽ được nhận về tổng số tiền từ 100-200 triệu đồng.
Với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã tạo được niềm tin của người dân để họ lôi kéo anh em, người thân cùng tham gia. Đến nay, đã có 47 người dân tộc Mông ở Mường Lát tham gia đóng từ 5-6 triệu đồng.
Sau khi tham gia một thời gian, số đối tượng tuyên truyền đến từ tỉnh Điện Biên tuyên bố Công ty Vitae phá sản. Lúc này, các nạn nhân mới tá hỏa phát hiện bị lừa thì đã trắng tay.
Đáng nói, chẳng những mất tiền, những nạn nhân còn rơi vào tình trạng mâu thuẫn lẫn nhau do người này lôi kéo người kia.
Không chỉ với phương thức đầu tư tiền ảo qua Công ty Vitae, tại huyện Mường Lát còn tồn tại một hình thức đầu tư nữa trên mạng internet thông qua một người tên Koukham (ở Viêng Chăn, Lào). Hiện có 35 người dân tộc Mông đang tham gia, chủ yếu là phụ nữ.
Mỗi người tham gia sẽ phải đóng khoản tiền dao động từ 1-2 triệu đồng thông qua người tham gia trước giới thiệu. Khi người tham gia lôi kéo được người khác sẽ được hưởng % hoa hồng từ số tiền người sau đóng cho công ty theo hình thức đa cấp dạng bậc thang, số tiền hoa hồng này sẽ được đẩy về ví điện tử của người tham gia.
Đối tượng Kouher Koukham lập ra hệ thống tài liệu tuyên truyền bằng tiếng Mông thông qua mạng xã hội Facebook để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia.
Đối tượng cũng tạo sức ép cho người tham gia bằng cách yêu cầu phải giới thiệu, đưa người khác cùng theo, nếu không sẽ mất số tiền đóng ban đầu. Cách thức này hiện nay, các trường hợp vẫn tham gia và hưởng lợi theo cách trên.
Công an vào cuộc
Theo lực lượng chức năng, bước đầu xác định hoạt động đầu tư của một bộ phận người Mông trên địa bàn huyện Mường Lát đã và đang diễn ra theo 2 hình thức: Đầu tư đồng tiền ảo trên mạng internet và đầu tư thông qua Công ty Vitae.
Hoạt động lừa đảo này có dấu hiệu của kinh doanh đa cấp; số đối tượng hoạt động lợi dụng vào tâm lý tin người của đồng bào dân tộc Mông, triệt để lợi dụng mạng xã hội, quan hệ thân tộc, đồng tộc để lôi kéo người dân tham gia. Hiện Công an huyện Mường Lát đang phối hợp với Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Thanh Hóa tích cực điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.
Bà Lò Thị Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung, huyện Mường Lát cho biết, bắt đầu từ bản Suối Phái, Suối Lóng, xã Tam Chung rồi đến xã Pù Nhi, họ truyền tai nhau về mức độ sinh lời của đồng tiền ảo cao chót vót.
"Có người nào đó đứng ra tuyên truyền, lôi kéo là nộp vào 1-2 triệu thì những tháng đầu tiên được tiền lãi. Sau đó xã chỉ đạo lực lượng chức năng tuyên truyền và đến thời điểm này đã dừng lại", bà Thiết nói.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: "Huyện đã phát hiện và chỉ đạo rà soát, đồng thời tổ chức tuyên truyền, làm rõ bản chất, đến giờ bà con đã rút ra được bài học. Chúng tôi phân công công an huyện vào cuộc, công an tỉnh phối hợp, xây dựng bài tuyên truyền. Đến thời điểm này bà con đã nhận ra được mưu đồ của đối tượng".