Khó xử lý các tổ chức tín dụng đen cho vay nặng lãi

(Dân trí) - Thời gian gần đây, hoạt động tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp trên cả nước. Các tổ chức cho vay nặng lãi đã giăng bẫy người vay bằng cách phát tán tờ rơi, quảng cáo và gọi điện thoại chào mời cho vay không tín chấp, nhận tiền ngay…tuy nhiên theo các chuyên gia rất khó để xử loại tội phạm này.

Cho vay với lãi suất 60%

Nhiều người đang cần tiền đã bị sập bẫy, phải thế chấp bản chính hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy tờ xe để được vay tiền với lãi suất 30%-60%, khi nhận tiền liền bị trừ lại phần lãi 1 tháng, còn lại chia đều trả góp mỗi ngày.

xu-vay-nang-lai_pqhl

Cho vay lên đến 60%/tháng nhưng Trung và Thuần không bị phạt tù.

Khi người vay không có tiền để trả góp hàng ngày, liền bị đòi nợ kiểu xã hội đen: khủng bố tinh thần, chửi bới, đe dọa, đánh đập, đập phá tài sản, cưỡng đoạt tài sản…

Ngày 19/9, TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Chí Trung (sinh năm 1982 ngụ quận Ninh Kiều) 2 năm cải tạo không giam giữ, Ngô Doãn Thuần (sinh năm 1993 ngụ Nam Định) 1 năm cải tạo không giam giữ, cùng về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Theo cáo trạng, đầu năm 2018, anh Lưu Thanh H. (ngụ quận Ninh Kiều) viết biên nhận vay tiền từ Nguyễn Anh Tài số tiền 14 triệu đồng, mỗi ngày đóng lãi là 280.000 đồng (tương đương 60%/tháng). Tiền gốc cho vay giữ nguyên khi nào anh H. có khả năng trả tiền vay gốc một lần thì hợp đồng chấp dứt, sau đó, do anh H. không có khả năng đóng lãi nên tránh mặt, nhưng bị Thuần bắt gặp rồi đánh anh H. nên nạn nhân đến công an tố giác.

Thuần khai nhận mình là người được Trung thuê trực tiếp đi thu tiền con nợ mà Trung cho vay. Hình thức cho vay là người có nhu cầu sẽ trực tiếp gặp Trung hoặc gọi điện thoại để thỏa thuận số tiền vay, cung cấp giấy CMND, sổ hộ khẩu. Trung là người quyết định cho vay với lãi suất từng trường hợp cụ thể.

Biên nhận chỉ thể hiện họ tên người vay, địa chỉ, số tiền, thời điểm nhưng không thể hiện lãi suất vay. Cơ quan điều tra tiến hành rà soát thông tin trên 51 biên nhận thể hiện có 44 người vay với tổng số tiền là 361 triệu đồng. Trong đó, Trung trực tiếp cho 43 người vay số tiền 360 triệu đồng. Công an đã mời những người vay đến làm việc và xác định có 10 người vay tiền của Trung với lãi suất cao từ 30%-60%.

Khó xử lý hình sự

Liên quan tới việc xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi, luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn luật sư TPHCM): “Điều 201 BLHS 2015 đã có quy định rất rõ ràng về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo đó, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

tin-dung-den-1-15368812881861358865298

Các tổ chức tín dụng đen bủa vây tuy nhiên khó xử lý hình sự.

Đối chiếu với lãi suất cao nhất quy định trong bộ luật dân sự là 20%/năm. Như vậy lãi suất quy theo năm chỉ cần từ 100%/năm trở lên, kèm theo thu lợi bất chính từ 30 triệu trở lên là phạm tội. Quy định đã có, tuy nhiên trên thực tế, hành vi cho vay nặng lãi rất khó bị xử lý. Thông thường chủ nợ thường thoát án mà chỉ xử lý được đối tượng được thuê đòi nợ về các tội danh như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở người khác… do đòi nợ, xiết nợ theo kiểu “xã hội đen”.

Theo luật sư Tuyền, một trong những nguyên nhân khiến việc khó xử lý hình sự hành vi cho vay nặng lãi là tâm lý e sợ, không dám tố cáo của người dân. Để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, trước hết phải có người tố cáo, người bị hại.

Cần thêm chế tài hành chính

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TPHCM): “BLHS 2015 đã có chế tài đầy đủ, rõ ràng đối với tội cho vay nặng lãi. Tuy nhiên tín dụng đen vẫn tồn tại và rất khó xử lý vì trên thực tế người dân vẫn có nhu cầu vay, nhận thức của người đi vay nóng không cao, khi túng quẫn chủ nợ đưa giấy tờ gì thì ký giấy đó, kể cả giấy bán nhà để nhận được tiền”.

Theo luật sư Hưng, để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, trước hết nên sửa luật theo hướng cho phép xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay nếu vượt quá mức lãi suất nhất định. Ví dụ, mức lãi suất vi phạm BLHS là cao hơn 5 lần thì mức lãi suất có thể phạt hành chính có thể là 3 lần. Nếu đã xử lý hành chính mà người cho vay vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, để hạn chế nạn tín dụng đen “hoành hành” thì cơ quan chức năng cần đưa tín dụng đen vào khuôn khổ để dễ quản lý. “Hoạt động tín dụng là hoạt động có điều kiện, không phải ai làm cũng được. Không thể thả nổi tín dụng đen như hiện nay mà phải đưa hoạt động này vào khuôn khổ để quản lý, phải có quy định về điều kiện hành nghề, khi hành nghề phải đăng ký với cơ quan chức năng. Nếu hoạt động không đăng ký thì sẽ bị xử lý hành chính” – luật sư Hưng nói.

Xuân Duy