Kẻ giết người tìm lối về trong trang sách hướng thiện

(Dân trí) - “Ước gì tôi được đọc cuốn sách này sớm hơn thì tôi đã hiểu được giá trị của tình người và có lẽ tôi đã không vướng vào lao lí, để lại niềm đau cho bản thân và gia đình”, phạm nhân Nguyễn Hữu Thương tiếc nuối.

Phạm nhân Nguyễn Hữu Thương (SN 1988, quê ở TP Nam Định, tỉnh Nam Định), hiện đang chấp hành án phạt 11 năm tù về tội danh “Giết người” tại Trại giam số 6 – Bộ Công an (đóng tại huyện Thanh Chương, Nghệ An). Những chia sẻ của nam phạm nhân này trong bài viết “Ánh sáng trong tôi” tham dự cuộc thi “Cảm nhận về sách” do Trại giam số 6 phối hợp với Thư viện tỉnh Nghệ An tổ chức đã để lại nhiều ấn tượng cho người đọc.

Phạm nhân Nguyễn Hữu Thương trình bày nội dung bài cảm nhận về sách của mình tại buổi tổng kết cuộc thi Cảm nhận về sách do Trại giam số 6 phối hợp với Thư viện tỉnh Nghệ An tổ chức.
Phạm nhân Nguyễn Hữu Thương trình bày nội dung bài cảm nhận về sách của mình tại buổi tổng kết cuộc thi "Cảm nhận về sách" do Trại giam số 6 phối hợp với Thư viện tỉnh Nghệ An tổ chức.

“Tôi sinh ra tại thành Nam phố Dệt, với người mẹ làm công nhân và một lời dặn lại của cha tôi trước khi ra chiến trường: “Con sinh ra dù là trai hay gái thì đều đặt tên con là Thương, để sau này con thương cha, thương mẹ” với hi vọng cuộc sống sau này của tôi được bình yên và ấm áp. Nhưng chính đôi tay tôi đã lấy đi niềm hi vọng của cha mẹ một cách không thương tiếc.

Vào 7 năm trước, bầu trời hôm ấy khoác cánh áo ảm đạm dưới làn mưa bụi, phố nhà tôi như lạnh hơn. Phố run rẩy trong cái rét tháng ba, còn tôi, run rẩy trong chiếc áo khoác đầy máu. Đôi bàn tay tôi đã cướp đi sinh mạng của một con người…”, Thương kể về cuộc đời của mình.

Vào trại giam thi hành bản án 11 năm tù về tội giết người, thời gian đầu thực sự khó khăn đối với Thương. Mình có trở về được nữa không? Trở về rồi vẫn lầm lạc lẽ sống hay trở về với những vết sẹo tâm hồn để rồi cay đắng với cuộc đời? Những câu hỏi cứ bủa vây lấy Thương.

Các quản giáo, Ban giám thị trại giam bằng cái tâm của người cán bộ, bằng cái tình của người anh, người cha đã giúp Thương vượt qua nỗi sợ hãi. Cũng chính từ sự quan tâm của Ban giám thị trại, Thương đã biết đến sách. Một thế giới mới đầy màu sắc và hi vọng đã mở ra trong tâm hồn người thanh niên tưởng chừng cuộc đời mình khép lại khi bước chân qua cánh cổng trại giam.

Bài cảm nhận về sách với những dòng chữ nắn nót của nam phạm nhân Nguyễn Hữu Thương.
Bài cảm nhận về sách với những dòng chữ nắn nót của nam phạm nhân Nguyễn Hữu Thương.

Thương đọc ngấu nghiến, như thể chỉ còn có sách mới giúp anh ta quên được quá khứ lầm lạc, tạm quên nỗi đau đớn mình đã gây ra đối với gia đình nạn nhân, với cha mẹ mình. Những cuốn sách mà trước đây Thương chưa bao giờ nghĩ mình sẽ cầm nó trên tay. Bất kỳ lúc nào có thể, Thương lại tìm đến sách, say mê “nuốt” từng dòng, từng chữ.

Đến với sách, Thương “ngộ” ra rằng: “Phần lớn là do chúng ta không chịu tìm tòi, đọc, nghiên cứu về sách nói chung và về sách pháp luật nói riêng dẫn đến chúng ta phạm tội. Có những hành vi mà ranh giới giữa “cái đúng” và “cái sai” là rất mong manh”.

Thương đọc tất cả các cuốn sách ở thư viện, từ “Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, "Lịch sử Việt Nam", "Không gục ngã", "Thuật hùng biện", "Kỹ năng trồng trọt và chăn nuôi"…, đặc biệt là cuốn sách “Những tấm lòng cao cả”. Mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện đã cho Thương những bài học thấm thía về làm người, về trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội.

“Ngay từ những trang sách đầu tiên nó đã thực sự thu hút tôi… Tôi đã không cầm được nước mắt trước những câu chuyện chân thực và đầy cảm động xoay quanh các mối quan hệ trong cuộc sống đời thường. Đó là tình cảm ruột thịt giữa các thế hệ, là sự trở lại cuộc sống của những người bất hạnh, những người sống thu mình và xa lánh mọi người, là kinh nghiệm của những người đi trước…

Các bài cảm nhận về sách của các phạm nhân được thể hiện qua hình thức hùng biện và sân khấu hóa để các thông điệp được truyền tải sống động hơn.
Các bài cảm nhận về sách của các phạm nhân được thể hiện qua hình thức hùng biện và sân khấu hóa để các thông điệp được truyền tải sống động hơn.

Nhưng bao trùm lên những câu chuyện đó là tấm lòng nhân ái và tình yêu thương bao la của con người đối với con người… Ước gì tôi được đọc cuốn sách này sớm hơn thì tôi đã hiểu được giá trị của tình người và có lẽ tôi đã không vướng vào vòng lao lí, để lại niềm đau cho bản thân và gia đình”, phạm nhân Nguyễn Hữu Thương viết về cuốn sách “Những tấm lòng cao cả” mà anh ta đã đọc trong thời gian thi hành án.

Đọc sách, ngấm từng câu, từng chữ, Thương như quên hết những quá khứ đau buồn, mất mát. “Nó chỉ còn đọng lại niềm hi vọng và những điều tốt đẹp nhất đang chờ đón tôi ở tương lai phía trước”. Thương lao vào lao động cải tạo, tự dặn lòng phải luôn cố gắng, không ngừng học hỏi trau dồi kiến thức để sớm được ra trại, chuẩn bị hành trang kiến thức để bắt đầu một cuộc sống mới đã sắp đến gần.

Hoàng Lam