Nghệ An:
Kẻ chết, người vướng vòng lao lý vì “chuyện đàn bà”
(Dân trí) – Hai người đàn bà đùa giỡn rồi chấp nhau, kéo đàn ông hai nhà vào cuộc. Hậu quả, một người góa chồng, người còn lại đẩy chồng con vào vòng tù tội.
Thế nhưng, trong phiên tòa sáng ngày 26/12, do vắng đại diện phía bị hại nên phiên tòa tiếp tục bị hoãn. Ngồi trên hàng ghế dành cho bị cáo, hai cha con Long co ro trong chiếc áo bị cáo, đợi vụ án khác xét xử xong để về trại tạm giam. Không thấy người thân nào của cha con Long có mặt tại phiên tòa.
Nguyễn Đình Long và bị hại Trần Văn Hợi vốn là láng giềng thân thiết, tuy nhiên Hợi không may mắn trong hôn nhân như người hàng xóm của mình. Sau khi li hôn vợ, năm 2011, Hợi gá nghĩa với chị Cao Thị Thùy Nhung – người đàn bà cũng đã qua một lần đò. Cuộc hôn nhân “rổ rá cạp lại” và cảnh “con anh, con tôi” diễn ra khá êm ấm.
Sáng ngày 8/4/2012, chị Nhung đi chợ và gặp người hàng xóm Lê Thị Long (SN 1970). Hai người đùa qua đùa lại nhưng được một lúc thì quay sang chấp nhau lời nói và xảy ra chửi bới, xúc phạm nhau. Ấm ức, tủi thân, chi Nhung về nhà mách chồng. Nghĩ rằng vợ bị bắt nạt nên Hợi hùng hổ dắt con dao sang nhà hàng xóm “hỏi cho ra nhẽ”. Không gặp chị Long mà chỉ thấy Nguyễn Đình Long (chồng của chị Long) và ông Nguyễn Đình Thụ (bố đẻ của Long) ở nhà.
Chuyện đàn bà, con gái, lại chưa hiểu đầu đuôi thế nào nên Nguyễn Đình Long không có phản ứng gì. Thấy thế, Hợi rút con dao trong người ra tuyên bố “tau giết hết, từ giàđến trẻ” rồi thằng tay đâm chết con chó nhà hàng xóm, đâm thủng chiếc yên xe máy của anh Long. Nhận được tin báo của Nguyễn Đình Long, Công an xã Nghi Hợp đã có mặt tại hiện trường, lập biên bản sự việc.
Đến 11h, Hợi lạị xách kiếm sang tìm chị Long. Vẫn không gặp được người cần gặp, Hợi vung kiếm lên dọa cha con ông Thụ khiến thanh kiếm chém trúng tay Nguyễn Đình Long. Sau khi khiến người hàng xóm bị thương, Hợi bỏ về nhà.
Đến 14h chiều cùng ngày, Công an xã gọi điện cho Hợi, yêu cầu mang tiền tới nhà Nguyễn Đình Long đền con chó bị giết chết. Sau khi đền bù xong, con chó được đưa tới nhà anh Phương (cùng xóm) để giết thịt. Anh Phương khuyên Hợi nên sang nhà Long để xin lỗi, đồng thời làm rõ nội dung mâu thuẫn giữa hai người phụ nữ. Hợi cho rằng thế cũng phải nên đến tối, hai vợ chồng sang nhà anh Long.
Tuy nhiên, tại đây, cuộc khẩu chiến giữa hai người phụ nữ tiếp tục nổ ra. Đang ngồi dưới bếp, thấy tình hình có vẻ căng nên Nguyễn Đình Long chạy lên can thiệp. Trần Văn Hợi cũng lên tiếng bênh vực vợ mình. Hai bên xảy ra cuộc cãi vả kịch liêt, Hợi rút con dao thủ sẵn trong người đe dọa người hàng xóm.
Nhanh như cắt, Nguyễn Đình Long giật được con dao từ tay Hợi rồi đâm liên tiếp vào người Hợi. Nguyễn Đình Cường cũng cầm thanh kiếm tự chế chạy vào “hỗ trợ” cha. Cuộc chiến không cân sức khiến anh Hợi bị thương nặng và tử vong ngay sau đó vì mất máu cấp. Biết không thể thoát tội, Nguyễn Đình Long và Nguyễn Đình Cường đã tới cơ quan điều tra Công an huyện Nghi Lộc đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Rồi đây Nguyễn Đình Long, Nguyễn Đình Cường sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật nhưng trong vụ án này, bị hại Trần Văn Hợi không phải là không đáng trách. Nếu như Hợi biết kiềm chế, nếu như biết dùng cái uy của người chồng, người đàn ông trong nhà để khuyên vợ bỏ qua mâu thuẫn vụn vặt để giữ hòa khí xóm giềng thì sự việc đau lòng đã không xảy ra.
Thế nhưng, trong vụ án này, những người phụ nữ đáng trách và đáng thương hơn cả. Chỉ vì “chuyện đàn bà” nhỏ nhặt, không những không biết kiềm chế, họ đã lôi cả chồng, con mình vào cuộc. Kết quả, người mất chồng, người phải mang cái tiếng xấu: làm vợ, làm mẹ của kẻ giết người!.
Hoàng Lam