1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát
  3. Xét xử đại án Việt Á

Hy vọng thoát án tử của cựu TGĐ Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn

(Dân trí) - Tại bản án phúc thẩm, Toà cấp cao kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét giảm hình phạt cho cựu TGĐ Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn từ tử hình xuống chung thân sau khi bị cáo Sơn khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả. Áp dụng các quy định của pháp luật, luật sư có những nhận định về cơ hội thoát án tử của ông Sơn.

Điểm mới của BLHS 2015

Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho hay, theo khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018, có ba trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, trong đó có trường hợp: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.”.

HĐXX tòa phúc thẩm tuyên án.​
HĐXX tòa phúc thẩm tuyên án.​

Luật sư Tạ Anh Tuấn phân tích, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng chưa thi hành án mà đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không bị thi hành án và Chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.

Đây là điểm mới của BLHS 2015 so với quy định BLHS 1999. Nó có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt. Bởi, mục tiêu cuối cùng trong việc xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng là thu hồi tối đa tài sản tham ô, hối lộ. Nếu xử lý tử hình tội phạm tham nhũng thì Nhà nước không thu hồi lại được tiền, tài sản bị chiếm đoạt và mục đích cuối cùng không đạt được.

Vì vậy, quy định tại Điều 40 BLHS 2015 khuyến khích người phạm tội ăn năn hối cải, tự nguyện bồi hoàn tài sản chiếm đoạt trái pháp luật, có các biện pháp khắc phục hậu quả, giúp Nhà nước thu hồi tài sản một cách thuận lợi nhất.

Mặt khác, việc nộp lại 3/4 tài sản tham ô, hối lộ sẽ được miễn án tử hình nhưng không có nghĩa là 1/4 tài sản còn lại không bị thu hồi. Việc người bị kết án tử hình nộp lại 3/4 tài sản chỉ là một trong những điều kiện cần để được xem xét không thi hành án tử hình. 1/4 tài sản còn lại bị cáo vẫn phải nộp lại theo quy định và người phạm tội vẫn phải chịu hình phạt tù không có thời hạn (tù chung thân).

Tuy nhiên, để áp dụng điều luật này vào thực tiễn các vụ án tham nhũng, luật sư Tạ Anh Tuấn phân tích: Trường hợp người bị kết án tử hình đã tự nguyện khắc phục hậu quả 3/4 tài sản tham ô, hối lộ chỉ là điều kiện “cần” để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét không áp dụng hình phạt tử hình. Ngoài việc khắc phục 3/4 tài sản tham ô, hối lộ, điều kiện “đủ” là người bị kết án tử hình phải hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.


Bà Võ Thị Thanh Xuân, vợ cựu TGĐ Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn, trình bày tại tòa phúc thẩm.

Bà Võ Thị Thanh Xuân, vợ cựu TGĐ Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn, trình bày tại tòa phúc thẩm.

Làm rõ điều kiện “cần” và “đủ” trong trường hợp này, luật sư Tuấn viện dẫn khoản 2, 3, 4 Điều 2 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại khoản 3, Điều 7 BLHS 2015, trong đó có khoản 3, Điều 40.

Cụ thể, “2. “Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ hoặc người bị kết án đã tích cực tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em và những người khác khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc nộp lại ít nhất ba phần tư giá trị tài sản mà người bị kết án đã tham ô, nhận hối lộ.”.

“3. “Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án (như: chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án...). Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm” nhưng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.”.

Bà Xuân mong muốn dùng tài sản của bản thân để cứu chồng.
Bà Xuân mong muốn dùng tài sản của bản thân để cứu chồng.

“4. “Lập công lớn” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, Điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “lập công lớn” nhưng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.”.

Cơ hội thoát án tử của cựu TGĐ Oceanbank

Đối với trường hợp cựu TGĐ Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn, trong lời nói sau cùng trước toà, bị cáo Sơn cho biết, sau phiên sơ thẩm, ngày 2/3, bị cáo đã có tờ trình gửi Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội khai rõ đã chi khoản tiền 269 tỷ đồng cho những ai, chi bao nhiêu.

Ông Sơn nhiều lần lấy khăn lau nước mắt khi nghe những lời trình bày của vợ.
Ông Sơn nhiều lần lấy khăn lau nước mắt khi nghe những lời trình bày của vợ.

Theo luật sư Tuấn, lời nói sau cùng của Nguyễn Xuân Sơn được coi là tình tiết mới cần thẩm tra ngay tại phiên tòa để làm rõ có việc Nguyễn Xuân Sơn gửi bản giải trình cho cơ quan tiến hành tố tụng. Đặt giả thiết nếu làm rõ ngay tại phiên tòa và các tài liệu này có trong hồ sơ vụ án thì tình tiết này sẽ được coi là đã “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” và được HĐXX nghi nhận trong bản án phúc thẩm, Nguyễn Xuân Sơn có thể thoát án tử hình.

Tuy nhiên, tình tiết này chỉ là một trong những điều kiện “cần” và “đủ” theo khoản 3 Điều 40 BLHS 2015. Ngoài điều kiện này, bị cáo có tác động người thân hoặc người khác tự nguyện khắc phục hậu quả và đã nộp 3/4 tài sản tham ô, thì bị cáo Sơn sẽ đủ điều kiện không áp dụng hình phạt tử hình, chuyển từ hình phạt tử hình sang chung thân.

Luật sư Tuấn cũng cho biết thêm, khoản 3, Điều 40 BLHS 2015 chỉ áp dụng cho người bị kết án tử hình từ giai đoạn xét xử phúc thẩm (nếu có kháng cáo) cho đến giai đoạn thi hành án hình sự mà người bị kết án tử hình thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện điều tra xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà người bị kết án, đồng thời chủ động hoặc tác động người thân/người khác khắc phục hậu quả 3/4 tài sản tham ô, hối lộ sẽ có đủ điều kiện chuyển từ hình phạt tử hình sang chung thân theo quy định của pháp luật.

Bản án phúc thẩm nhận định, bị cáo Sơn đã rất thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng, nhất là trong giai đoạn phúc thẩm. Vợ bị cáo đã nộp 5 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho bị cáo. Hiện bị cáo còn nhiều tài sản nhưng đang bị kê biên. Một doanh nhân là bạn của bị cáo Sơn đã đồng ý cho gia đình bị cáo vay 32 tỷ đồng để chuộc số tài sản bị kê biên. Số tiền 37 tỷ đồng vừa đủ để nộp khắc phục hậu quả, đúng bằng 3/4 số tiền 49 tỷ đồng bị cáo Sơn bị quy kết tham ô.

Từ đó, Tòa phúc thẩm kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Sơn từ tử hình xuống chung thân sau khi bị cáo Sơn khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả.

Tiến Nguyên