1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Hưng “kính” cùng đồng phạm chuẩn bị hầu tòa

(Dân trí) - Nguyễn Kim Hưng, tức Hưng “kính” cùng 4 đồng phạm chuẩn bị hầu tòa về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Theo dự kiến, ngày 11/7 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo trong vụ án thu tiền “bảo kê” xảy ra tại chợ Long Biên, Ba Đình, Hà Nội.

Hưng “kính” cùng đồng phạm chuẩn bị hầu tòa - 1

Hưng "kính".

Bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, SN 1963, trú tại phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội), cựu Tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên, sẽ bị đưa ra xét xử về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 1, Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bốn đồng phạm của Hưng “kính” nguyên là nhân viên tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên, gồm: Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”, SN 1970), Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”, SN 1963), Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao”, SN 1962) và Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn”, SN 1968).

Giữ quyền chủ tọa tại phiên xét xử sơ thẩm tới đây là Thẩm phán Mai Văn Quang. HĐXX còn có 2 vị Hội thẩm nhân dân. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố là ông Lê Tuấn Anh, Kiểm sát viên Viện KSND TP Hà Nội.

Tham gia tố tụng tại phiên tòa có tổng cộng 9 luật sư, trong đó, 5 luật sư bào chữa cho các bị cáo và 4 luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại.

Dùng trò bẩn để chèn ép tiểu thương

Theo cáo trạng truy tố, năm 2008, vợ chồng anh Hoàng Anh Hà, chị Nghiêm Thúy Nga kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên. Quá trình kinh doanh, gia đình chị Nga thường xuyên bị các đối tượng Nguyễn Kim Hưng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long, Dương Quốc Vương đe dọa, chèn ép để bắt phải nộp nhiều loại tiền khác nhau.

Ngày 10/8/2018, vợ chồng chị Nga đã gửi đơn đến Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an TP Hà Nội) tố cáo hành vi cưỡng đoạt tài sản của các đối tượng trên.

Cơ quan tố tụng xác định, theo quy định của Ban quản lý (BQL) chợ Long Biên, Nguyễn Kim Hưng không có quyền phân công người thu tiền bốc dỡ. Hưng phải thực hiện việc ghi tên chủ cửa hàng, biển kiểm soát xe ô tô, số lượng hàng và số tiền thu vào mẫu (bảng kê) do BQL chợ Long Biên phát hành; phải thực hiện đúng hợp đồng bốc dỡ giữa các hộ kinh doanh với BQL chợ Long Biên; không có quyền đuổi xe, sắp xếp các xe trong chợ, không có quyền chi tiêu số tiền bốc dỡ hàng hóa mà phải nộp ngay số tiền đã thu trong ngày.

Để tăng thêm thu nhập cá nhân, dưới danh nghĩa là những nhân viên của Tổ bốc dỡ số 2, Hưng “kính” đã chỉ đạo Vương, Hải, Long sử dụng các thủ đoạn chèn ép, gây khó khăn, đe dọa… hộ kinh doanh của gia đình anh Hà, chị Nga. Các đối tượng dùng các cách thức như đuổi không cho xe ô tô của hộ kinh doanh anh Hà - chị Nga đỗ, cho nhân viên lái xe đỗ chắn trước ki-ốt, kéo cá thối để cạnh ki-ốt của chị Nga, đuổi không cho nhân viên của chị Nga bốc dỡ hàng hóa nhưng anh chị vẫn phải trả tiền bốc dỡ cho nhóm của Hưng “kính”...

Lập bản kê riêng để thu tiền “bảo kê”

Hưng “kính” giao cho Vương thực hiện việc thu tiền dịch vụ bốc dỡ hàng hóa; đồng thời chỉ đạo Nguyễn Hữu Tiến không giao Hải, Long và Vương các bảng kê do BQL chợ Long Biên phát hành (có đóng dấu treo của BQL) mà soạn bảng kê khác theo ý của Hưng. Hưng bảo Tiến đi thuê in, rồi đưa cho Hải, Long và Vương lập bảng kê theo dõi số BKS xe ô tô chở hàng vào khu vực đường 1 và bãi thủy sản chợ Long Biên để thu tiền.

Khoảng 8h hàng ngày, Hưng cùng Tiến, Hải, Long và Vương trao đổi, hội ý với nhau tại khu vực trạm bơm phòng cháy chữa cháy để thống nhất số tiền thu bất hợp pháp. Hải, Long và Vương nộp số tiền vừa thu được cùng bảng kê cho Tiến.

Tiến sao chép nội dung các bảng kê này vào bảng kê (có đóng dấu treo) của BQL chợ Long Biên phát hành rồi mang tiền cùng bảng kê do Tiến ghi chép nộp cho BQL chợ Long Biên. Bộ phận kế toán của BQL chợ Long Biên lập phiếu thu, viết hóa đơn số tiền theo bảng kê do Tiến nộp rồi trả lại hóa đơn để tổ bốc dỡ hàng hóa đưa lại cho hộ kinh doanh nộp tiền.

Để quản lý việc thu tiền của các nhân viên, Hưng lắp đặt 2 camera theo dõi, cho các nhân viên trong tổ bốc dỡ theo dõi và kiểm soát lẫn nhau. Hưng trực tiếp kiểm soát việc Hải, Long, Vương nộp tiền và bảng kê cho Tiến vào buổi sáng.

Tại các buổi hội ý, Hưng yêu cầu Hải, Long và Vương không bốc dỡ nhưng vẫn thu tiền, không để nhân viên bốc dỡ của các hộ kinh doanh tự bốc dỡ với lý do thực hiện hợp đồng bốc dỡ với BQL chợ Long Biên và chỉ cho nhân viên Tổ bốc dỡ số 2 mới có quyền bốc dỡ.

Từ tháng 12/2017, theo sự chỉ đạo của Hưng, Long và Hải đuổi không cho xe ô tô của chị Nga đỗ tại bãi thủy sản vì chị Nga chưa đăng ký với Hưng. Hưng yêu cầu Vương thông báo với chị Nga thực hiện việc nộp tiền với giá bốc xếp sẽ tăng 200 nghìn đồng/xe 1,4 tấn và 350 nghìn đồng/xe 3,5 tấn.

Hưng chỉ đạo Tiến khi BQL chợ đã trả đủ lương cho nhân viên thì xé các trang trong sổ ghi tiền thu hàng ngày và các bảng kê nhỏ do Hải, Long, Vương nộp.

Theo tài liệu do chị Nga và anh Hà cung cấp, từ ngày 14/3/2018 đến ngày 1/9/2018, dưới sự chỉ đạo của Hưng “kính”, Hải cùng Long, Vương đã thu của chị Nga, anh Hà tổng số tiền hơn 28 triệu đồng. Trong số đó, Hải thu được hơn 15 triệu đồng, Long thu được hơn 12 triệu đồng và Vương thu được 740.000 đồng.

Tiến nhận từ Hải, Long và Vương tổng số tiền hơn 28 triệu đồng nhưng chỉ nộp về Ban Quản lý chợ Long Biên 3,2 triệu đồng, còn lại gần 25 triệu đồng chiếm hưởng chia nhau theo chỉ đạo của Hưng “kính”.

Tại cơ quan điều tra, Tiến, Hải, Long và Vương khai nhận, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 24/9/2018, các bị can được chia tổng số tiền là 46,4 triệu đồng.

Tiến Nguyên