Hơn 10.000 ngày mang thân phận bị can của 3 cựu quân nhân
(Dân trí) - Năm 1991, ba quân nhân bị khởi tố, bắt giam. Một năm sau họ được thả tự do. Tuy vậy, đến năm 2020 vụ án mới được đình chỉ.
Không truy tố vì có công với cách mạng
Theo hồ sơ vụ án, ngày 7/2/1991, ông Nguyễn Đức Hương cùng ông Phan Thành Sang (quân nhân tiểu đoàn 1, Phú Lợi) tới gặp ông Lai Xuân Ly để mượn xe đi mua bán thuốc lá.
Ba người qua Campuchia mua 4 thùng thuốc lá với giá 6,4 triệu đồng, hẹn bán xong sẽ quay lại trả tiền. Khi về biên giới, ông Hương nói ông Ly và Sang ở lại chờ, rồi dùng xe máy chở thuốc lá đi bán sẽ quay lại.
Sau khi bán xong, Hương không quay lại trả tiền mà lái xe về nhà Vũ Văn Kiền (thượng úy phòng tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sông Bé) ở đó.
Sáng hôm sau, Hương chở Kiền ra chợ Thủ Dầu Một mua đồ thì gặp Sang và Thon (người bán thuốc lá ở Campuchia). Trong lúc Hương bị Sang và Thon khống chế, Kiền lấy xe bỏ chạy và nhờ ông Nguyễn Cao Thuyết (trung úy thuộc phòng hậu cần, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Sông Bé) giữ.
Khi bị truy vấn về số tiền bán thuốc lá, Hương nói đưa cho Kiền giữ. Sang, Thon về nhà Kiền. Lợi dụng lúc Sang và Thon đi tắm, Hương bỏ trốn.
Ngày 17/3/1991, Ban điều tra hình sự Bộ chỉ huy quân quân tỉnh Sông Bé nhận được đơn tố cáo của ông Ly và tiến hành xác minh.
Ngày 4/4/1991, Viện Kiểm sát quân sự tỉnh Sông Bé quyết định khởi tố bị can Vũ Văn Kiền về tội buôn bán hàng cấm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân.
Nguyễn Đức Hương bị khởi tố về tội buôn bán hàng cấm, đào ngũ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân. Riêng ông Thuyết bị khởi tố về tội chiếm giữ tài sản trái phép tài sản của công dân.
Ngày 15/12/1991, Ban điều tra hình sự tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước và Bình Dương), báo cáo kết luận điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện Kiểm sát quân sự tỉnh Sông Bé để truy tố ông Thuyết, ông Kiền và ông Hương.
Sau đó, Thường vụ Đảng ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Sông Bé chỉ đạo Viện Kiểm tỉnh Sông Bé không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những quân nhân trên. Bởi lẽ, những người này là quân nhân đã trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Campuchia, có đóng góp cho cách mạng.
Ngày 18/1/1992, cả 3 người được thả tự do nhưng Viện Kiểm sát quân sự tỉnh Sông Bé không ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can. Sau khi được tự do, ông Hương, Sang và ông Thuyết về đơn vị thì bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật cho ra quân và trở về địa phương sinh sống.
Khiếu nại quyết định đình chỉ
Trở về địa phương, ông Thuyết gửi đơn kêu oan tới các cơ quan tố quan tố tụng. Đồng thời, ông Thuyết có đơn tố cáo một số cá nhân sai phạm trong quá trình giải quyết vụ án của ông.
Sau khi Viện Kiểm sát quân sự tỉnh Sông Bé giải thế, hồ sơ được chuyển về Viện Kiểm sát quân sự khu vực 73, quân khu 7. Do quá trình bàn giao hồ sơ không được kiểm tra cụ thể nên không phát hiện được việc Viện Kiểm sát quân sự tỉnh Sông Bé chưa ra quyết định đình chỉ.
Chỉ sau khi phát sinh đơn thư của ông Thuyết và qua xác minh những người đã giải quyết vụ án, Viện Kiểm sát quân sự khu vực 73 xác định vụ án chưa được đình chỉ.
Ngày 12/3/2020, Viện Kiểm sát quân sự khu vực 73 ban hành quyết định đình chỉ đối với ông Thuyết, ông Hương và ông Kiền với lý do hết thời hiệu điều tra.
Với thân phận bị can suốt hơn 10.000 ngày, cuộc sống của ông Thuyết bị đảo lộn, khó khăn trăm bề. Người quân nhân này dành phần lớn thời gian vào Nam ra Bắc để đi tìm công lý.
Ông Thuyết cho biết suốt 30 năm qua không biết mình có hành vi gì, với ai và cơ quan điều tra cũng không chứng minh được chủ sở hữu tài sản hợp pháp bị ông chiếm giữ và bị hại là ai.
Ngày nhận được quyết định đình chỉ ông vui mừng... nhưng lại sớm tắt. Bởi ông đọc nội dung quyết định đình chỉ là hết thời hiệu. Ông Thuyết cho rằng mình không phạm tội và tiếp tục khiếu nại.
"Tôi yêu cầu khẩn cấp việc cải chính công khai xin lỗi và bồi thường hành vi thiệt hại do hành vi của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, xử lý trách nhiệm những cá nhân có liên quan theo quy định", ông Thuyết trình bày.