Nghệ An:
Hoãn xét xử, người nhà bị hại gây náo loạn tại tòa
(Dân trí) - Do vắng 3 nhân chứng nên đại diện hợp pháp cho người bị hại yêu cầu HĐXX hoãn phiên tòa. Thế nhưng, chính người nhà bị hại lại gây náo loạn phiên tòa, yêu cầu tòa phải xét xử.
Sáng ngày 17/6/2015, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án giết người đối với Cao Xuân Thanh (SN 1986, trú tại xã Tiền Phong, Quế Phong, Nghệ An) và đồng bọn. Đây là lần thứ 3 phiên tòa được mở, hai lần trước phải hoãn xét xử vì thiếu nhân chứng hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Nghệ An, giữa Cao Xuân Thủy (SN 1990) với Nguyễn Như Quế Anh (SN 1992, trú tại thị trấn Kim Sơn, Quế Phong) có mâu thuẫn với nhau. Chiều ngày 18/12/2013, Thủy về nhà kể cho anh trai là Cao Xuân Thanh nghe việc mình bị Quế Anh đánh. Thanh rủ Phạm Văn Phúc (SN 1985, trú tại thị trấn Kim Sơn, Quế Phong) mang theo ống tuýp nước, súng cùng Thủy đến nhà Quế Anh để trả thù.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Quế Anh dùng kiếm chém trúng đầu Thủy. Thấy em trai bị chém, Cao Xuân Thanh rút súng bắn một phát vào người Quế Anh khiến nạn nhân tử vong. Sau khi gây án, Cao Xuân Thanh và Phạm Văn Phúc lên xe máy bỏ trốn. Ngày 19/12/2013, cả hai đến Công an huyện Quế Phong đầu thú.
Cao Xuân Thanh bị truy tố ra trước pháp luật tội giết người và tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Phan Văn Phúc bị truy tố tội giết người. Cao Xuân Thủy bị truy tố tội gây rối trật tự công cộng, được tại ngoại.
Khi HĐXX thực hiện thủ tục mở phiên tòa, kiểm tra sự có mặt của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng như các nhân chứng của vụ án thì được báo cáo, tại thời điểm mở phiên tòa vắng mặt 3 nhân chứng Nguyễn Đình Đức, Nguyễn Đình Long, Trương Đức Toàn.
Đại diện Viện KSND tỉnh Nghệ An cho rằng lời khai của các nhân chứng này đã được lưu tại hồ sơ, đây là lần thứ 3 vụ án được đưa ra xét xử bởi vậy đề nghị HĐXX tiếp tục xử, khi cần thiết sẽ công bố lời khai của các nhân chứng.
Người nhà mang theo di ảnh nạn nhân tới dự xét xử.
Ông Nguyễn Như Ba – đại diện hợp pháp cho người bị hại cho rằng, sự vắng mặt của các nhân chứng này sẽ ảnh hưởng đến việc xét hỏi, luận tội các bị cáo đồng thời đề nghị hoãn phiên tòa. Ông Ba cũng cho rằng, đây là lần thứ 3 phiên tòa diễn ra, quá trình tham gia các lần xét xử khiến gia đình ông mệt mỏi, tốn kém bởi vậy yêu cầu tòa phải có biện pháp buộc các nhân chứng phải có mặt trong lần xét xử tới.
Ngay sau khi ông Ba dứt lời, những thành viên khác của gia đình nạn nhân bắt đầu lớn tiếng, yêu cầu tòa phải đưa vụ án ra xét xử, không được hoãn thêm nữa. Người nhà của nạn nhân tỏ ra bức xúc, đưa cao tấm di ảnh của Quế Anh và cho biết, trong thời gian qua, Cao Xuân Thủy cùng một số đối tượng đã nhiều lần đến tận nhà đe dọa các thành viên trong gia đình. Các thành viên khác trong gia đình cũng lên tiếng chửi bới các bị cáo. Trước sự quá khích của người nhà nạn nhân, HĐXX phải yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa những người này ra ngoài đồng thời tạm hoãn phiên tòa để hội ý.
... rồi la ó, chửi bới sau khi HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa vì vắng các nhân chứng.
Trong quá trình HĐXX hội ý, người nhà nạn nhân tiếp tục thể hiện sự bức xúc đối với các bị cáo và những người tham gia xét xử. Lực lượng bảo vệ phiên tòa khá vất vả để duy trì trật tự.
Sau khi hội ý, nhận thấy sự vắng mặt của các nhân chứng sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét hỏi và luận tội, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa cho biết, trong lần xét xử tiếp theo, nếu các nhân chứng tiếp tục vắng mặt, tòa sẽ có biện pháp cưỡng chế buộc đến tòa để phục vụ việc xét xử.
Khi hai bị cáo Cao Xuân Thanh, Phạm Văn Phúc được đưa ra xe chuyên dụng để về trại giam, người nhà bị hại vẫn tiếp tục lớn tiếng tại hành lang tòa xét xử và hướng sự phẫn nộ vào bị cáo Cao Xuân Thủy – người được tại ngoại. Lực lượng cảnh sát phải đưa Thủy lên xe chuyên dụng để bảo vệ an toàn cho bị cáo này. Phải mất 30 phút sau khi HĐXX tuyên hoãn tòa, người nhà bị cáo mới chịu rời khỏi tòa án.