1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Hoãn phiên tòa xét xử cựu Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường Sóc Trăng

(Dân trí) - Ngày 26/7, TAND TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với Châu Hoài Phương (nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng) và Ung Văn Thanh (nguyên Kiểm soát viên của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng) bị cáo buộc về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong phần thủ tục khai mạc phiên xử, 2 bị cáo và các luật sư đề nghị HĐXX triệu tập Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cùng các nhân chứng vắng mặt cùng tham dự phiên tòa. HĐXX sau đó hội ý và quyết định hoãn phiên tòa.

2 nguyên cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng tại phiên tòa.
2 nguyên cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng tại phiên tòa.

Theo hồ sơ tố tụng, ông Châu Hoài Phương (40 tuổi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng) là Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành (KTLN) do Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng thành lập từ tháng 3/2016.

Tháng 4/2016, đoàn tiến hành kiểm tra tại cơ sở kinh doanh của DNTN Hồ Mỹ Nhiên (phường 1, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) do ông Giang Công Tại làm chủ. Đoàn kiểm tra đã lấy 3 mẫu phân bón gồm Siêu D.A.P Super DIAMONIUM-PHOSPHATE CARBON USA 20.46 (ngày sản xuất 6/9/2015) có xuất xứ từ Công ty Phú Châu (TP HCM); Victoria HO-CCV 30.30.0 + TE (ngày sản xuất 6/12/2015) có xuất xứ từ Công ty Con cò vàng (TPHCM); N.P.K 30-30-0+BO+TE (ngày sản xuất 15/1/2016) có xuất sứ là Sản phẩm của Tập đoàn Quốc tế Pháp Việt (TPHCM) gửi đi thử nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng- Bộ Khoa học và Công nghệ).

Theo Phiếu kết quả thử nghiệm ngày 25/4/2016 của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 và Phiếu đánh giá kết quả ngày 6/5/2016 của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Sóc Trăng, các mẫu phân bón lấy từ DNTN Hồ Mỹ Nhiên đều “không đạt chất lượng”.

Không đồng ý với kết quả thử nghiệm lần thứ nhất, DNTN Hồ Mỹ Nhiên yêu cầu gửi mẫu đi thử nghiệm lần thứ 2 ở một đơn vị khác. Lần này, các mẫu phân bón nói trên được gửi đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ. Kết quả, cả 3 mẫu gửi đi đều thấp hơn mức chất lượng ghi trên nhãn. Từ đó, kết luận “mẫu không đạt chất lượng”.

Sau 2 lần kiểm nghiệm mẫu phân bón, kết quả cho thấy sản phẩm chưa đạt chỉ tiêu như ghi trên bao bì, Đoàn kiểm tra thống nhất cho kiểm tra lại tại Trung tâm khảo, kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (Cục trồng trọt - Bộ NN&PTNT). Kết quả lần này, cả 3 mẫu phân bón gửi đi đều “đạt chất lượng” nên được Đoàn kiểm tra trả lại phân bón cho doanh nghiệp.

Ngày 9/6/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Châu Hoài Phương và Ung Văn Thanh.

Cáo trạng cho rằng, Thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ không quy định thử nghiệm hàng hóa lần 3. Tuy nhiên, ông Phương bị cho là “muốn củng cố uy tín cá nhân” nên lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cho lấy mẫu phân bón lưu giữ tại doanh nghiệp đưa đi thử nghiệm lần 3 là sai. Còn Thanh thì giúp việc cho Phương, nên cũng bị cáo buộc với vai trò đồng phạm. Khi có kết quả đạt, Đoàn kiểm tra mở niêm phong, giải phóng cho doanh nghiệp 148 bao phân để bán ra thị trường, gây thiệt hại đến người sử dụng phân bón.

Theo ông Châu Hoài Phương, ông không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong quá trình thực thi công vụ, với tư cách Trưởng đoàn, ông Phương đã thực hiện đúng, đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của cấp trên giao. Mọi quyết định của Đoàn kiểm tra đều được các thành viên trong đoàn hội ý, trao đổi, bàn bạc, ký biên bản làm việc công khai, dân chủ.

Đoàn kiểm tra còn có sự tham gia của nhiều người, ngoài ông Phương, ông Thanh còn có ông Trương Minh Chí (Đội trưởng, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Sóc Trăng) và ông Võ Minh Thiên (Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng). Biên bản cuộc họp ghi rõ ý kiến của ông Trương Minh Chí là “Tôi thống nhất cho phép kiểm nghiệm mẫu lại lần 3”; ý kiến ông Võ Minh Thiên là “Tôi thống nhất cho công ty lấy mẫu lưu tại cơ sở đi gửi kiểm nghiệm lại lần 3”. Qua ý kiến của các thành viên dự họp, ông Châu Hoài Phương kết luận: “Thống nhất theo ý kiến của các thành viên trong cuộc họp, Đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu lưu tại cơ sở gửi kiểm nghiệm lại lần 3”.

Sau 7 tháng bị tạm giam, tháng 1/2018, Châu Hoài Phương và Ung Văn Thanh được tại ngoại. Cả 2 đã làm đơn kêu oan, cho rằng họ không phạm tội như nội dung cáo trạng đã nêu.

D.H