1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Hóa giải tội phạm bằng tấm lòng nhân ái

Đằng sau những người lầm lạc khi trở về với xã hội luôn có bóng dáng của các chiến sĩ Công an trong cuộc chiến đấu quyết liệt để bảo vệ bình yên cho xã hội, là sự nỗ lực của các anh kéo họ trở về đường ngay.

Anh Cù Tuấn Bình
Anh Cù Tuấn Bình

Lấy lòng nhân cảm hoá lỗi lầm

Câu chuyện về người chiến sĩ công an bình dị, nhân hậu, cảm hoá và thay đổi cuộc đời cho người từng trót “nhúng chàm” đã làm nhiều người cảm động. Chuyện là, khoảng năm 1996, sau khi anh Cù Tuấn Bình (ngụ phường 3, quận Tân Bình, TP.HCM) mãn hạn tù trở về địa phương có đến Công an phường trình diện. Năm đó, con anh Bình được hai tuổi, đang nằm điều trị ở Bệnh viện Trưng Vương. 

Vừa ra tù, không một đồng dính túi nên anh chọn cách đi bộ vào bệnh viện thăm con. Đang đi, anh nghe tiếng gọi: “Bình ơi, em đi đâu đó?”. Quay sang thấy một người mặc sắc phục cảnh sát, anh làm lơ bỏ đi. Nhưng người cảnh sát đó đang chạy chiếc xe 78 đã tắt máy dắt bộ đi song song với anh, ân cần: “Có phải con em đang bị bệnh không, lên xe anh chở đến bệnh viện, đi bộ xa lắm”. Ban đầu còn e ngại không dám nhưng rồi anh Bình nghĩ: “Mình cần đến viện nhanh để thay ca cho vợ về” nên anh đồng ý lên xe. 

Đi được một đoạn khoảng 500m, anh cảnh sát tấp xe vào tiệm tạp hóa ven đường mua vài thứ. Suốt quãng đường dài đến bệnh viện, ngoài việc trả lời những câu hỏi thăm ân cần của anh cảnh sát, anh Bình lầm lì vì mặc cảm mình từng là người tù tội. 

Đến nơi, anh Bình xuống xe, người cảnh sát đưa cho anh gói quà vừa mua, nói là gửi cho con anh tẩm bổ. Khi vợ đã về, con ngủ say, khoảng 1 giờ đêm anh cầm cái túi lặng lẽ đi xuống khoảnh sân ở bệnh viện. Dưới ánh đèn vàng vọt, anh mở ra thấy có hai hộp sữa Phương Nam và một ít tiền. Bỗng dưng anh rơi nước mắt, không hiểu sao người cảnh sát ấy lại tốt với mình như thế, trong khi người đời ghẻ lạnh và chẳng ai quan tâm đến người mới ra tù như anh. Anh cũng không biết người công an đó tên gì. 

Khoảng một tuần sau, anh cảnh sát ấy đến nhà bảo anh Bình làm hộ khẩu, chứng minh nhân dân để hòa nhập cộng đồng và giúp anh làm các giấy tờ tùy thân hợp pháp. Một tuần sau, người công an đó lại đến nhà, đem cho anh một triệu đồng, bảo anh Bình mua một cái ống bơm và đồ vá xe để sửa xe bên hông chợ Phạm Văn Hai kiếm tiền nuôi gia đình. Từ đó, anh Bình đã hành nghề sửa xe từ 7h đêm đến 1 giờ sáng, cuộc đời anh đã rẽ sang hướng khác khi anh có việc làm, gia đình anh có miếng ăn, con cái cũng được học hành tử tế. 

Chính vì được cảm hóa bởi lòng tốt và sự giúp đỡ tận tâm của người cảnh sát khu vực, anh Bình đã quyết tâm không đi vào “vết xe đổ” để hoàn lương. Anh còn cùng với nhân dân và công an khu vực bắt nhiều vụ cướp giật trên đường phố. 

Đến giờ, góc chợ đã giải tán và anh cũng dần chuyển qua công việc làm bảo vệ. Anh Cù Tuấn Bình trải lòng: “Nhờ anh cảnh sát khu vực ấy mà gia đình tôi có được cuộc sống đàng hoàng như bao người. Con tôi giờ đã vào đại học, còn đứa nhỏ năm nay lên lớp 10, trong lòng tôi vô cùng rất biết ơn”. 

Người cảnh sát có tấm lòng nhân hậu đã làm thay đổi cuộc đời của anh Cù Tuấn Bình là Thượng tá Nguyễn Văn Tu. Anh Tu chia sẻ, ngoài việc quản lý, giáo dục người lầm lỡ ở khu vực được phân công, các anh còn có trách nhiệm giáo dục, cảm hóa những người lầm lỡ trong cộng đồng dân cư và mong muốn tình hình an ninh trật tự khu vực mình phụ trách được ổn định, xã hội ngày càng có nhiều công dân tốt, bớt đi những đối tượng xấu để nhân dân có cuộc sống bình yên. 

Hóa giải tội phạm bằng tấm lòng nhân ái - 2
Thượng tá Nguyễn Văn Tu 

Giúp dân đoàn kết, cùng chống tội phạm

Trong công tác phòng chống tội phạm, sự trừng phạt luôn là biện pháp bất đắc dĩ  được áp dụng cuối cùng. Điều quan trọng nhất vẫn là tấm lòng của người cán bộ, biết cảm hoá tội phạm, biết dùng những biện pháp khéo léo để hạn chế việc phạm tội xuống mức thấp nhất. Điển hình như câu chuyện “hoá giải mâu thuẫn” trong nhân dân của Thiếu tá Bùi Đức Sòn ở Ninh Bình. 

Những năm 80, việc xâm canh, xâm cư, tranh chấp đất đai giữa khu vực giáp ranh hai xã Ngọc Lương của huyện Yên Thủy và xã Đồng Phong của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình khá gay gắt, tội phạm lợi dụng vụ việc này chống phá, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện càng rối ren hơn. Trước tình hình đó, Thiếu tá Bùi Đức Sòn - Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình (lúc ấy còn là Phó Trưởng Công an huyện Yên Thủy, tỉnh Ninh Bình) được cấp trên giao giải quyết những vấn đề phức tạp tồn tại lâu nay ở địa bàn. 

Bằng các biện pháp vận động, thuyết phục mềm dẻo nhưng cương quyết, chỉ trong một thời gian ngắn, tình hình an ninh trật tự đã lắng dịu. Những mâu thuẫn, tranh chấp thì bà con đã tự giải quyết với nhau. Cũng từ kết quả này, các anh đã xây dựng thành quy ước, quy chế, xây dựng cụm an ninh giáp ranh ở hai huyện, hai xã này. Cụm này hoạt động đến nay đã hơn 25 năm, kết quả vẫn tốt, an ninh trật tự được bảo đảm một cách bình yên. Tội phạm bị nhân dân tố giác, bị pháp luật xử lý... 

Mỗi nơi một cách làm, như cách xử trí khôn khéo của Thiếu tá Bùi Đức Sòn giúp dân hoá giải tranh chấp, bài trừ tội phạm, hay tấm lòng, sự nhiệt tình, tử tế của Thượng Tá Nguyễn Văn Tu đối với người từng vào tù ra tội là những phương pháp loại bớt được mối nguy cho xã hội một cách nhân văn và hiệu quả nhất.

Theo Đông Phương

Pháp luật Việt Nam