Hành trình trốn chạy của "tướng cướp Đèo Ngang"
Trong “thế giới người tù”, phần lớn phạm nhân đều yên bề cải tạo, tu tâm dưỡng tính để mong sớm về đoàn tụ gia đình. Nhưng, cũng có không ít kẻ vẫn ngày đêm nung nấu ý định đào tường khoét vách nhằm trốn chạy khỏi nơi giam giữ.
Và, vì một lý do nào đó, khi những kẻ liều lĩnh kia thoát được ra ngoài, công việc của các chiến sỹ Công an là phải truy bắt bằng được chúng về quy án…
Rất nhiều tên trong số đó bị bắt lại ngay khi mới vừa đào thoát khỏi trại giam được ít ngày, nhưng cũng không hiếm kẻ đã khiến lực lượng chức năng phải lăn lộn hàng tháng, hàng năm, thậm chí hàng chục năm trời mới lần ra tung tích. Ví như trường hợp của tướng cướp Đoàn Văn Thỏa, kẻ đã từng một thời là nỗi khiếp sợ của người dân ở hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh.
19 tuổi đã cầm đầu băng cướp
Đoàn Văn Thỏa SN 1970, quê ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Nhà nghèo, Thỏa bỏ học rồi lêu lổng tụ tập bạn bè, thường xuyên quậy phá ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Vốn bản tính lì lợm lại liều lĩnh, mới 19 tuổi, Thỏa đã cầm đầu một băng nhóm gồm hàng chục tên, gây ra nhiều vụ trộm cắp tài sản của ngư dân và “xin đểu” cánh lái xe qua khu vực Đèo Ngang. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, băng cướp của Thỏa đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân.
Nhưng, tội lỗi nào cuối cùng cũng bị pháp luật trừng trị. Đầu năm 1989, băng cướp do Thỏa cầm đầu bị bắt và đưa ra xét xử. Với tội danh của mình, Đoàn Văn Thỏa phải lĩnh án 7 năm 9 tháng tù và được đưa đến cải tạo tại Trại giam Đồng Sơn (đóng trên địa bàn TP. Đồng Hới, Quảng Bình). Sau thời gian thụ án được gần 3 năm, lợi dụng sơ hở của cán bộ quản giáo trong một lần vào rừng lấy củi, Thỏa đã bỏ trốn và bắt đầu hành trình trốn nã.
Vốn sinh ra là dân miền biển, quen sông nước, nên sau khi thoát khỏi trại giam, Đoàn Văn Thỏa chạy vào tỉnh Bình Định, xin làm nghề đánh cá trên biển để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Được 6 tháng, cảm thấy bất an nên Thỏa tiếp tục trốn chạy ra đảo Phú Quốc, sau đó quay về đất liền, đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chọn xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc - vùng đất có nhiều người dân tứ xứ đến sinh cơ lập nghiệp để dung thân.
Hơn hai thập kỷ, Thỏa ẩn mình bằng nghề đi biển
Để trở thành công dân mới của xã Bình Châu, Đoàn Văn Thỏa đã đổi tên thành Đoàn Trung Thành. Mỗi khi bị hỏi về giấy tờ, Thỏa đều nói dối rằng bị mất trên một chuyến tàu. Đồng thời, gã cũng kịp dựng lên một câu chuyện đầy nước mắt về cuộc đời mình. Nào là bố mẹ mất sớm, anh chị em ly tán mỗi đứa một phương để mưu sinh, riêng gã, vì không kiếm được việc làm nơi quê nhà nên mới phải bôn ba. Nghe xong câu chuyện đó, nhiều chủ tàu đồng ý tiếp nhận gã với niềm thương cảm không giấu giếm. Thỏa bắt đầu có nơi nương tựa.
Dưới cái tên mới, cùng với vỏ bọc mới là một người phía ngoài vào làm kinh tế, Thỏa đã qua mắt được cơ quan chức năng cũng như sự truy bắt của lực lượng Công an khi tiếp tục chọn nghề đi biển để mưu sinh. Mặc dù tậu được nhà riêng, nhưng rất ít khi Thỏa về nhà sống mà phần lớn thời gian đều ẩn mình trên chiếc thuyền nhỏ, hễ thấy động hoặc nghi ngờ có Công an là lại giong buồm ra khơi.
Lặng lẽ lấy vợ, sinh con
Nhờ cái vỏ bọc đáng thương và dáng vẻ chịu thương chịu khó, Thỏa đã lấy được cảm tình của nhiều cô gái địa phương. Năm 1998, Thỏa quen với chị Huỳnh Thị H. (SN 1978), cô gái người bản địa và kết duyên chồng vợ. Sau khi lập gia đình, Thỏa để vợ con sống trên đất liền, còn mình tiếp tục những chuyến ra khơi bám biển. Trong suốt khoảng thời gian chung sống, Thỏa chưa bao giờ để lộ với vợ về quá khứ tội lỗi của mình.
Sau vài năm, nhờ sự cần cù chịu khó lao động, gia đình nhỏ bé của Thỏa dần có cuộc sống ổn định, mùa giáp hạt không còn thiếu ăn. 10 năm chung sống, chị H. cũng đã sinh hạ cho Thỏa 3 đứa con kháu khỉnh. Thấy cuộc sống cũng đỡ phần vất vả hơn khi tích cóp được ít tiền bạc và bắt đầu có của ăn, của để, nhiều lần, chị H. đề nghị chồng không đi biển nữa, trở về sống cùng vợ con cho đỡ vất vả nhưng Thỏa gạt phắt đi, vẫn giữ nguyên lối sinh hoạt: Từ thuyền về nhà lúc trời đã sẩm tối và vội vã ra đi khi còn chưa rõ mặt người.
Thế rồi, một tối mùa đông năm 2008, khi Thỏa mới từ biển về đã phải miễn cưỡng tiếp những vị khách không mời, ấy là Ban Công an xã Bình Châu và một đồng chí Công an huyện Xuyên Mộc đến để kiểm tra hộ khẩu của Đoàn Trung Thành (tức Thỏa) và những người trong gia đình. Cuộc viếng thăm bất ngờ này đã làm Thỏa bất an và thêm cảnh giác. Vậy là chỉ mấy ngày sau, Đoàn Văn Thỏa đã bán nhà, chuyển vợ con về sống tại nhà ngoại ở thị trấn Long Hải (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu). Cũng từ đó, Thỏa gần như sống hẳn trên tàu đánh cá, chỉ đợi đêm khuya mới mò về thăm vợ. Trong thời gian này, vợ Thỏa tiếp tục hạ sinh đứa con thứ 4...
Nhưng, dù có tạo được vỏ bọc kín kẽ đến đâu thì những kẻ như Thỏa cũng có lúc phải “lòi” ra cái đuôi của mình. Và, gã cũng không thể ngờ rằng, đã hơn hai thập kỷ trôi qua mà người ta vẫn còn nhớ đến tội lỗi của gã gây ra thời trai trẻ. Chính từ cái tính cách, thói quen sống “khác người” của gã, đó là không bao giờ chia sẻ thông tin với hàng xóm láng giềng về quê hương, gia đình, bố mẹ của mình, cộng với chuyện đi sớm về khuya, cả đời lênh đênh trên biển nên gã vô tình tạo nghi vấn cho nhiều người. Nhận định rất có thể đây là đối tượng phạm tội đang lẩn trốn, các lực lượng chức năng đã đưa gã vào “tầm ngắm”. Từ đó, “nhất cử nhất động” của Đoàn Văn Thỏa đều được các trinh sát lặng lẽ bám theo.
Khép lại hành trình trốn chạy
Năm 2012, Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm (CSTNTP) Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác lập chuyên án đấu tranh, truy bắt Đoàn Văn Thỏa sau khi nắm được thông tin về nơi ẩn náu của đối tượng. Sau thời gian lần tìm tung tích, xác định tàu đánh cá ở thị trấn Long Hải là nơi Thỏa ẩn nấp, nhưng do tàu này thường xuyên ra khơi, mỗi lần cập bến cũng chỉ neo đậu một ít thời gian nên việc truy bắt gặp rất nhiều khó khăn. Cũng vì thế mà chuyên án lập gần hai năm nhưng Thỏa vẫn ngoài vòng pháp luật.
Kiên trì đeo bám, đến rạng sáng 22/3/2014, khi biết tàu vừa cập bến, các trinh sát thuộc Phòng CSTNTP Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện, mời Đoàn Trung Thành về trụ sở Công an thị trấn Long Hải để làm việc. Tại đây, sau 2 giờ đấu trí, Đoàn Trung Thành mới cúi đầu thừa nhận mình chính là Đoàn Văn Thỏa - kẻ trốn khỏi trại giam cách đây hơn 20 năm. Đến khi Thỏa bị các trinh sát truy nã bắt giữ, vợ con hắn còn nhất mực cãi rằng: “Các anh bắt nhầm người rồi, chồng tôi có tội tình gì?”.
Một trinh sát tham gia chuyên án đã kể lại rằng, lúc đó, gương mặt Thỏa thất thần, nhợt nhạt. Gã không hề phản kháng hay có bất cứ hành động chống đối nào, mắt ngơ ngác, tay run rẩy tra vào còng. Có lẽ, gã những tưởng thời gian sẽ làm tội lỗi của mình rơi vào quên lãng, quá khứ của mình sẽ được chôn vùi. Vả lại, trong suốt hơn hai thập kỷ chạy trốn, mọi “đường đi nước bước”, mọi hành động của bản thân đều được gã tính toán, che đậy kỹ lưỡng nhằm đối phó sự truy tìm. Thế nhưng, “lưới trời lồng lộng”…
Đoàn Văn Thỏa
Hơn hai thập kỷ chạy trốn khỏi Trại giam Đồng Sơn, Thỏa vẫn còn chưa thôi bị ám ảnh bởi quá khứ tội lỗi của mình. Gã bảo, thời trai trẻ cũng vì đói quá, nhận thức pháp luật có hạn nên mới trộm cắp, cướp giật. Kể từ khi trốn khỏi trại giam, Thỏa chưa một ngày sống trong an lành mà cứ thấp thỏm lo âu ngày bị phát hiện và bắt giam trở lại. Sống với nỗi ám ảnh bị săn đuổi, không đêm nào gã có được giấc ngủ trọn vẹn. Chỉ cần tiếng gió đập ngoài mạn tàu, hay tiếng động cơ nổ gần cũng khiến gã giật mình. Nhiều lúc gã đã định ra đầu thú để thoát khỏi cảnh lo sợ, hoảng hốt mỗi đêm, nhưng chỉ cần nghĩ sẽ phải phải giam mình sau song sắt, gã lại từ bỏ toan tính đó.
Trong thời gian Thỏa trốn chạy pháp luật, ở quê nhà, bố mẹ của Thỏa lần lượt qua đời nhưng gã không dám về. Sau đó khá lâu mới lén lút trở về thắp cho đấng sinh thành nén hương tạ lỗi. Giờ đây, trở về trại giam để tiếp tục thụ án và chờ bản án tiếp theo cho những tháng ngày chạy trốn, Đoàn Văn Thỏa mới hiểu ra giá trị của cuộc sống. Thỏa hạ quyết tâm lần này sẽ tu tâm, cải tạo thật tốt, sớm trở về sum họp với gia đình, vợ con. Chỉ tội cho vợ và 4 đứa con của Thỏa, họ đau đớn tột cùng khi Thỏa bị bắt và lộ rõ chân tướng của gã tướng cướp vượt ngục.
Thế mới thấy được, trong “thế giới áo kẻ sọc”, không phải phạm nhân nào cũng hối cải, dễ dàng chấp nhận lao động cải tạo cho tới ngày hết án. Nhưng, dù chúng có “sáng tạo” ra muôn vàn chiêu trò tinh vi, liều lĩnh thế nào để nhằm trốn chạy sự trừng phạt của pháp luật thì sớm muộn gì cũng bị bắt về quy án.
Theo Cao Bằng
Công lý