1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hàng triệu người bị rao bán thông tin cá nhân

Ngày 5/1, Phó chánh thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM Nguyễn Đức Thọ xác nhận đã xử lý hành chính một số đối tượng chuyên cung cấp số điện thoại, thông tin cá nhân, doanh nghiệp cho các đơn vị có nhu cầu.

Trước đó, Cục An ninh Truyền thông (A87) thuộc Tổng cục An ninh II Bộ Công an phía Nam đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM để xử lý. Theo đó, 3 đối tượng bị phạt hành chánh gồm: Dương Hồng Lễ (ngụ Tân Phú - TPHCM), Hứa Minh Tuấn (ngụ quận 8) và Lê Minh Trung (ngụ quận Bình Thạnh).
 
Hàng triệu người bị rao bán thông tin cá nhân - 1
Dương Hồng Lễ đang giao dịch với khách hàng.
 
Theo điều tra, tháng 1-2011, A87 phát hiện hoạt động mua bán thông tin cá nhân trên trang web danhsachkhachhangduonghonglecó dấu hiệu vi phạm pháp luật nên tiến hành xác minh, gọi hỏi và đấu tranh với chủ nhân hai trang web nói trên là Dương Hồng Lễ.
 
Tại cơ quan điều tra, Lễ thừa nhận lập 2 web từ tháng 10-2010, thông tin khách hành mua từ Lê Minh Trung (chủ trang web timkhachhang) và Hứa Văn Tuấn (chủ trang web datavip24h) với giá 20 triệu đồng.
 
Hứa Văn Tuấn khai nhận: Ra trường năm 2008, Tuấn làm cho Công ty Chứng khoán Phú Gia nên thu thập được danh sách 600 khách hàng mua bán bất động sản.
 
Năm 2010, từ thông tin mua bán trên mạng internet, Tuấn đã quen biết và trao đổi danh sách khách hàng với một số người khác... và thu thập được hơn 100 danh sách như: Danh sách giám đốc tại Bình Dương, 30.000 thuê bao Mobifone, 65.000 thuê bao Viettel trả sau tại Hà Nội... và rao bán trên mạng.
 
Còn Lê Minh Trung khai nhận đầu năm 2010, Trung đã mua bán một số danh sách khách hàng trên mạng internet để phục vụ công việc mời khách đi tham quan du lịch.
 
Thấy việc mua bán thông tin thuận lợi và có nhiều người muốn mua, Trung đã thu thập, phân loại và đăng tải các danh sách khách hàng lên trên web và cũng mua danh sách từ các trang web khác rồi bán lại.
 
Ngoài ra, Trung đã tải danh sách 120.000 doanh nghiệp trên toàn quốc trên mạng internet và rao bán.
 
Cả 3 khai nhận từ đầu năm 2010 đến nay đã thu lợi bất chính trên 250 triệu đồng từ việc mua bán thông tin, số điện thoại của các cá nhân.
 
Các đối tượng mua bán danh bạ thông tin với giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.
 
Theo A87, sở dĩ nhiều người thường xuyên nhận được những cuộc gọi từ các công ty bảo hiểm, công ty bất động sản, ngân hàng… là do những đơn vị này mua từ các đối tượng chuyên săn lùng số điện thoại rồi tuồn ra ngoài.
 
Theo nhận định của A87, tạm thời cơ quan điều tra chưa phát hiện trường hợp nào mua số điện thoại cá nhân để đe dọa, tống tiền hoặc quấy rối… Tuy nhiên, Bộ Công an đã xử lý nhiều đối tượng nước ngoài gọi điện tự xưng rằng công tác trong ngành công an, tư pháp rồi đe dọa, lừa các nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản cho chúng.
 
Theo Phó chánh thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM Nguyễn Đức Thọ, đây là loại tội phạm mới và diễn biến rất phức tạp nhưng trong vụ việc này các đối tượng chưa ý thức được hành vi phạm tội, mức độ nguy hiểm chưa cao và hợp tác với cơ quan điều tra trong công tác phá án. Do đó, theo chủ trương của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C59) Bộ Công an, sở chỉ xử lý hành chính và cảnh cáo.
 
Ông Thọ khuyến cáo: “Đây là trường hợp mới, các đối tượng cũng thành khẩn nên phạt hành chính. Nếu có trường hợp nào tái diễn thì sẽ xử lý nghiêm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
 
Theo Phạm Dũng
NLĐ