1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam

Hận tình, mẹ góp tay đẩy con ra pháp trường

Vì hận người tình ngoại quốc phụ bạc, người mẹ ghét lây sang cả đứa con lai vô tội. Bị mẹ coi con như một thứ nợ đời, đứa con sớm sa vào con đường tội lội để rồi phải trả giá bằng bản án tử hình.

Đến lúc này người mẹ cũng chẳng một lần đến nhìn mặt đứa con từng mang nặng đẻ đau.

Nguyễn Văn Cua (tức Cua “đồng”, SN 1967, trú khu Vân Hồ 3, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lớn lên như cái cây ngọn cỏ. Thất học, sớm bị quăng vào cuộc sống bụi đời, không ngạc nhiên khi gã trở thành giang hồ khét tiếng một vùng.

Coi con như thứ nợ đời


Coi con như thứ nợ đời

Không ai biết gốc gác thực sự của Cua. Chỉ biết rằng khi theo mẹ về thuê nhà sinh sống ở khu Vân Hồ 3, chỉ thoáng nhìn, người ta cũng biết Cua là đứa con lai.

Nước da đen khó tả, cái mũi lõ thừa hưởng từ người cha ngoại quốc khiến Cua trông khác biệt hẳn với đám bạn cùng trang lứa. Không biết có phải vì hận thù người chồng “ngoại” phụ bạc hay không mà người mẹ coi đứa con lai như một thứ “nợ đời”.

Bà ta không những không cho Cua đi học mà còn thường xuyên mắng chửi con với đủ thứ ngôn từ tệ hại nhất. Về nơi ở mới được một thời gian, người mẹ công khai cặp kè với nhiều gã đàn ông. Đứa con cứ lủi thủi làm đủ thứ việc nhà như kẻ hầu người hạ.

Vậy mà Cua cũng không yên thân bởi cứ xểnh ra là lại bị mẹ chửi như tát nước vào mặt. Nhiều lúc, người dân trong khu vực kháo nhau: “Không hiểu thằng Cua có phải là con đẻ của bà ta không nữa”.

Ngôi nhà thường xuyên có mặt những người đàn ông lạ, lại bị mẹ đối xử tàn tệ, dễ hiểu khi với Cua, cuộc sống đúng nghĩa là ở ngoài đường. Để có cái ăn mà không bị mắng chửi, để có thể sẻ chia những uất ức, Cua nhập bọn với một đám bạn là những đứa trẻ lang thang, chuyên ngủ bờ ngủ bụi trong khu vực.

Đều là những đứa trẻ nghèo, nguồn kiếm tiền duy nhất của chúng là trộm cắp vặt. Địa bàn hoạt động chủ yếu là quanh hồ Ha-Le (hồ Thiền Quang ngày nay) và ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội), đám nhóc dần trở thành những tội phạm “nhí”.

Thái độ bất cần của Cua càng làm người mẹ cay nghiệt “ngứa mắt” hơn. Biết mắng chửi không ăn thua, bà ta bắt đầu dùng đến tay chân. Lúc đầu, Cua còn có vẻ sợ hãi nhưng sau đã quen đòn, mẹ càng đánh thì cái mặt của Cua càng nghênh nghênh, thách thức.

Dường như sự có mặt của Cua khiến người mẹ mất tự nhiên trong mối quan hệ với những người đàn ông, vậy nên bà ta tìm mọi cách tống khứ đứa con ra khỏi nhà.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi người mẹ khích bác để một trong những nhân tình của mình ra tay đánh Cua. Đến lúc này thì phần tội lỗi tiềm ẩn trong con người Cua thực sự trỗi dậy. Buổi sáng bị đánh, buổi chiều Cua kéo “quân” về.

Đám nhóc lao vào ôm để Cua rảnh tay vung hai nhát búa đinh vào đầu gã bố dượng “hờ”. Đòn thù của Cua đã khiến nạn nhân chấn thương sọ não. Trong phiên tòa diễn ra sau đó, người mẹ không có lời nào bênh vực đứa con, thậm chí còn yêu cầu xử thật nặng. Vì là vị thành niên nên Cua chỉ bị 3 năm tù. Đó là năm 1983.

Trả giá cho tội ác

Lòng hận thù đã khiến Cua không thể cải tà quy chính. Tiếp xúc với đủ các loại anh chị du đãng trong trại giam, gã chỉ chú tâm học hỏi cái tàn bạo của giới giang hồ.

Ra tù, trở về địa phương, gã tụ tập lại đám bạn cũ lập thành băng nhóm. Dù gì cũng mới chỉ là đám du đãng trẻ tuổi, nhưng Cua “đồng” nhanh chóng nổi danh bởi cách lấy “số má” không giống ai. Đó là gã cứ "nhè" những tay anh chị cộm cán nhất trong khu vực mà gây chiến.

Sau vài vụ thanh toán đầy bạo lực, băng của Cua đã buộc các băng nhóm khác phải chia sẻ địa bàn. Một loạt các hoạt động phi pháp như chăn dắt gái mại dâm, bảo kê cờ bạc, quán xá, đều có Cua “đồng” dây máu ăn phần.

Mỗi khi kéo quân đi, gã đều hạ lệnh xanh rờn: “Không va chạm thì thôi. Đã va chạm thì phải đuổi cùng giết tận”. Chính sự máu lạnh này đã khiến nhiều giang hồ cộm cán cũng phải ngán ngại phần nào. Điển hình như vụ ẩu đả với một băng nhóm ở khu vực chợ Giời (phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng) khoảng năm 1988.

Với lực lượng đông hơn, băng của Cua “đồng” đã đánh cho đối phương te tua, gây thương tích nặng cho vài đối thủ. Sau khi lùng sục mãi mà không tìm thêm được “con mồi” nào, Cua hạ lệnh: “Xem mấy thằng bị thương cấp cứu ở viện nào. Vào tận nơi tiêu diệt chúng nó”.

Đám đàn em tuân lệnh răm rắp. Chẳng mấy chốc, chúng đã biết nhóm bị thương đang được cấp cứu ở Bệnh viện Việt-Đức nên lập tức kéo vào. Hàng chục gã côn đồ mặt mày dữ tợn, tay lăm lăm hung khí, hùng hổ lao vào bệnh viện.

Biết là giang hồ thanh toán nhau, từ người dân cho đến các y bác sĩ đều rất hoảng hốt. Nhiều người sợ hãi bỏ chạy tán loạn vì sợ “không phải đầu cũng phải tai”. Rất may ngày hôm đó có một tay anh chị thuộc hàng đàn anh của Cua “đồng” đứng ra dàn xếp, nếu không chưa biết hậu quả sẽ nghiêm trọng đến thế nào.

Khoảng năm 1990, vì tranh giành địa bàn làm ăn, băng của Cua “đồng” cùng với một băng nhóm ở khu vực cầu Mai Động đánh nhau chí tử. Nhiều gã du đãng ở cả hai phe bị đâm chém thương tích đầy mình. Điều trùng hợp là những người bị thương đều được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Thanh Nhàn.

Nhìn đàn em kêu la oai oái, Cua “đồng” nổi máu “yêng hùng”. Gã thủ dao lê trong người, mò sang khu vực của đối phương để trả thù. Một người bảo vệ của bệnh viện phát hiện ý định này nên xả thân ngăn chặn. Thú tính nổi lên, Cua “đồng” đã vung dao cướp mạng người bảo vệ dũng cảm đó.

Biết mình đã gây trọng tội, gã lập tức “cao chạy xa bay”. Nhưng gần 2 năm sau, gã bị bắt khi đang trốn chui lủi ở một địa bàn thuộc tỉnh Phú Thọ. Cua “đồng” lĩnh án tử hình không lâu sau đó...

Tội ác gây ra, Cua “đồng” đã phải trả giá. Nhưng trong cuộc đời ngắn ngủi của gã con lai vẫn có những ẩn ức khiến nhiều người biết chuyện phải xót xa. Như một “chiến hữu” của gã tiết lộ: “Cho đến khi Cua phải nhận án tử, mẹ gã vẫn không một lần thăm gặp để nhìn mặt đứa con trai. Với bà ấy, Cua như không tồn tại trong cuộc đời. Sinh con ra rồi rũ bỏ như cái giẻ rách. Có thể nói rằng, chính người mẹ là một phần nguyên nhân đẩy Cua “đồng” vào con đường tội lỗi để rồi kết thúc cuộc đời của mình ở chốn pháp trường...”./.

Theo Ngọc Thành- Khánh Tùng

Pháp luật Việt Nam