1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nghệ An:

Hãi hùng một chuyến đột nhập “rừng gỗ lậu”

(Dân trí) - Lâm tặc hoạt động khi âm thầm, lúc công khai trong sự bàng quan của lực lượng chức năng. Hàng trăm khối gỗ quý vẫn biến mất khỏi những cánh rừng tại huyện Quế Phong (Nghệ An).

Âm thầm phá rừng trong vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na

Hãi hùng một chuyến đột nhập “rừng gỗ lậu”
Dọc đường vành đai lòng hồ Thủy điện Hủa Na chúng tôi bắt gặp những khúc gỗ táu vừa mới bị đốn hạ với vết cưa còn rất mới

Từ nguồn tin báo của người dân, chúng tôi quyết định thị sát hoạt động khai thác gỗ tại hai xã Đồng Văn, Tiền Phong (huyện Quế Phong, Nghệ An). Nếu như ở Đồng Văn - vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na - việc nhập nhằng giữa khai thác gỗ tận thu và khai thác gỗ lậu diễn ra âm thầm, thì ở các điểm tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na tại xã Tiền Phong, việc khai thác gỗ trái phép diễn ra một cách công khai.

Khi dự án Thủy điện Hủa Na chính thức được khởi công, một vùng rừng phòng hộ rộng lớn thuộc BQL rừng phòng hộ Quế Phong đã được “khai tử” để nhường đất cho việc tích nước hình thành lòng hồ. Hàng nghìn mét khối gỗ, trong đó có nhiều loại gỗ quý đã được tận thu. Thế nhưng, khi việc tận thu đã kết thúc thì đây vẫn là mảnh đất màu mỡ cho giới lâm tặc lợi dụng để tuồn gỗ ra ngoài.


Hãi hùng một chuyến đột nhập “rừng gỗ lậu”
Những khúc gỗ có đường kính hơn 60cm

Dọc con đường vành đai vùng lòng hồ, đi sâu qua tấm biển “Rừng phòng hộ” chưa đầy 1km, chúng tôi vẫn bắt gặp những con đường mòn dẫn sâu vào rừng. Bên đường là những đống mùn cưa còn rất mới hay những khúc gỗ lớn còn tươi nhựa. Theo người dân địa phương thì đó là gỗ táu với chu vi lên tới gần 60cm. Nghĩa là một cây táu nhiều năm tuổi vừa bị đốn hạ. Thỉnh thoảng, dưới đường mương dẫn nước bên vệ đường là những phiến gỗ được cắt gọt vuông vức “ẩn náu”. 

Đưa những thông tin thu thập được báo cáo với Hạt kiểm lâm Quế Phong, ông Nguyễn Trọng Lễ - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm lắc đầu: “Làm gì có chuyện phá rừng phòng hộ. Mặc dù có tấm biển rừng phòng hộ nhưng khu vực rừng này đã được chuyển đổi thành rừng sản xuất. Đến chúng tôi cũng không phân biệt được đâu là rừng sản xuất, đâu là rừng phòng hộ nếu không sử dụng máy định vị. Gỗ đó là bà con khai thác để về làm nhà thôi”.

Hãi hùng một chuyến đột nhập “rừng gỗ lậu”
Gỗ được xẻ thành thanh dài 2,5-3m được tập kết trên sườn núi

Để được khai thác gỗ dù ở rùng sản xuất hay vườn rừng thì đều phải có giấy tờ đồng ý của cơ quan chức năng nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không thấy bóng dáng của kiểm lâm hay cán bộ rừng phòng hộ nào ở khu vực này. Như vậy, có gì đảm bảo đây là số gỗ bà con được phép khai thác?

Theo ông Lễ, từ đầu tháng 3/2011 đến nay, Hạt kiểm lâm Quế Phong đã mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và đã bắt giữ gần 10m3 gỗ khai thác trái phép trong vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na.

Lâm tặc ngang nhiên chở gỗ và đe dọa phóng viên

Khi di dời từ vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na, bà con được phép khai thác mỗi hộ gia đình 10m3 gỗ trên đất của mình để dựng nhà. Số gỗ này phải được cơ quan chức năng cho phép, nếu là gỗ vườn thì xin ý kiến của xã, gỗ rừng sản xuất của gia đình phải trình hồ sơ lên UBND huyện cho ý kiến. Thế nhưng, chính ông Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quế Phong thừa nhận thì không phải ai cũng thực hiện đúng quy trình này khi khai thác gỗ. Điểm duy nhất để xác định gỗ của bà con khai thác làm nhà chính là những con số do lực lượng kiểm lâm huyện đánh dấu.

Hãi hùng một chuyến đột nhập “rừng gỗ lậu”
Những phiến gỗ lớn "ẩn náu" dưới mương dẫn thoát nước của đường vành đai

“Lâm tặc thường trà trộn gỗ của mình vào trong xe gỗ của bà con để đưa ra khỏi rừng. Cách này thường ít bị phát hiện, hoặc nếu bị phát hiện thì bà con đều nhận là gỗ của mình thay cho lâm tặc vì trước đó họ đã có thỏa thuận rồi. Gỗ của lâm tặc cũng được đánh số y như gỗ của bà con. Anh em kiểm lâm biết đó nhưng không làm gì được”, ông Nguyễn Trọng Lễ - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quế Phong cho hay. Ông này cũng khẳng định là không có chuyện phá rừng tại các điểm tái định cư.

Ngược con đường đang mở vào điểm tái định cư Xốp Co - Nậm Niên (xã Tiền Phong, Quế Phong) chúng tôi bắt gặp khoảng 10 chiếc xe máy ầm ầm lao dốc. Trên mỗi chiếc xe đều chất 2-5 thanh gỗ lớn được xẻ vuông vức. Trong đoàn xe chở gỗ rầm rập lao dốc có cả những chiếc xe do phụ nữ cầm lái. Ở những chiếc xe này lượng gỗ thường ít hơn xe do nam giới điều khiển. Khi biết bị chúng tôi ghi hình, một người đàn ông đã lớn tiếng quát nạt, đòi đập vỡ máy ảnh của phóng viên.

Hãi hùng một chuyến đột nhập “rừng gỗ lậu”
Mỗi ngày, hàng trăm chuyến xe máy vẫn ngang nhiên tuồn gỗ ra khỏi rừng ở điểm tái định cư Xốp Co - Nậm Niên

Trong khi chúng tôi đang tìm hiều về công tác thi công điểm tái định cư này thì đoàn xe chở gỗ lúc nãy đã quay lại rú ga ầm ĩ. Toàn bộ gỗ trên xe đã bị dỡ xuống. Thấy đám người hùng hổ vây quanh chúng tôi, những công nhân đơn vụ thi công điểm tái định cư này lẳng lặng tản ra dần. Một thanh niên lớn tiếng yêu cầu chúng tôi phải xóa hết những bức ảnh vừa chụp và giật lấy máy ảnh trên tay phóng viên. Khi chúng tôi không đồng ý xóa, hắn hất hàm bảo tên bên cạnh gọi điện về nhà bảo “thằng đó” lên.

“Quay để làm chi? Tốt nhất là xóa đi, nếu chúng tôi bị phạt, các anh chị cũng không thoát khỏi chúng tôi đâu”, một người trong số đó đe dọa - “Đây là khu tái định cư, có mấy que gỗ tạp, quay vớ vẩn”. Không những dọa dẫm, những lâm tặc này còn kể lể chẳng qua là do gia đình khó khăn, rằng họ cũng hiểu phá rừng là không tốt.

Mặc dù khẳng định đây chỉ là gỗ tận dụng nhưng đám người vẫn vây quanh và nhất quyết bắt chúng tôi phải xóa các bức ảnh bởi “Các anh chị về phản ánh lên báo thì “trên” họ nói người liên quan đến gây rối cho chúng tôi. Làm cu ly như chúng tôi cũng chịu áp lực nhiều người (?)”, một người cho biết.

Để đảm bảo an toàn cho bản thân, chúng tôi buộc phải thực hiện theo yêu cầu của nhóm lâm tặc. Khi kiểm tra không còn ảnh, nhóm người này mới bỏ đi không quên “đe”: “Nhớ lấy biển số hai cái xe này” (hai chiếc xe chúng tôi đang đi). 

Nhóm PV