1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TPHCM:

Hai giám đốc trong vụ lật ca nô làm 9 người chết đối diện 15 năm tù

(Dân trí) - Chưa được cấp phép nhưng 2 giám đốc vẫn điều ca nô đi đón người ở Tiền Giang chở về Vũng Tàu. Ca nô chở quá số người gặp lúc thời tiết xấu nên đã lật úp tại vùng biển Cần Giờ, TPHCM làm 9 người chết.

Ngày 31/10, VKSND TPHCM cho biết, cơ quan này vừa hoàn tất kết luận truy tố 2 bị cáo liên quan đến vụ tai nạn đường thủy thảm khốc làm 9 người chết trên vùng biển Cần Giờ là Vũ Văn Đảo (SN 1968, trú P.7, TP Vũng Tàu, Giám đốc công ty Việt Séc) và Đinh Văn Quyết (SN 1980, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai, Giám đốc Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina).

Hai bị cáo Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết bị truy tố về tội: “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”. Theo đó, hai bị cáo này đang đối mặt với mức án từ 7-15 năm tù.

Hiện trường vụ vụ lật ca nô làm 9 người chết
Hiện trường vụ vụ lật ca nô làm 9 người chết

Theo kết quả điều tra, do quen biết từ trước, ông Hà Ngọc Phước (là giám đốc công ty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam – gọi tắt là công ty PV PIPE, trụ sở tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã mượn ông Đảo ca nô để chở cán bộ, công nhân viên công ty từ Tiền Giang về Vũng Tàu dự đám cưới. Ông Quyết đã tiếp nhận danh sách số người đi từ công ty PV PIPE để chuẩn bị ca nô và kế hoạch được ông Đảo đồng ý.

3 ca nô được cho mượn gồm: 1 ca nô mà công ty Việt Séc vừa đóng xong và 2 ca nô của Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa – Vũng Tàu đang gửi bảo trì định kỳ tại công ty Việt Séc.

Chiều 2/8/2013, 3 ca nô đã chở theo 71 người thẳng hướng từ Tiền Giang về Vũng Tàu. 19h đêm, khi đến hải phận thuộc xã Long Hoà, huyện Cần Giờ, TPHCM, ca nô mang số hiệu BP120402 do ông Phạm Duy Phúc (là lái tàu của công ty Vũng Tàu Marina) điều khiển, đã gặp sự cố, bị chìm, qua đó là 9 người tử vong; ngoài ra có nhiều người may mắn thoát chết.

Cũng theo kết luận, ca nô bị nạn đã chở số người vượt mức cho phép, lưu thông ở hải phận không được phép…

Những nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn giao thông đường thủy 
Những nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn giao thông đường thủy 

Ngoài ra ca nô bị nạn được đóng bằng công nghệ, vật liệu mới là Polypropylene Copolymer, mà doanh nghiệp Việt Séc của ông Vũ Văn Đảo sản xuất chưa được cấp phép.
 
Theo đó,2 ca nô mà công ty Việt Séc bán cho Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa – Vũng Tàu được sản xuất bằng công nghệ, vật liệu mới nhưng trong hồ sơ lại cố tình ghi sai vật liệu đóng tàu là chất khác nhằm “qua mặt” đơn vị đăng kiểm của Hải quân.

Hành vi của Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết không những đã xâm phạm đến những quy định của Nhà nước về an toàn giao thông vận tải đường thủy mà còn gây thiệt hại cho tính mạng, tài sản của công dân nên cần xử nghiêm.

Đối với ông Phạm Duy Phúc, là người trực tiếp điều khiển tàu BP120402 gây tai nạn đã cấu thành tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”. Tuy nhiên, sau tai nạn, thuyền trưởng này đã tử vong nên cơ quan công an không khởi tố, điều tra.

Công Quang