Hà Nội: Con đường phục thiện của một kẻ trốn trại
Một người đàn ông béo ục ịch, cần mẫn làm đẹp cho khách bằng hình xăm với những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt là hình ảnh mỗi ai đến “tư gia” của Học đều nhận thấy. Học không giấu giếm quá khứ với những lỗi lầm và uẩn khúc cho số phận….
Thước phim xấu
Một người đàn ông béo ục ịch, cần mẫn làm đẹp cho khách bằng hình xăm với những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt là hình ảnh mỗi ai đến “tư gia” của Học ở phường Đức Giang đều nhận thấy. Căn phòng 20m2 lúc nào cũng nhộn nhịp khách và người học việc. Giọng nói sang sảng, không giấu giếm, Học sẵn sàng kể chuyện quá khứ với những lỗi lầm và khúc ngoặt của số phận. Anh bảo, đời mình như thước phim xấu với bao lỗi lầm.
Nhà nghèo, hồi nhỏ, Học phải làm đủ thứ nghề và luôn bị đám trẻ con “đầu đường xó chợ” bắt nạt, bị trấn lột nên nuôi ý định trả thù. Một thời gian khác làm phục vụ thuê ở quán cơm, vì đói nên bốc trộm miếng thịt, chưa kịp nuốt thì bị chủ phát hiện, tát cho một cú như trời giáng đến tứa máu miệng. Ôm mặt, nuốt nước mắt, Học bỏ đi trong hậm hực, căm thù. Sau cái tát trời giáng đó khiến Học cảm thấy nhục nhã và hận đời. Từ một cậu bé học khá giỏi đã nhìn cuộc đời vô cùng tiêu cực và bắt đầu tụ tập đám bạn xấu đi đánh nhau. Giữa năm học lớp 11 trường PTTH Nguyễn Gia Thiều thì cậu bỏ, đi phụ xe tuyến Gia Lâm, Thái Nguyên và dính vào nghiện ngập rồi bị đưa đi trại cải tạo, cai nghiện. Năm 1994, bố mất, Học muốn làm lại cuộc đời nên trở về xin đi học tiếp rồi thi đỗ vào ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. “Tôi có năng khiếu, muốn đi học nhưng anh em lại dùng ma túy kéo đi, lại đi đánh nhau, trộm cắp. Tôi không thể vượt qua được chính mình, vượt qua được cám dỗ nên mới học đại học chưa đầy hai tháng, lại bỏ học và lún sâu vào giang hồ mà không phân biệt đâu là phải, đâu là trái, thế là bị bắt. Tổng cộng tôi ra tù, vào tội đến 5 lần”, Học tâm sự.
Lần cuối cùng, Học tổ chức anh em vây đánh mấy chú cháu ở một gia đình gần nhà, “cộng” thêm những lần trộm cắp khác, anh bị kết án 6 năm tù giam, phải vào thụ án tại Trại giam số 6 Nghệ An. Ở đây, nhờ năng khiếu mỹ thuật nên anh được giám thị phân cho công việc quay chậu cảnh, đắp tượng. Người ở trong trại mà lòng vẫn hướng ra ngoài, nên không ít lần bật tường, trốn trại. Trong một lần trốn về đến ga Gia Lâm thì bị tóm gọn. Cho đến năm 2004, mẹ mất, Học mới rấm rức khóc trong ân hận, lóe lên trong đầu ý định hoàn lương, làm lại cuộc đời và năm 2005, anh được tha tù.
Tình yêu muộn
Trở về cuộc sống tự do, Học đã nuôi ý định làm nghề xăm nghệ thuật nên kẻ biển quảng cáo, mở hiệu. Nhưng ngày đó ít khách, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn, muốn vay tiền dựng nghiệp cũng chẳng ai giúp bởi luôn bị người ta nhìn với ánh mắt ghẻ lạnh, suýt nữa… trở lại giang hồ. Một lần, gã đàn em đến cầu “ông anh” tiếp tục nhập hội nhưng bị từ chối, gã lấy trộm luôn chiếc điện thoại. Chính lần “đi săn” tìm gã, Học đã gặp được chị Phạm Ngọc Dung (xã Thạch Bàn, Gia Lâm, người mới bị chồng bỏ) đang bán vé số ở cổng Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Quang Học cho biết: “Qua hỏi han và được “bà chị” mô tả, mình biết Dung có quen tên trộm kia nên nhờ nếu nhìn thấy thì báo. Mình cũng xin số điện thoại của chị Dung để tiện trao đổi thông tin. Qua vài lần gặp gỡ, mình đã quý Dung, dù lúc đó biết hoàn cảnh của người phụ nữ mới chia tay chồng. Khi ấy mình còn gọi bằng chị, Dung hơn mình bốn tuổi cơ mà”.
Đang sống trong trống vắng, vừa lúc có người quan tâm nên chị Dung cũng dần quý và thương người đàn ông “vừa ở tù về”! Những lần hẹn nhau đi uống cà phê, Học thật thà, tâm sự hết về quá khứ lầm lỗi của mình. Dung lại quá mệt mỏi với người chồng trước nên vẫn giữ kín. Sau mưa dầm thấm lâu, chị cũng thể hiện cảm xúc, thổ lộ chuyện gia đình và hai người quyết định về ở với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, chẳng làm đám cưới. Học bảo với người yêu: “Em ở với anh là khổ lắm đấy”, Dung cười: “Chúng mình khỏe mạnh, có tay chân đầy đủ lo gì không sống được. Anh yên tâm đi”. Hai người bảo ban nhau, vợ tiếp tục bán vé số, chồng mở rộng tiếp thị xăm nghệ thuật, thu từng đồng bạc lẻ. Nhưng phải đến khi đầy tháng đứa con chung, Học và Dung mới đăng ký kết hôn, chính thức thành vợ chồng. Hỏi chuyện, chị Dung tâm sự: “Thú thật, lúc đầu nhìn thấy anh Học, tôi tự bảo: “Khiếp, người gì mà trông dữ tợn!”. Thế rồi, qua tiếp xúc, tôi nhận ra anh ấy rất biết điều. Tôi tin Học có bản lĩnh nên mới gắn đời mình với anh ấy. Chúng tôi lại sinh được con dù tôi đã ở tuổi 42”. Đang ôm đứa con nhỏ trên tay, Học chen vào, cười khơ khớ: “Mình không bao giờ dính dáng đến trộm cắp hay thuốc phiện. Và giờ mình được lộc là người vợ đảm đang và cục cưng kháu khỉnh này đây…”.
Đoạn tuyệt
Từ khi có vợ, Học đã đoạn tuyệt hẳn với thế giới giang hồ, dù vẫn có kẻ đến lôi kéo. Lúc nào anh cũng chỉ nghĩ đến việc làm sao để có tiền bằng công việc lương thiện và sức lực của bản thân. Căn nhà xập xệ bố mẹ để lại giờ đã trở thành ngôi nhà hai tầng khang trang, sạch sẽ. Học trở về đúng nghĩa là người đàn ông… lành như cục đất và hết mực yêu thương vợ. Đi đâu anh cũng mang vợ theo. Ra ngoài đường, nhìn thấy ai có quần áo đẹp, về là phải đưa vợ đi mua ngay. Buổi tối, Học ở nhà, không tụ tập rượu chè, chừng 19 giờ là không đóng cửa nghỉ việc. Hàng xóm bảo Dung là “túi đựng tiền” của chồng và tình yêu của chị đã cứu anh, nếu không có tình yêu ấy thì chẳng ai dám chắc Học sẽ tu chí, thoát được sự bủa vây của cõi giang hồ tăm tối.
Sáu năm qua, ngoài làm nghề, tìm tòi và học hỏi những mẫu hình mới, Học cũng đào tạo, dạy nghề cho khoảng 60 người và đa số họ đã có thể đi làm. Anh còn bỏ công nghiên cứu kỹ thuật truyền thần là hình thức xăm vô cùng tỉ mỉ mà không phải ai cũng làm được nên khách đến mỗi ngày thêm đông. “Giờ muốn không dính dáng đến bất kỳ điều gì, nên ai bảo đi ra khỏi nhà để xăm thì có chi nhiều tiền đến mấy mình cũng… “bái bai”! Mấy cú khuân đồ xăm ra khỏi nhà cho mình kinh nghiệm rồi. Thói đời thật khó lường, ai mà biết phía sau họ có những ẩn họa gì. Cái lẽ sống của mình giờ là lương thiện, biết mình biết người, dừng lại đúng lúc. Mình sinh năm 1975, đường đời còn dài lắm!”, nói xong Học lại cười, cười thật hiền.
Khi trở về địa phương, anh Học vẫn lang thang ở bến xe để “quảng cáo” kỹ thuật xăm của mình, cũng chưa được làm hộ khẩu, cuộc sống vất vả vô cùng. Công an phường chúng tôi cũng phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện để anh Học có hộ khẩu. Với quyết tâm của bản thân, anh đã “cai” được ma túy, thói hung hăng để trở thành một người tốt. Rồi anh tự tích cóp tiền, một mình xây nên căn nhà khá đẹp, cùng vợ xây tổ ấm hạnh phúc. Anh là tấm gương cho những người lầm lỡ khác noi theo. Thượng úy Lê Văn Biển (Công an khu vực, phường Đức Giang) |