Giết vợ cũ vì không được thăm con

(Dân trí) - Cho rằng bị vợ cũ gây khó khăn trong lúc thăm con (do vợ cũ nuôi dưỡng), bị cáo giận nên dùng dao đe dọa nhưng “lỡ tay” làm nạn nhân tử vong. Vậy là, mẹ chết, cha vào tù, còn cháu nhỏ ở lại bơ vơ…

Mẹ chết, cha đi tù, con nhỏ bơ vơ

Ngày 12/5, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bác kháng cáo tuyên y án 15 năm tù đối với bị cáo Phạm Xuân Linh (sinh năm 1981, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) về tội “giết người”.

Trước đó, bị cáo Linh bị TAND TPHCM tuyên phạt 15 năm tù cùng tội danh trên. Sau bản án sơ thẩm, đại diện gia đình bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo Linh.

Bị cáo Linh tại tòa
Bị cáo Linh tại tòa

Theo cáo trạng, năm 2012, Linh và chị Dung li hôn, chị Dung nhận quyền nuôi con. Chị Dung hay gây khó dễ mỗi khi Linh đến thăm con nên hai người xảy ra mâu thuẫn.

Sáng 10/5/2015, Linh đến đón con đi chơi thì hai người cãi nhau. Linh về nhà thay bộ đồ jeans (giống đồng phục công nhân điện), mang theo túi xách màu đen (bỏ dao, băng keo và một số dụng cụ khác). Sau đó, Linh đội nón bảo hộ lao động, đeo kính đen, khẩu trang, chạy xe máy đến nhà vợ cũ. Đến nơi, Linh gọi cửa, yêu cầu sửa điện trên lầu 1.

Chị Dung mở cửa cho Linh vào nhà. Tại phòng ngủ lầu 1, Linh lấy dao kề vào cổ, uy hiếp chị Dung. Lưỡi dao cắt trúng cổ chị Dung gây thương tích. Hàng xóm nghe tiếng kêu liền báo lực lượng dân phòng. Nghe tiếng gọi cửa, chị Dung xông ra kêu cứu. Linh ôm vật chị Dung xuống sàn nhà. Chưa dừng lại, Linh ngồi đè lên người vợ cũ, tay nắm hai vai đập mạnh đầu chị này xuống sàn nhà.

Sau khi nạn nhân bất tỉnh, Linh xuống nhà mở cửa thì bị bảo vệ dân phố giữ lại. Mọi người phát hiện và đưa chị Dung đi cấp cứu. Đến tối cùng ngày thì nạn nhân tử vong.

Linh khai nhận do ấm ức vì bị vợ cũ xúc phạm nên nảy sinh ý định đe doạ. Khi khống chế, Linh chỉ muốn đối phương im lặng chứ không nghĩ đến hậu quả như trên.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, tuy nhiên, cháu bé đã mất mẹ nên xem xét khoan hồng để bị cáo có cơ hội về nuôi con, bản án sơ thẩm đã xem xét toàn diện. Vì vậy, HĐXX quyết định bác kháng cáo tuyên y án đối với bị cáo Linh.

Nghĩ về con nhỏ, bị cáo khóc nức nở tại tòa
Nghĩ về con nhỏ, bị cáo khóc nức nở tại tòa

Người ở lại giành quyền nuôi cháu nhỏ

Tại phiên tòa phúc thẩm vụ án giết người nhưng vấn đề “nóng” nhất được nhiều người liên quan tranh cãi lại là việc… ai được quyền nuôi cháu nhỏ, con của bị hại và bị cáo.

Người đại diện của gia đình bị hại là ông Hai (cha chị Dung) không có mặt tại tòa mà ủy quyền cho người khác thay mình tham gia phiên tòa.

Tuy nhiên, người cậu của bị hại phản đối người ủy quyền này. Ông Hùng (cậu ruột bị hại) trình bày: Chính ông là người bỏ chi phí ra để lo mai táng cho chị Dung chứ không phải cha nạn nhân. Ông có đủ khả năng về tài chính và sự hiểu biết nên ông mong muốn được nuôi dưỡng cháu bé đến tuổi trưởng thành.

Trước đó, việc xác định ai là ông ngoại của cháu Tường (con bị hại và bị cáo) cũng là câu chuyện rất phức tạp và phải được xác định bằng một bản án khác.

Sau khi chị Dung mất, ông Hai (sinh năm 1945, ngụ tỉnh Tiền Giang) bỗng dưng xuất hiện và nhận là cha của chị Dung. Ông đã đề nghị xét nghiệm ADN để xác định cha con giữa ông và chị Dung. Kết quả giám định sau đó một tháng đã xác định ông Hai là cha đẻ của chị Dung. Ngày 24/9/2015, TAND tỉnh Tiền Giang xác nhận ông Hai là cha đẻ chị Dung.

Tuy nhiên, ông Hùng bức xúc: “Chúng tôi không biết ông Hai là ai và tại sao sau khi Dung chết ông ấy mới xuất hiện. Phải chăng ổng muốn “hưởng chung” tài sản thừa kế của cháu Tường? Tôi không tranh giành tài sản, chỉ mong ông ấy vì quyền lợi của con bé mà mang trả cháu lại cho chúng tôi nuôi dưỡng”.

Không khí trong phòng xử lúc này còn căng thẳng hơn cả khi tòa mô tả lại vụ giết người khi xét xử bị cáo Phạm Xuân Linh.

Thấy những người liên quan phản ánh vấn đề không hề liên quan đến vụ án đang xét xử, chủ tọa phải giải thích: tòa chỉ xử vụ án hình sự, còn việc xác định ai là người giám hộ của cháu bé, nếu hai bên không thống nhất được thì có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.

Mọi người trong phòng xử im bặt. Còn bị cáo Linh thì gục mặt xuống vành móng ngựa bật khóc: “Bị cáo không hề có ý muốn hại cô ấy, chỉ vì một phút nóng giận mà để con phải mất mẹ, mất cha. Lúc này nghĩ đến con bị cáo thấy ân hận vô cùng…”.

Xuân Duy