Gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ bị xử lý như thế nào?
(Dân trí) - Theo luật sư, gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Giáo dục 2019.
Một bạn đọc hỏi: Vừa qua tôi thấy báo chí đưa tin về việc công an triệt phá nhiều đường dây cung cấp thiết bị gian lận thi cử siêu nhỏ. Vậy, xin quý báo cho biết thế nào bị gọi là có hành vi gian lận trong thi cử và nếu thực hiện hành vi này thì bị xử lý như thế nào?
Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Phạm Thảo, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, xin tư vấn trả lời như sau:
Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Giáo dục 2019. Tùy từng hành vi gian lận, mức độ gây thiệt hại của hành vi mà pháp luật quy định các chế tài xử lý khác nhau với người thực hiện hành vi vi phạm.
Cụ thể, tại Điều 14 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP có quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về thi như sau:
Đối với hành vi mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài bị xử phạt với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Đối với hành vi đánh tráo bài thi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
Đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
Đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm bị xử phạt với mức phạt từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi gian lận trong thi cử có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gian lận trong thi cử với các tội danh như:
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm (Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015); Tội lạm quyền khi thi hành công vụ với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù; Tội nhận hối lộ với khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015);…
Chủ thể bị có hành vi gian lận trong thi cử có thể là thí sinh, giáo viên coi thi hoặc những người trong hội đồng chấm thi, tùy theo mức độ và hành vi thì người thực hiện hành vi gian lận có thể bị áp dụng thêm các biện pháp khác để khắc phục hậu quả do mình gây ra.
Đối với trường hợp phát hiện hành vi gian lận thi cử sau khi đã kết thúc kỳ thi và trúng tuyển thì ngoài bị phạt tiền theo quy định tại điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP thì còn bị áp dụng một hoặc một số các biện pháp khắc phục hậu quả như:
Khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi viết thêm, sửa nội dung bài thi; Hủy bỏ kết quả thi không đúng quy định; chấm lại bài thi; Chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được.