1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Gian lận thi cử Sơn La: "Ẩn số" người nâng điểm môn tự luận cho thí sinh(?)

(Dân trí) - Cơ quan điều tra đã xác định được rõ hành vi cũng như thủ đoạn nâng điểm cho các thí sinh ở các môn trắc nghiệm, nhưng với môn tự luận, ai là người trực tiếp chấm nâng điểm vẫn đang là ẩn số.

Gian lận thi cử Sơn La: Ẩn số người nâng điểm môn tự luận cho thí sinh(?) - 1

Toàn cảnh phiên xét xử sáng 22/5.

Ngày 22/5, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục xét xử 12 bị cáo trong vụ gian lận điểm kỳ thi THPT năm 2018 tại địa phương này.

Lòng tốt "bất ngờ" của cựu hiệu phó trường THPT Tô Hiệu

Trước đó, trong phiên xử chiều 21/5, HĐXX thẩm vấn lần lượt các bị cáo để làm rõ thủ đoạn, cách thức đưa và nhận thông tin thí sinh để can thiệp bài thi, nâng điểm.

Đáng chú ý, tại phần xét hỏi, bị cáo Đặng Hữu Thủy (cựu hiệu phó trường THPT Tô Hiệu) có một số lời khai khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Gian lận thi cử Sơn La: Ẩn số người nâng điểm môn tự luận cho thí sinh(?) - 2

Bị cáo Đặng Hữu Thuỷ (Ảnh: Trần Thanh).

Thuỷ khai, ngày 28/6/2018, Thủy nhận của bà Nguyễn Thị K. (kế toán trường THPT Tô Hiệu) thông tin của thí sinh Đ.V.Q. để nâng điểm ba môn.

Thủy nhận của bà Bùi Thị X. (cán bộ chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La) thông tin của thí sinh P.S.T. nâng điểm để xét tuyển vào trường Công an nhân dân. Thủy cũng nhận của bà Nguyễn Thị X. (giáo viên trường THCS Mường Bằng) thông tin của thí sinh V.H.L. để nâng điểm xét tuyển vào Đại học y Hà Nội.

Ngoài ra, ngày 3/7, Thủy còn nhận của bà Nguyễn Thị Mai H. (giáo viên trường THPT Tô Hiệu) thông tin của thí sinh L.T.H. để nâng điểm xét tuyển vào Đại học Kinh tế quốc dân.

Kết quả, Thủy cùng các bị cáo khác trực tiếp can thiệp, tẩy xóa bài thi để nâng điểm cho 44 thí sinh, trong đó có 4 người nêu trên.

Khai tại tòa, Thủy thừa nhận việc nhận thông tin của 4 thí sinh. Tuy nhiên, theo cựu hiệu phó này, khi nhờ chuyển thông tin, các phụ huynh chỉ nhờ xem điểm cho con em của họ.

Thế nhưng, Thủy lại hiểu sai ý rằng, họ muốn nhờ nâng điểm, vì thế bị cáo đã can thiệp vào bài để nâng điểm luôn. Đặc biệt, dù chỉ nhờ xem điểm nhưng lời khai của Thủy cho thấy những phụ huynh này lại “cảm ơn" bị cáo cả trăm triệu đồng.

Trong đó, Thủy khai nhận của bà K. 150 triệu đồng, bà H. 150 triệu, bà X. 200 triệu đồng. Đây là tiền cảm ơn để nâng điểm cho thí sinh.

Chưa hết, bà X. có hứa hẹn sau khi giúp nâng điểm sẽ đưa cho Thủy 270 triệu đồng nhưng tới nay Thủy chưa nhận được số tiền này. Ngày 24/7, Thủy trả lại toàn bộ số tiền trên cho gia đình các thí sinh.

Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, bốn vị phụ huynh đều không thừa nhận việc hứa hẹn, đưa tiền cho Thủy. Do đó, ngoài lời khai của Thủy, cơ quan công an xác định không có tài liệu, chứng cứ nào khác nên không đủ căn cứ quy kết Thủy về tội nhận hối lộ.

Chưa xác định được ai là người trực tiếp nâng điểm môn tự luận!

Trong vụ án này, việc sửa chữa bài thi và nâng điểm được thực hiện với cả các môn thi trắc nghiệm cũng như môn thi tự luận. Các bị cáo đã can thiệp, sửa chữa bài thi để nâng điểm cho 44 thí sinh, người cao nhất lên tới 26,55 điểm.

Với các môn trắc nghiệm, cơ quan tố tụng đã xác định rõ thủ đoạn cũng như thủ phạm tác động vào các bài thi. Nhưng với môn tự luận, ai là người trực tiếp chấm nâng điểm cho các thí sinh vẫn là "ẩn số" (?!).

Gian lận thi cử Sơn La: Ẩn số người nâng điểm môn tự luận cho thí sinh(?) - 3

Bị cáo Trần Xuân Yến (Ảnh: Trần Thanh).

Theo cáo trạng truy tố, để có thể nâng điểm khi chấm bài thi ngữ văn, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên phòng khảo thí) là người trực tiếp hướng dẫn bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục) và Phạm Đăng Q. (Phó giám đốc Sở GD&ĐT) sử dụng phần mềm lập khóa phách vòng 1 và vòng 2. Sau đó nhóm này tra tìm khóa phách để tìm thí sinh cần nâng điểm theo danh sách đã nhận, rồi tìm bài thi của thí sinh đó nhằm chấm nâng điểm.

Kết quả điều tra xác định trong 44 thí sinh nhờ nâng điểm có 36 thí sinh tham dự môn ngữ văn. Khi Bộ GD&ĐT về kiểm tra, tổ công tác đã chấm thẩm định ngẫu nhiên 110 bài thi, trong đó có 11/36 thí sinh nêu trên.

Tuy nhiên, để có căn cứ xác định điểm thi của các thí sinh nhờ nâng điểm, cơ quan điều tra đề nghị Bộ GD&ĐT chấm thẩm định tiếp số thí sinh còn lại. Kết quả có 13/36 thí sinh bị hạ điểm môn ngữ văn.

Trong số bị hạ điểm, 6 thí sinh nằm trong 12 thí sinh các bị cáo Nga, Lò Văn Huynh (cựu trưởng phòng khảo thí), Nhàn cung cấp khóa phách nhờ nâng điểm. 7 người còn lại đến nay không xác định được ai là người đã cung cấp khóa phách, tác động nâng điểm.

Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh đối với 7 thành viên ban thư ký và 21 cán bộ, giáo viên tham gia tổ chấm thi tự luận để làm rõ các sai phạm liên quan các bài thi bị hạ điểm nêu trên.

Tuy nhiên, các cán bộ, giáo viên chấm bài chỉ thừa nhận chấm sai do chấm ẩu, chấm thoáng, chấm đón ý chứ không được ai tác động để chấm nâng điểm cho thí sinh. Ngoài lời khai của Huynh, cơ quan công an xác định không có căn cứ nào khác chứng minh các giáo viên chấm thi câu kết để nâng điểm.

Như vậy, cho đến nay, việc xác định, ai là những người trực tiếp chấm nâng điểm tự luận cho các thí sinh tại vụ án này vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải đáp!

Trần Thanh