Nghệ An:
Giám đốc nhờ giang hồ “xử” người đòi nợ lĩnh 30 tháng tù giam
(Dân trí) - Với hành vi “gây rối trật tự công cộng” và “không tố giác tội phạm”, nguyên giám đốc Công ty Cosveco Phạm Viết Văn bị tuyên phạt tổng cộng 30 tháng tù giam. Bản án này đã nhận sự phản đối dữ dội từ phía người nhà nạn nhân Nguyễn Quang Hạnh.
Chiều ngày 2/7, TAND tỉnh Nghệ An đã ra phán quyết cuối cùng cho các bị cáo trong vụ án người lao động bị đâm chết khi đến trụ sở chi nhánh công ty xuất khẩu lao động để đòi tiền đặt cọc.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, Phạm Viết Văn là giám đốc Công ty Cosevco chi nhánh Nghệ An. Công ty này chỉ được phép tuyển lao động đi xuất khẩu sang Malaixia. Văn đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty Cp và phát triển Sona, đặt văn phòng tại Chi nhánh Công ty Cosevco . Công ty này cũng chỉ được phép tuyển lao động đi xuất khẩu sang Malaixia. Tuy vậy, công ty này lại làm dịch vụ visa và vé máy bay sang Angola.
Anh Nguyễn Quang Hạnh (SN 1977, trú tại Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An) nộp 5.500 USD cho Công ty Cosevco tại Nghệ An để xuất khẩu lao động sang Angola. Quá thời hạn cam kết nhưng phía công ty không đưa anh Hạnh sang Angola nên anh này đến đòi lại số tiền đã đặt cọc nhưng phía công ty mới chỉ trả được 3.000 USD. Sáng ngày 21/1/2013, anh Hạnh cùng bố là Nguyễn Quang Minh đến trụ sở chi nhánh Công ty Cosevco để yêu cầu công ty trả nốt số tiền đặt cọc.
Khi biết bố con anh Hạnh đến để đòi tiền, Phạm Viết Văn (SN 1974, trú tại Tp Vinh) - Giám đốc chi nhánh Công ty Cosevco chỉ đạo Lê Văn Trọng (SN 1961), Nguyễn Văn Thanh (SN 1963), Cù Hoàng Oai (SN 1987) gọi điện để nhờ Hồ Duy Ngà (SN 1970, trú tại Tp Vinh) đến đuổi bố con anh Hạnh ra khỏi công ty.
Hồ Duy Ngà gọi cho Ngô Quang Hưng (SN 1970), Phạm Văn Nguyên (SN 1991), Nguyễn Văn Hoàn (SN 1991), Tôn Thất Hoàng (SN 1989) vào công ty để bắt bố con anh Hạnh ra ngoài. Tuy nhiên, khi đến nơi, sợ ông Minh “ăn vạ” nên nhóm của Hưng hơi do dự. Qua điện thoại, Văn chỉ đạo cho Oai “Bảo anh Thắng (tức Ngà) vào lôi cổ ra dọa cho một trận”.
Sau khi “mời” anh Hạnh ra quán cà phê nói chuyện không được, nhóm của Nguyên kéo anh này ra ngoài bậc thềm công ty để đánh. Ông Minh dùng mũ bảo hiểm đánh Nguyên để giải thoát cho con trai nhưng bị Hải giữ lại. Anh Hạnh vùng bỏ chạy thì vấp vào người Nguyên và bị Nguyên đâm một nhát vào lưng. Được đưa đi cấp cứu nhưng anh Nguyễn Quang Hạnh tử vong trên đường tới bệnh viện do bị đâm đứt mạch máu phức tạp vùng rốn phải khiến bị mất máu không thể phục hồi.
Sau đó, Oai đã gọi điện báo cáo tình hình cho Phạm Viết Văn, Văn nói sẽ đến bệnh viện nơi anh Hạnh được đưa tới cấp cứu để giải quyết. Tuy nhiên Văn không đến bệnh viện mà đi về nhà mình.
Phạm Văn Nguyên bị truy tố tội giết người. Giám đốc chi nhánh Công ty Cosevco Phạm Viết Văn bị truy tố 2 tội danh “gây rối trật tự công cộng” và tội “không tố giác tội phạm”. Liên quan tới vụ án này có 9 đối tượng bị truy tố các tội danh “gây rối trật tự công cộng”, “che giấu tội phạm” và “không tố giác tội phạm”.
Trong suốt phiên tòa, Phạm Viết Văn không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã nêu. Văn cho biết chỉ nhờ người đến “dàn xếp” chuyện của anh Hạnh chứ không nhờ đến để đánh nạn nhân. “Nếu không có chỉ đạo của bị cáo, các bị cáo khác có gọi người đến mời anh Hạnh ra khỏi công ty không?”, đại diện Viện KSND hỏi. Phạm Viết Văn trả lời: “Tôi không biết”!
Đại diện gia đình người bị hại không đồng ý với tội danh mà Phạm Viết Văn bị truy tố. Họ cho rằng, Văn là người chủ mưu, gọi người khác đến nhằm đánh anh Hạnh nên đã gây ra cái chết cho nạn nhân nên phải truy tố Văn tội giết người chứ không thể là gây rối trật tự công cộng như cáo trạng đã nêu.
Sau thời gian nghị án, HĐXX nhận định: Từ sự chỉ đạo của Văn, Trọng nên đã nhờ các đối tượng ngoài xã hội, không phải là người có chức vụ, trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh trật tự của công ty đến để giải quyết sự việc nên đã gây ra cái chết cho anh Nguyễn Quang Hạnh. Trong quá trình xét xử, Phạm Viết Văn không thành khẩn khai báo, nhận thức pháp luật lệch lạc nên cần phải chịu trách nhiệm chính, cần phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. HĐXX tuyên phạt Phạm Viết Văn 2 năm tù giam về tội gây rối trật tự công cộng, 6 tháng tù về tội che giấu tội phạm. Tổng hợp cả hai tội danh, Phạm Viết Văn phải thi hành 30 tháng tù giam.
Với hành vi giết người, Phạm Văn Nguyên phải lĩnh mức án 15 năm tù giam. Ngoài ra, Nguyên phải có trách nhiệm chu cấp mỗi tháng 600 nghìn đồng/tháng/cháu đối với 2 con nạn nhân đến khi các cháu trưởng thành, chu cấp 300 nghìn đồng/tháng/người đối với bố, mẹ của anh Hạnh.
Hồ Duy Ngà và Nguyễn Quang Hưng mỗi bị cáo bị tuyên phạt 2 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng, 1 năm tù về tội không tố giác tội phạm. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 12-15 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng, 6-9 tháng về tội không tố giác tội phạm. Hai nhân viên của Phạm Viết Văn là Lê Văn Trọng, Nguyễn Văn Hoàng bị tuyên phạt 15 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng.
Trong vụ án này có Đặng Thị Hồng Nhung (SN 1984) - bạn gái của Hưng, mặc dù biết Nguyên và đồng bọn đâm chết anh Hạnh nhưng đã cho Hưng, Nguyên, Hoàn, Hoàng nghỉ tại phòng trọ, sau đó cùng Hưng đi thuê địa điểm để các đối tượng trốn tránh pháp luật nên bị truy tố tội che giấu tội phạm và bị tuyên phạt 6 tháng tù treo, thử thách 12 tháng. Lê Văn Hải (SN 1989) bị tuyên phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 12 tháng về tội không tố giác tội phạm.
Không đồng tình với phán quyết của Tòa án về mức án dành cho Giám đốc chi nhánh Công ty Cosveco Phạm Viết Văn, thân nhân người bị hại đã tập trung trước cổng tòa án la hét, phản đối. Đại diện người bị hại cho biết họ sẽ kháng cáo lên TAND tối cao đề nghị xem xét lại hành vi phạm tội của Phạm Viết Văn.
Hoàng Lam