1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Giả mạo chữ ký và con dấu Cục Con nuôi để hợp thức hồ sơ

(Dân trí) - Bộ Tư pháp đã phát hiện trường hợp giả mạo chữ ký và con dấu của Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) để yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính văn bản này, nhằm “hợp thức hóa” hồ sơ nhận con nuôi do phía Hoa Kỳ giải quyết.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thắc mắc về việc Bộ Tư pháp có văn bản số 413 ngày 16/5/2017 hướng dẫn trường hợp người yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi nước ngoài đối với trường hợp người nước ngoài nhận trẻ em tại Việt Nam làm con nuôi (do UBND cấp tỉnh giải quyết).

Theo hướng dẫn tại văn bản này thì phải trực tiếp gửi bản chụp văn bản cho Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) để kiểm tra và sau khi có ý kiến của Cục mới thực hiện chứng thực.

“Như vậy, vô tình đã gây khó khăn cho người dân, cho người tiếp nhận bản sao và không đúng với quy định của pháp luật cũng như tinh thần cải cách hành chính”-UBND tỉnh Thừa Thiên thắc mắc.

Trả lời vấn đề trên, Bộ Tư pháp cho biết Công văn số 413 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực hướng dẫn quán triệt việc thực hiện chứng thực Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi nước ngoài.

“Hiện nay, có nhiều trẻ em đi du học tại Hoa Kỳ, được công dân Hoa Kỳ nhận là con nuôi và do Tòa án cấp bang của Hoa Kỳ giải quyết. Bộ Tư pháp không cấp Giấy chứng nhận đối với việc nuôi con nuôi này. Do vậy, trên thực tế xảy ra một số trường hợp cá nhân đã sử dụng Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi nước ngoài giả mạo chữ ký và con dấu của Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp để yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính văn bản này, nhằm “hợp thức hóa” hồ sơ nhận con nuôi do phía Hoa Kỳ giải quyết”- văn bản của Bộ Tư pháp cho hay.

Để bảo đảm tuân thủ nghiêm pháp luật về chứng thực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chứng thực, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đã đề nghị Sở Tư pháp quán triệt, chỉ đạo tất cả cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực (UBND cấp xã, Phòng Tư pháp, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh) không chứng thực bất kỳ Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi nước ngoài nào đối với trường hợp con nuôi do cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ giải quyết, như đã nêu trên.

Trường hợp yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi nước ngoài đối với trường hợp người nước ngoài nhận trẻ em tại Việt Nam làm con nuôi (do UBND cấp tỉnh giải quyết), cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực gửi bản chụp văn bản cho Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực) để kiểm tra và sau khi có ý kiến của Cục mới thực hiện chứng thực theo quy định.

Bộ Tư pháp khẳng định, đây là biện pháp xử lý tình huống phát sinh gần đây trên thực tế, không phải là quy định pháp luật tạo ra thủ tục hành chính mới.

Việc hướng dẫn nội dung này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân, đặc biệt cho trẻ em được nhận làm con nuôi, kịp thời ngăn chặn các hậu quả pháp lý nghiêm trọng, các tình huống xấu, rủi ro xảy ra do xuất phát từ việc sử dụng giấy tờ giả mạo, bảo đảm trật tự kỷ cương xã hội.

Thế Kha