1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam

Gia hạn điều tra vụ án đại gia Bạch Diệp

(Dân trí) - Ngày 9/1, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã gia hạn điều tra lần 3 đối với vụ án xảy ra tại Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương và các đơn vị liên quan tại TPHCM. Thời gian gia hạn điều tra là 4 tháng.

Đại gia Bạch Diệp nợ hơn 5.000 tỷ đồng

Sau 3 lần gia hạn điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố tổng cộng 8 bị can với nhiều tội danh khác nhau. Đáng chú ý có bị can Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM).

Gia hạn điều tra vụ án đại gia Bạch Diệp - 1
Bị can Dương Thị Bạch Diệp tại cơ quan điều tra

Trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Huỳnh Kim Phát (cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM) cùng 2 bị can khác về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Quá trình mở rộng điều tra vụ án Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc công ty Diệp Bạch Dương) lừa đảo chiếm đoạt tài sản và một số đơn vị liên quan, lực lượng chức năng phát hiện sai phạm của các bị can trên. Tài liệu điều tra xác định các bị can đã có hành vi vi phạm quy định về quản lý, hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hóa TPHCM với công ty Diệp Bạch Dương, gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

Bị can Dương Thị Bạch Diệp được biết đến rộng rãi khi chi gần 1,4 triệu USD để mua chiếc xe siêu sang Rolls Royce Phantom biển số 77L-7777 vào năm 2008. Thời điểm đó, đây mới là chiếc Phantom thứ 6 được nhập về Việt Nam và có giá trị cao nhất thị trường.

Bà Dương Thị Bạch Diệp, quê gốc Bình Định nhưng sinh ra, học hành, lập gia đình và làm việc tại Hải Phòng. Sau năm 1975, bà vào Nam bắt đầu lập nghiệp và từng bước được biết đến là đại gia bất động sản. Công ty Diệp Bạch Dương trong vụ án có vốn điều lệ hơn 905,6 tỷ đồng. Trong đó, bà Diệp chiếm 57,54% vốn, phần còn lại 42,46% là của con gái.

Bị can Diệp sau khi bị bắt tạm giam được cơ quan điều tra di lý ra Trại giam T16, Bộ Công an (Hà Nội) để phục vụ điều tra. Quá trình điều tra, bà Diệp có 3 luật sư hỗ trợ tố tụng.

Được biết, bị can Diệp hiện có khoản nợ lên đến 5.000 tỷ đồng đối với một ngân hàng. Trong đó, 2.000 tỷ đồng tiền gốc, còn lại là lãi tạm tính. Khoản vay này được bị can Bạch Diệp thế chấp nhiều tài sản, trong đó có một tài sản liên quan trong vụ án. Hiện khả năng tài sản chỉ đảm bảo trả nợ một phần, còn lại có thể là nợ khó đòi.

Cựu Phó chánh Văn phòng UBND TPHCM từng bị kiến nghị xử lý

Gia hạn điều tra vụ án đại gia Bạch Diệp - 2
Bị can Huỳnh Kim Phát.

Trước khi bị khởi tố trong vụ án này, bị can Huỳnh Kim Phát đã bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có hình thức kỷ luật hành chính. Theo cơ quan điều tra, bị can Phát đã có hành vi tham mưu cho lãnh đạo UBND TPHCM dẫn đến sai phạm tại khu đất 8 - 12 Lê Duẩn.

Bị can Huỳnh Kim Phát đã có hành vi tham mưu, đề xuất cho bị can Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM) duyệt, ký công văn số 2556/UBND-ĐTMT ngày 2/5/2011, giao Sở Tài chính duyệt giá đất và Sở Tài nguyên & Môi trường thực hiện thủ tục ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất tại 8 - 12 Lê Duẩn. Tham mưu, đề xuất cho Nguyễn Thành Tài duyệt, ký quyết định số 3030/QĐ-UBND ngày 14/6/2011, về việc giao và cho thuê đất tại số 8 -12 Lê Duẩn.

Cơ quan điều tra cho rằng hành vi của bị can Huỳnh Kim Phát là làm theo các ý kiến chỉ đạo, chủ trương có từ trước nên chưa đủ căn cứ xử lý hình sự. Từ đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có hình thức kỷ luật hành chính.

Ngoài bị can Huỳnh Kim Phát, cơ quan điều tra cũng kiến nghị xử lý hàng loạt cán bộ tại TPHCM.

Xuân Duy