1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Sóc Trăng:

Gặp người được thả sau 7 tháng ngồi tù oan

(Dân trí) - Đang sống yên ổn, 6 thanh niên và 1 cô gái bị công an mời rồi ra lệnh bắt tạm giam. Hơn nửa năm sau, có 2 cô gái ra tự thú, khai nhận giết người nên 7 bị can được thả về.

Cuộc bắt giam bất ngờ

Báo Dân Trí ngày 6/7/2013 đã phản ánh vụ giết anh lái xe ôm dã man xảy ra tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Theo đó, khoảng 4h sáng 6/7/2013, một số người dân ở khu vực cầu Kênh II thuộc ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) phát hiện thi thể anh Lý Văn Dũng (43 tuổi), hành nghề xe ôm, thường trú tại ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề. Xe nạn nhân nằm cách đó khoảng vài trăm mét. Khám nghiệm thi thể anh Dũng, cơ quan phát hiện, nạn nhân bị đâm 7 nhát dao, trong đó có vết đâm vào vùng ngực và đâm từ trên đỉnh đầu.

Đoạn đường nơi anh  Dũng bị sát hại
Đoạn đường nơi anh  Dũng bị sát hại

Theo nhận định ban đầu của cơ quan điều tra, có thể anh Dũng bị đâm lúc đang điều khiển xe nên phải bỏ xe chạy đi kêu cứu, nhưng giữa đêm khuya, lại ở chỗ đồng vắng, nên không ai biết. Đến trước cổng nhà một người dân cách chầu Kênh II khoảng 20m thì nạn nhân gục xuống. Đáng lưu ý, kẻ giết anh Dũng không nhằm mục đích cướp của, bởi xe gắn máy, điện thoại di động, bóp ví của nạn nhân vẫn còn nguyên vẹn.

Ngay sau khi xảy ra vụ án, cơ quan điều tra công an huyện Trần Đề và công an tỉnh Sóc Trăng vào cuộc và phát hiện trước lúc bị giết, anh Dũng chở 2 thanh niên, trong đó có người mới được tha tù về tội che giấu tội phạm. Mở rộng điều tra, cảnh sát biết thông tin anh Dũng từng bị nhóm thanh niên địa phương không cho đưa rước những cô gái làm tiếp viên quán ăn.

Xâu chuỗi các nghi vấn, Công an Sóc Trăng bắt tạm giam Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc và Thạch Sô Phách (cùng ngụ huyện Trần Đề) để điều tra hành vi “Giết người”. Riêng Nguyễn Thị Bé Diễm (27 tuổi, quê Hậu Giang, ngụ thị trấn Lịch Hội Thượng) bị tạm giam về hành vi “Không tố giác tội phạm”. Tại cơ quan điều tra, ban đầu, các bị can không nhận tội nhưng sau đó đã nhận tội như kết luận của cơ quan điều tra.

Với hồ sơ như thế, cứ nghĩ vụ án đã đi vào hồi kết, cơ quan SCSĐT có thể hoàn tất hồ sơ, chuyển Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố các bị can trước pháp luật. Song, một tình tiết mới xuất hiện, làm thay đổi tính chất vụ án. Đó là vào giữa tháng 12/2013, Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đến Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM đầu thú, thừa nhận chính Duyên và Nguyễn Kim Xuyến (ngụ thị trấn Trần Đề-huyện Trần Đề) đã giết ông Dũng với ý định cướp tài sản nhưng không thành.

Sau khi bỏ trốn lên TPHCM, do Xuyến có tình cảm với người khác nên Duyên đâm ra ghen tuông (Duyên và Xuyến là người đồng tính). Để trả thù, Duyên đi đầu thú với mong muốn cả hai cùng bị bắt giữ và cùng được ở bên nhau. Cả Duyên và Xuyến đều bị tạm giam để phục vụ điều tra.

Lời khai của Duyên và Xuyến cho biết, cả hai người thường xuyên được anh Dũng chở đi làm ở các quán nhậu nên có quen biết. Rạng sáng 6/7/2013, cả hai chuẩn bị dao, gọi điện nhờ anh xe ôm chở đi làm. Khi đi đến đoạn đường vắng, họ ra tay sát hại Dũng để cướp tài sản. Nhưng sau khi bị đâm, anh Dũng bỏ chạy và tri hô nên cả hai sợ bị phát hiện, phải ném dao xuống ao ở khu vực gây án rồi bỏ đi mà chưa lấy được gì.

Sau khi đầu thú, cả Duyên và Xuyến được cơ quan công an di lý về Sóc Trăng để tiếp tục điều tra, làm rõ. Từ lời khai của Duyên, ngày 20/12, Công an tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức tát ao, mò hung khí được cho là liên quan đến vụ án giết anh Dũng. Khi được đưa đến hiện trường, Diễm chỉ xuống ao trong khu vườn cạnh ruộng lúa. Lực lượng chức năng ngay sau đó cho máy bơm cạn nước, mò được con dao nhỏ dài gần 20 cm dưới sự chứng kiến của VKSND tỉnh Sóc Trăng.

Thạch Sô Phách với quyết định của VKS
Thạch Sô Phách với quyết định của VKS

Sau nhiều tháng bị tạm giam, ngày 25/2/2014, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng ký các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Trần Hol, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl và Khâu Sóc (riêng Diễm đã được cho về trước đó). Về nhà, các bị can cho người thân biết trong thời gian bị tạm giam, họ bị các điều tra viên đánh đập dã man buộc phải nhận tội để không bị đánh.

Đại tá Phan Hữu Thúy, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, VKS cùng cấp đã hủy quyết định tạm giam, cho gia đình bảo lãnh 7 người liên quan đến vụ án sát hại anh Lý Văn Dũng. Theo Đại tá Thúy, “Việc hủy quyết định tạm giam đối với các bị can chỉ là thay đổi biện pháp ngăn chặn tạm thời. Vụ án vẫn đang trong vòng điều tra nên chưa thể khẳng định việc ai có tội hay không”.

Thông tin 7 bị can cho rằng đã bị bức cung, ép nhận tội, cũng được cơ quan điều tra xem xét, làm rõ, xử lý theo quy định”, đại tá Thuý nói.

Người bị giam vừa được thả nói gì?

Chiều ngày 4/3, tiếp xúc với PV Dân Trí, anh Thạch Sô Phách (ngụ tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2). Phách kể, tối xảy ra án mạng, anh cùng các bạn nhậu tại nhà. Sáng hôm sau nghe nói có người chết do bị giết. Mấy ngày hôm sau, công an xã tới nhà hỏi nhậu với ai, nhậu xong đi đâu. Ngày 14/7, công an xã tới nhà dùng còng số 8 còng tay rồi đưa lên trụ sở công an xã. Ở đó, có xe bít bùng của công an huyện chở về huyện luôn.
 
Tại Công an huyện rồi công an tỉnh, sau thời gian tạm giam, giờ nhớ lại anh Phách vẫn rùng mình: “Về nhà rồi nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi các trận đòn của cán bộ điều tra”.

Thạch Sô Phách và con trai, sau 7 tháng tạm giam trở về, vợ Phách đã lên xe hoa cùng người khác
Thạch Sô Phách và con trai, sau 7 tháng tạm giam trở về, vợ Phách đã lên xe hoa cùng người khác

Ngoài Thạch Sô Phách, một thanh niên khác, anhTrần Hol cũng kể, đang uống cà phê với bạn cũng được công an mời lên xe về đồn công an huyện làm việc. Trong khi làm việc, Hol đã khai mình có nhiều chứng cứ ngoại phạm trong đêm xảy ra vụ án nhưng không chịu được nhục hình cũng đành nhận tội.

Căn nhà lá xập xệ của vợ chồng Trần Hol
Căn nhà lá xập xệ của vợ chồng Trần Hol

Trò chuyện với PV, Thạch Sô Phách nói trong nước mắt: “Trong khi tôi bị bắt giam, vợ tôi là Lâm Thị Hồng Diệp (28 tuổi) đã bỏ con trai đang học mẫu giáo cho mẹ chồng rồi đi theo người khác. Vợ tôi mới đám cưới với người chồng sau cách đây khoảng 1 tháng”.

Theo Phách, khi chưa bị bắt, anh đi theo ghe cá cơm của một chủ ở cảng Trần Đề, thu nhập mỗi tháng cũng trên dưới 10 triệu đồng. Mấy ngày nay định đi chặt mía thuê nhưng người đau êm ẩm, đi đại tiện ra máu nhiều nên gia đình không cho đi. 

Bà Thạch Thị Ngọc (54 tuổi), mẹ ruột Phách cho biết: “Con về vui nhưng buồn nhiều khi bị oan, tôi mong cơ quan điều tra sớm làm rõ, minh oan, bồi thường danh dự cho con tôi và các cháu khác”.

 Đại tá Thái Văn Đợi, Phó giám đốc công an Sóc Trăng cho biết vụ việc đã được báo cáo Tổng cục 6 (Bộ Công an). Hiện nay cơ quan điều tra chưa kết luận bất cứ trường hợp nào oan, việc các bị can được cho về nhà là do cơ quan điều tra xét thấy cần cho gia đình bảo lãnh, hiện các đương sự này vẫn đang là bị can của vụ án.

Ông Huỳnh Thế Đức, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Sóc Trăng, cũng khẳng định chưa có bất kỳ quyết định nào hủy quyết định phê chuẩn khởi tố bị can, việc cho các bị can về nhà là thực hiện theo đề nghị của cơ quan điều tra, xét thấy không còn cần thiết để tiếp tục tạm giam mà cho bảo lãnh, tại ngoại phục vụ quá trình điều tra.

Nhóm PV ĐBSCL