Gặp người chỉ huy trong chuyên án phá băng cướp Hiền 'đầu bạc'
Thật may mắn, trong đợt công tác vừa qua, tôi đã gặp được 2 người chỉ huy trong cuộc vây bắt tướng cướp Nguyễn Mạnh Hiền (tức Hiền “đầu bạc”) – tên cướp khét tiếng xứ Thanh những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Đó là Đại tá Lê Trọng Giác là người tổng chỉ huy trong cuộc tấn công vào hang ổ của Hiền “đầu bạc” trong suốt 2 ngày đêm từ 12 đến 14/9/1990; bắt trọn cả băng cướp trên gồm 23 tên, Thượng tá Tạ Minh Đức – người chỉ huy mũi chính bắt Nguyễn Mạnh Hiền.
Hiền “đầu bạc” có tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Hiền, sinh năm 1965, tại Cẩm Sơn, Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Hiền vốn rất thông minh, học giỏi, là sinh viên của Đại học Kinh tế quốc dân. Do trên đầu có một mảng tóc trắng nên mọi người là Hiền “đầu bạc”. Trong quá trình học ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hiền đánh nhau, gây thương tích nên bị đuổi học. Sau khi bị đuổi, Hiền không về quê, mà tìm đến Lũng Cao, Bá Thước, để tìm cơ hội đổi đời. Tại đây, Hiền tụ tập một số đối tượng đầu gấu, có tiền án, tiền sự gây ra một số vụ cướp trên địa bàn. Công an tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lực lượng đấu tranh, bắt quả tang Hiền cùng đồng bọn khi đang gây ra một vụ cướp trên địa bàn huyện Hà Trung. Hiền bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt 8 năm tù giam về tội cướp tài sản.
Tuy nhiên, khi mới thụ án được 1 năm, Nguyễn Mạnh Hiền đã bàn với 3 phạm nhân trong buồng giam là Lê Văn Thành (Thành toét), Cao Hải Chi và Nguyễn Văn Kim cùng trốn trại. Đêm 26/12/1989, lợi dụng sự sơ hở của quản giáo, Hiền cùng đồng bọn cưa cắt đứt hai song sắt trên cửa buồng giam, bẻ cửa trốn.
Ngay sau khi trốn thoát, Hiền đã rủ Lê Văn Thành quay lại bãi vàng ở vùng rừng núi hoang vu thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, nơi trước đây hắn đã cũng đồng bọn tổ chức cướp bóc, để ẩn náu. Để mở rộng băng nhóm, đầu năm 1990, Hiền cùng Thành “toét” dùng súng tổ chức cướp của nhiều chủ bưởng khác. Điển hình như vụ đột nhập lán của Nguyễn Văn Dũng (Dũng “chư”), xã Lâm Xa, huyện Bá Thước, khống chế, đe dọa tính mạng, lấy đi của nhóm Dũng 2 khẩu súng AK, hai băng đạn 60 viên.
Ngay sau đó, hai tên lại đột nhập vào lán Sơn Lâm lấy đi 1 khẩu súng K54 với 8 viên đạn. Có súng trong tay, bọn chúng sử dụng vào các mục đích phạm tội khác. Ngày 8/3/1990, Hiền sai Thành “toét”, Lê Văn Sỹ, cùng một số đệ tử khác đem súng AK, K54 đi cướp vàng tại các bưởng vàng, nổ súng đánh chiếm bãi Kịt, chính thức độc chiếm quyền khai thác vàng tại bãi Kịt với nhiều hang có trữ lượng vàng khá lớn như hang Bương, hang Máu Chó, hang Công Cộng... Để phục vụ hoạt động tội phạm, Hiền xây dựng băng nhóm của mình thành một tổ chức hoạt động chặt chẽ, có người làm hậu cần, cấp dưỡng, có “sĩ quan”, “quân sĩ”… Theo đó, hắn cử người xuống TP Thanh Hóa mua lương thực, thực phẩm để tích trữ, đồng thời bán lại với giá cao cho các băng, nhóm khác. Ngoài ra, Hiền ép các đối tượng khai thác vàng trong khu vực phải bán vàng cho hắn với giá rẻ mạt gây bức xúc trong dư luận địa phương.
Đại tá Lê Trọng Giác cho biết, Lũng Cao là xã gồm 3 làng Son, Bá, Mười, còn gọi là Kịt Toong Hoong, là vùng núi cao, rừng sâu, địa thế rất hiểm trở. Có thời điểm, khoảng 2.000 – 3.000 người kéo đến đây đào đãi vàng gây phức tạp về ANTT. Đặc biệt, từ khi Nguyễn Mạnh Hiền và đồng bọn đến chiếm các bãi vàng thì tình hình ANTT càng phức tạp hơn.
Trước tình hình trên, trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là đồng chí Mai Xuân Minh đã triệu tập cuộc họp gồm UBND huyện Bá Thước và các ngành nội chính để bàn phương án đấu tranh. Nhận nhiệm vụ, ngay hôm sau, một tổ công tác do đích thân Đại tá Lê Trọng Giác dẫn đầu đã khảo sát thực tế, lên phương án đấu tranh. Sau chuyến khảo sát trên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Phòng Cảnh sát hình sự, Công an huyện Bá Thước phối hơp với Huyện đội Bá Thước và Công an xã Lũng Cao tổ chức truy quét các nhóm đào đãi vàng, trong đó có nhóm của Hiền “đầu bạc”. Các đối tượng đã dùng vũ khí nóng chống trả quyết liệt nên cuộc vây bắt không thành công.
Không ngại khó, không chùn bước, Công an tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh; đề nghị Tổng cục Cảnh sát hỗ trợ đấu tranh. Đại tá Vũ Tất Bính, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự đã được điều vào Thanh Hóa bàn phương án đấu tranh.
Ngày 5/9/1990, Ban Chỉ huy Cảnh sát nhân dân Thanh Hóa đã tổ chức họp triển khai phương án tấn công với băng nhóm tội phạm của Hiền “đầu bạc”. Cuộc họp có sự tham dự của Chủ tịch UBND tỉnh; các ngành nội chính của Thanh Hóa, Hà Sơn Bình, với quyết tâm bằng mọi cách sẽ phá bằng được ổ nhóm trên. Yêu cầu được đặt ra là việc tấn công phải đảm bảo chắc thắng nhưng hạn chế được mức thấp nhất thương vong. Tại cuộc họp trên, lực lượng chức năng đã thống nhất một số phương án, trong đó UBND huyện Bá Thước viết thư kêu gọi Nguyễn Mạnh Hiền và đồng bọn đầu thú; vận động người nhà của nhóm đối tượng trên cảm hóa, thuyết phục chúng đầu hàng; cho phép cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ nếu đối tượng chống trả sẽ nổ súng.
Sau vận động không thành công, ngày 6/9/1990, lực lượng chức năng quyết định tấn công truy quét hang ổ của Hiền “đầu bạc”. Theo đó, một mũi công tác tấn công phía Tây Bắc do đồng chí Nguyễn Văn Tỵ, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự chỉ huy, phối hợp với Huyện đội Bá Thước và Cảnh sát hình sự Hòa Bình tấn công từ phía Hòa Bình, có nhiệm vụ “xua” các đối tượng chạy khỏi hang ẩn náu và chặn bắt các đối tượng bỏ trốn về phía Hòa Bình. Mũi thứ 2 do đồng chí Tạ Minh Đức chỉ huy, gồm Công an, Quân đội và Công an xã Lũng Cao tấn công phía dưới, khi tổ Tây Bắc “xua” đối tượng chạy khỏi hang sẽ chặn bắt.
Thượng tá Tạ Minh Đức cho biết: “Ngày 12/9, được lệnh của Ban chuyên án yêu cầu tấn công băng nhóm tội phạm của Nguyễn Mạnh Hiền, chúng tôi tập kết ở bến phà La Hán, thuộc huyện Bá Thước, cách Lũng Cao khoảng 50km rồi đi bộ vào. Tôi trực tiếp chỉ huy mũi này nên đã chia lực lượng thành 5 mũi tấn công. 17h bắt đầu xuất kích từ trụ sở, mỗi người đều được phát súng, 1 gói mì tôm rồi lên đường, đến khoảng 21h thì đến bến phà La Hán về xã Lũng Cao. Người dân xã Lũng Cao mừng lắm, đã mổ 1 con lợn đãi anh em làm nhiệm vụ nhưng chưa kịp ăn thì có tin báo Nguyễn Mạnh Hiền có dấu hiệu bỏ trốn nên không ai còn tâm trạng ăn uống mà quyết định lên đường. Đi bộ gần 50km dưới trời mưa tầm tã, đá tai mèo sắc nhọn đâm rát thịt nhưng chúng tôi ai cũng quyết tâm. 3h sáng 13/9, đã đến được phía dưới hang, dùng dây đu lên bao vây chặn tại các cửa hang. Khi tổ công tác ở Hòa Bình nổ đạn hơi cay, các đối tượng tháo chạy khỏi hang, chúng tôi đã tổ chức chặn bắt. Riêng Hiền “đầu bạc” bỏ trốn. Truy kích đến sáng hôm sau, một cháu bé nhìn thấy Hiền ẩn náu trong một nhà dân đã bí mật rỉ tai một cán bộ trong đoàn. Nhờ đó, chúng tôi đã bắt giữ được hắn khi Hiền đang trốn trên trần nhà của một cán bộ xã”.
Bắt được Hiền, tổ công tác mừng vui khôn xiết, Đại tá Lê Trọng Giác đã chỉ đạo một tổ công tác dẫn giải đối tượng này về trụ sở. Cùng ngày 14/9, lực lượng chức năng đã bắt được toàn bộ ổ nhóm của Hiền gồm 23 đối tượng, thu 2 súng AK, 1 súng K54, 20 quả mìn, 1 lựu đạn, hơn 100 viên đạn, nhiều dao găm và các tang vật khác.
Đại tá Lê Trọng Giác hồ hởi: “Thành công nhất của chuyên án là bắt giữ được toàn bộ đối tượng, thu vũ khí và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho anh em. Đến khi dẫn giải các đối tượng về đến trụ sở an toàn, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm…”.
Theo Phương Thủy
Công an nhân dân