1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Gặp lại những đệ tử Năm Cam

Gần 11 năm sau khi vụ án Năm Cam và đồng bọn bị các cơ quan chức năng bắt giữ và xử lý, nhiều đối tượng đã lãnh bản án cao nhất, trong số đó không ít người đã chấp hành xong bản án và trở thành những công dân hữu ích.

 

Tại Trại giam Phước Hòa (thuộc Bộ Công an), Tiền Giang, PV đã gặp lại Thuyết “chăn voi”, Nguyễn Văn Nên, Hồ Thanh Tùng, Trịnh Trung Dũng... những đối tượng một thời “nổi đình nổi đám” trong vụ án trên.

 

Trần Văn Thuyết, Nguyễn Văn Nên, Hồ Thanh Tùng
Trần Văn Thuyết, Nguyễn Văn Nên, Hồ Thanh Tùng

 

THUYẾT “CHĂN VOI” GIỜ CHĂN GÌ?

 

Người đầu tiên mà chúng tôi gặp chính là Trần Văn Thuyết (Thuyết “chăn voi” hay còn gọi là Thuyết “buôn vua”) - “mưu sĩ” chuyên chạy án cho “ông trùm” Năm Cam đang thụ án 20 năm tại Trại giam Phước Hòa, Tiền Giang. Không như chúng tôi nghĩ trước đó, Thuyết sẽ khổ sở vì căn bệnh cao huyết áp, tiểu đường..., trái lại Thuyết vẫn khỏe mạnh, hoạt bát, khuôn mặt trắng hồng, ánh mắt rạng ngời niềm tin khi tiếp xúc với PV. Khá thoải mái và có phần hưng phấn, Thuyết hồ hởi kể: “Tôi đang làm việc tại phân trại (trồng trọt, nuôi cá, nuôi gà và nuôi heo) nghe cán bộ nói có nhà báo cần gặp nên về liền. Được sự quan tâm, tin tưởng của ban giám thị và các quản giáo, tôi cũng như nhiều phạm nhân khác được giao phụ trách việc chăn nuôi heo, gà, cá và trồng dứa. Số heo trong chuồng nuôi lên đến hàng trăm con; cá, gà thì đếm không hết...”.

 

Chúng tôi vui miệng nói: “Vậy Thuyết “chăn voi” giờ đổi nghề hả?”. Thuyết cười sảng khoái: “Cũng lại thêm được cái biệt danh, “chăn” gì cũng vậy thôi, tôi chỉ mong sớm ngày trở về với gia đình...”. Nhắc đến gia đình, vợ con, Thuyết càng phấn chấn: “Vào vòng lao lý, không có điều kiện để chăm sóc các con, nhưng đến bây giờ niềm hạnh phúc nhất của tôi chính là sự trưởng thành của chúng. Ba đứa con (một trai, hai gái) đều đã thành đạt, học giỏi và có việc làm ổn định. Tôi luôn mong hàng ngày hàng giờ cái ngày sum họp cùng gia đình để bù đắp cho chúng những thiệt thòi mà chúng phải gánh cho những sai lầm của tôi”.

 

Được biết, khi nhận mức án 20 năm tù về tội danh “đưa hối lộ”, năm 2003, “nhà ngoại giao” Trần Văn Thuyết được đưa đến Trại Phước Hòa để giam giữ, cải tạo. Gần 10 năm, Thuyết luôn cố gắng học tập, đóng góp một phần công sức không nhỏ trong các hoạt động của trại. Thuyết nói: “Chuyện cũ thì quá cũ rồi, tôi không muốn nhắc lại chi nữa. Hãy để quá khứ chôn vùi những “mảng đen” đó. Đối với tôi giờ chỉ việc học tập cải tạo và sớm trở về với gia đình, người thân. Dựa vào bản thân, tôi tin mình sẽ làm được nhiều điều hữu ích cho xã hội...”.

 

Dù chỉ có hơn một tiếng đồng hồ tiếp xúc, nhưng Trần Văn Thuyết đã thật sự cởi mở và trải lòng với chúng tôi. Thuyết có một câu nói khá ấn tượng: “Ngã ở đâu thì đứng lên ở đó”. Chúng tôi biết rằng chỉ ít tháng nữa thôi Trần Văn Thuyết sẽ mãn hạn tù và trở về với gia đình, xã hội. Thuyết... “chăn heo” sẽ sớm thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình để quên đi cái quá khứ không mấy tốt đẹp và trở thành một công dân hữu ích, một người cha - người chồng tốt.

 

“THIỀN SƯ” MƠ LÀM LÃO NÔNG TRI ĐIỀN

 

Trong Trại giam Phước Hòa, phạm nhân Nguyễn Văn Nên (tự Minh) được xem như một vị “thiền sư” đầy lạc quan. Ở tuổi 57, sắp sửa bước sang lục tuần nhưng trông Nên mạnh khỏe và nhanh nhẹn đến lạ. Nước da đỏ mọng, nụ cười luôn hào sảng khi tiếp chuyện, Nên quả thực không giống một tù nhân đang chấp hành án. Trở về trại sau buổi lao động mệt nhọc, Nguyễn Văn Nên cười tươi khi có khách đến thăm và có lời khen về sức khỏe của mình. Vuốt vội mái tóc điểm hoa râm, Nên cho biết: suốt mấy năm nay chẳng thấy bệnh tình gì cả, có khi ở trong tù còn khỏe hơn lúc ở ngoài. Cũng đúng thôi, bởi ở trong này cuộc sống được thiết lập vào kỷ cương, không nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng, đặc biệt là được tập thể dục đều đặn và lao động có giờ giấc. So với phần lớn phạm nhân đang chấp hành án trong trại, Nguyễn Văn Nên khá lớn tuổi nên được sắp xếp làm những việc tương đối nhẹ nhàng. Mỗi sáng thức giấc, sau khi tập thể dục, làm vệ sinh cá nhân và ăn sáng, công việc của Nên cùng nhiều phạm nhân chăm lo cho nông trại chăn nuôi với hơn 100 con heo, khoảng 15.000 con gà và một ao cá. Kể về “thú tao điền” trong trại, Nên đọc vanh vách đặc điểm của từng giống heo, giống gà, một số loại bệnh gia súc gia cầm thường mắc phải, thậm chí rất nhiều loại thuốc trị bệnh không khác gì một bác sĩ thú y.

Ban đầu khi mới nhận nhiệm vụ ở nông trại, Nên còn có cán bộ thú y hướng dẫn công việc. Lâu dần tay nghề được nâng cao, hễ heo có bệnh gì là Nên có thể tự tay cho thuốc. Thậm chí khi heo đẻ, Nên cũng kiêm nhiệm luôn cả việc đỡ đẻ cho heo một cách rất thuần thục. Tự tin với nghề mới của mình, Nguyễn Văn Nên tươi cười bộc bạch: khi mãn hạn tù chắc chắn sẽ làm một lão nông, Nên sẽ bán căn nhà ở TPHCM để mua mảnh đất làm nông trại, sẽ chăn heo, nuôi gà, thả cá... mơ ước một cuộc sống xa rời chốn phồn hoa, sống cuộc đời “vui thú điền viên”, an hưởng tuổi già, sống bằng chính tay nghề và sức lao động của mình. Ước mơ giản dị này được Nên ấp ủ từ lâu và cũng được vợ con ủng hộ.

 

Lạc quan với tương lai tươi sáng, Nguyễn Văn Nên lại càng phấn đấu. Không chỉ chấp hành và làm tốt công việc cải tạo, Nên đặc biệt chú ý đến chăm sóc sức khỏe bản thân. Mỗi buổi tối sau khi trở về phòng phạm, Nên thường dành thời gian ít nhất một tiếng đồng hồ để thiền. Liệu pháp này làm Nên cảm thấy tĩnh tâm hơn, thanh thản hơn và từ đó sức khỏe được cải thiện toàn diện. Chính vì lẽ đó, Nên được ví như một “thiền sư” đầy lạc quan, yêu đời trong Trại Phước Hòa.

 

ĐAU ĐÁU NỖI NHỚ CON

 

Trong vụ án Năm Cam và đồng bọn, Hồ Thanh Tùng (tự Hai Lợ) bị kết án chung thân vì hàng loạt những “thành tích” đâm chém. Sau hơn 10 năm chấp hành án, giờ đây Tùng dường như đã “lột xác” hoàn toàn, không còn vẻ xấc xược, láu cá của kẻ từng cầm dao thanh trừng gây rúng động dư luận như những năm trước. Điềm đạm và nhẹ nhàng, Tùng khẽ cười lắc đầu chua chát khi nhắc đến quá khứ lầm lỡ, bồng bột của mình. Sinh ra trong gia đình tương đối có điều kiện, bố làm nghề buôn bán thuốc tân dược nhập khẩu nên cũng có đồng ra đồng vào. Ấy vậy mà Tùng lại không thể học hành để tiến thân, lại sa ngã theo đám bạn ăn chơi đua đòi để rồi gây án. Ngày Tùng ra đầu thú, người vợ trẻ đang mang thai tháng thứ 7. Lúc đó trong ý thức của Tùng, cuộc sống vẫn còn thật giản đơn. Thế rồi một ngày, khi còn ngồi trong Trại giam Chí Hòa chờ xét xử, Tùng được vợ vào thăm với đứa con bé bỏng trên tay. Vui sướng khi đã được làm cha, Tùng lại càng đau đớn hơn khi chỉ biết đứng nhìn đứa con đầu lòng của mình qua song sắt mà không thể ẵm bồng, nựng nịu con dù chỉ trong giây lát. Nhớ về khoảnh khắc đó, mắt Tùng bỗng ngấn nước, đỏ hoe...

 

Thời gian đầu khi mới chuyển lên trại cải tạo, Tùng cảm thấy bi quan về cuộc đời bởi cái án chung thân đang là nỗi ám ảnh và càng buồn hơn khi hay tin người vợ trẻ đã đi thêm bước nữa với người chồng mới. Thế rồi được các cán bộ quản giáo chia sẻ, động viên, Tùng cởi mở hơn khi nhận ra rằng cuộc sống phía trước còn dài, và con đường để được trở về với gia đình, với con chính là con đường hoàn lương. Tùng tranh thủ hết mọi thời gian trong Trại giam Phước Hòa để cải tạo và học đủ nghề, từ trồng trọt, chăn nuôi cho đến thủ công mỹ nghệ như đan lát, may túi xách... Tùng xem đó như là bước “đệm” cần thiết để chuẩn bị cho tương lai... Niềm hy vọng của Tùng đã trở thành sự thật vào đúng dịp lễ 30-4 vừa qua, Tùng đã được ân giảm từ án chung thân xuống còn thời hạn 20 năm. Nhận được quyết định ân giảm, Tùng vui sướng như muốn reo lên. Tùng muốn báo tin này cho bố mẹ và con trai. “Nhận được tin này, gia đình em chắc vui lắm. Em sẽ cố gắng hơn nữa để những năm sau lại được ân giảm, như vậy là ngày về sẽ càng gần hơn” - Tùng chia sẻ. Có lần khi được gọi điện về thăm gia đình, Tùng gọi cho bố khi ông đang đi đón cháu (con trai của Tùng) ở trường.

 

Trời Sài Gòn lúc đó mưa to, hai ông cháu đang đứng trú mưa ngay dưới hàng hiên trước lớp học. Tùng ước gì mình được đứng cạnh con, được che mưa cho con trên quãng đường về nhà, dù cảm giác đó chưa từng được nếm trải. Có chút khiếu làm bếp nên Tùng ước mơ khi mãn hạn tù sẽ mở ra cái quán nhỏ bán cơm, ngày ngày được đưa đón con đi học để bù lại quãng thời gian xa cách. Cái ước mơ thật giản dị và rất đỗi “đời thường” ấy với Tùng đang là một khoảng cách tính bằng năm. Vẫn biết là còn dài, song chúng tôi vẫn hy vọng Tùng sẽ cải tạo tốt để biến ước mơ thành sự thật trong một ngày gần nhất.

 

Theo Ngọc Quảng-Đăng Hòa

CATP/Pháp luật TP.HCM