Gánh nặng trên lưng cha
Thay vì tuổi già được con phụng dưỡng, ông lại gánh nặng trên lưng món tiền phải bồi thường của con. Nhưng điều đó chắc chắn không bằng gánh nặng trong lòng ông đang mang
Suốt gần 2 giờ kể từ khi bắt đầu phiên xét xử, ở hàng ghế dự khán, một người đàn ông liên tục gục đầu lên lưng ghế trước mặt. Thỉnh thoảng ông lại thất thần bước ra khỏi phòng xử án, năm ba phút lại trở vào trong và tiếp tục gục đầu. Phía trên kia, con trai ông, V.X.M (SN 1996), đang bị xét xử về tội "Giết người".
Nhát dao trí mạng
Hôm ấy, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo V.X.M (SN 1996) cùng N.D.V (SN 1999) và N.N.T (1998) về tội "Giết người". Nạn nhân là V.T.Q (SN 1989) tử vong do sốc mất máu bởi một nhát dao trí mạng vào vùng ngực, bụng.
Trước đó, M. và V. vay hơn 90 triệu đồng của ông T.A.D (ngụ quận 3) để "hành nghề" cho vay trả góp với lãi suất 25%-30%/tháng. Theo cáo trạng, M. và V. cho bà V.N.O (ngụ quận 3, TP HCM) vay tiền nhưng bà O. không có khả năng trả nợ. Bị M. và V. nhắn tin đe dọa, bà O. đến cơ quan chức năng trình báo. Trên đường về, bà O. ghé quán nước gần nhà thì gặp M. và V., hai bên lớn tiếng. Bà O. thách thức M. và V. rồi dùng 2 ly thủy tinh đánh M. Chồng bà O. cùng con trai là Q. cầm nón bảo hiểm và một vật cứng quấn trong khăn (chưa xác định vật gì) đuổi đánh M. và V. Khi được V. và T. đưa dao, M. đã đâm một nhát làm Q. tử vong.
Suốt phiên tòa, cha của M. đau đớn gục đầu lên lưng ghế trước
Tin M. bị bắt lan đến tỉnh Thanh Hóa - quê M., cha M. mất ăn mất ngủ mấy tháng liền. Chỉ không lâu trước đó, M. báo vợ M. sinh con trai và M. đã có việc làm ở TP HCM, ông mừng vì cuộc sống của con xem như ổn định. Vậy mà…
"Tôi đâu có ngờ thằng M. lại gây tội như vậy? Hay tại tôi không biết dạy con mới ra nông nỗi?" - ông đấm ngực thùm thụp.
Giờ nghị án, ông hết ra rồi vào nhìn con, khuôn mặt lộ rõ sự căng thẳng, lo lắng. Đại diện VKSND vừa đề nghị HĐXX xem xét tuyên phạt M. mức án tù chung thân.
Hy vọng hoàn lương
Trước đó, HĐXX cho biết gia đình nạn nhân yêu cầu 3 bị cáo phải bồi thường 180 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần. M. nói: "Bị cáo cầm dao giết người, bị cáo có tội lớn nên sẽ chịu trách nhiệm trả hết khoản tiền này. Chỉ mong được gia đình bị hại tha thứ!" - M. nói.
Nghe con nói, ông thở ra, dường như có phần nhẹ nhõm. Chúng tôi hỏi thăm, ông thật thà chia sẻ ở quê, ông làm lao động chân tay, ai thuê gì làm nấy. Vợ ông ở nhà nội trợ, kinh tế gia đình có phần chật vật. Sau khi M. gây án, vợ chồng ông chạy vạy để có 20 triệu đồng lo đám tang cho nạn nhân, nay M. nhận chịu trách nhiệm khoản tiền 180 triệu đồng, gánh nặng lại đè lên vai vợ chồng ông nhưng "tôi sẵn sàng cùng con trả hết. M. biết tội và chịu trách nhiệm về hành vi của mình, tôi tin nó sẽ sửa đổi, sẽ hoàn lương".
Bà O. ngồi cạnh ông nói: "Tôi sẽ xin tòa giảm nhẹ án cho thằng M. Tụi nó biết ăn năn, hối cải thì không ai nỡ ép chúng vào đường cùng".
Dù không có đơn bãi nại trước đó nhưng tại tòa, bà O. đại diện gia đình bị hại đã bày tỏ nguyện vọng xin giảm án cho cả 3 bị cáo. Đồng thời, phía luật sư bào chữa cũng như đại diện VKSND cũng đề nghị HĐXX xem xét đến nguyên nhân và ý thức phạm tội để áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.
Tuy nhiên, HĐXX vẫn quyết định xử phạt M. tù chung thân về tội "Giết người". Nghe án tuyên, ông ngã quỵ. Vị luật sư đến trấn an, nói sẽ hỗ trợ M. kháng cáo. Ông gật gật đầu, rồi vờ quay đi không nhìn M. bị dẫn giải ra xe tù để giấu những giọt nước mắt đang tuôn. Mãi một lúc sau, ông mới quay qua người bà con đi cùng: "Tôi nghe chú công an nói khi nào vào trại thăm thì mang cho M. tấm hình con nó phải không? Để tôi gọi về nhà, rửa ngay cái hình cho nó". Nói rồi ông lập cập mở điện thoại gọi về nhà, gấp gáp như chuyện chẳng thể để lâu. "Làm được gì cho nó thì phải làm thôi. Dù nó có là ai, có ra sao, phạm tội gì thì cũng là con mình, không thể không lo" - ông nói với những người đứng quanh đó như đang nói với chính mình.
Mong sao những người trẻ biết nghĩ đến nỗi khổ của mẹ cha mà sống lương thiện, đừng bắt cha mẹ phải trả giá cho lỗi lầm của mình, như M.