1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Gần 550 vụ án về tội xâm hại tình dục trẻ em phải sửa, điều tra bổ sung

(Dân trí) - Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây (từ năm 2013), trên cả nước đã xảy ra 8.110 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tòa án các cấp đã xử đúng người, đúng tội 7.600 vụ, số vụ án phải sửa, trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung là 549 vụ (chiếm hơn 6%).

Ngày 20/6, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã tổ chức họp báo về tình hình triển khai công tác của các tòa án trong 6 tháng đầu năm 2018.

Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây (từ năm 2013) trên cả nước đã xảy ra 8.110 vụ xâm hại tình dục trẻ em với các tội danh khác nhau: Hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô trẻ em,… Hệ thống tòa án các cấp đã xử đúng người hơn 7. 600 vụ (hơn 92%).

Số vụ án phải sửa, trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung là 549 vụ (chiếm hơn 6%). Chánh án TANDTC đánh giá, tỷ lệ này còn cao cần phải hạ xuống.

"Các vụ phải trả lại, không phải là oan ngay, vòng tố tụng tiếp theo vẫn tuyên có tội, phải quay lại vòng tố tụng tiếp là do chứng cứ còn yếu" - Chánh án TANDTC giải thích.

Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, trong các vụ án trên, xét về mặt pháp luật thì không vướng mắc, nhận thức pháp luật và pháp luật quy định tội danh này tương đối rõ ràng. Trong Bộ Luật tố tụng mới có hiệu lực từ đầu năm 2018, có thêm tội danh nữa liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em là: Tội kích động xúi giục, tổ chức cho trẻ biểu diễn khiêu dâm hoặc xem các chương trình khiêu dâm.

Về vấn đề ngành tòa án cần làm gì để bảo vệ tốt trẻ em hơn nữa, làm thế nào để giảm các án phải sửa, trả hồ sơ, Chánh án TANDTC cho biết: Ngành tòa án sẽ phải tăng cường nâng cao trách nhiệm, trình độ cho đội ngũ thẩm phán thông qua các hoạt động tấp huấn; Tăng cường hướng dẫn áp dụng pháp luật và phát triển án lệ, án lệ về lĩnh vực này chưa có, nhưng trong tương lai sẽ có; Ban hành các tập tài liệu giải đáp pháp luật cho các thẩm phán; Thay đổi mô hình hệ thống các tòa án chuyên trách về giải quyết các án hôn nhân gia đình và vị thành niên, số lượng các vụ án liên quan đến lĩnh vực này rất lớn, riêng năm 2017 có 230.000 vụ án về hôn nhân và gia đình,...

Áp dụng chế định hòa giải để giảm áp lực cho ngành tòa án

Ông Nguyễn Hòa Bình.
Ông Nguyễn Hòa Bình.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, hiện nay chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó số lượng vụ án phải xử ở các cấp tăng, đó là quy luật thông thường. Số các vụ án theo quy luật sẽ tăng tỷ lệ thuận với quy mô dân số và nền kinh tế phát triển. Chính vì vậy, các tranh chấp dân sự, thương mại, quốc tế tăng cao, tội phạm hình sự tăng vì thế cũng tăng cao.

Năm 2012, hệ thống tòa án phải xử là 240.000 các vụ án khác nhau, nhưng đến năm 2017 là 490.000 vụ án khác nhau, trung bình mỗi năm tăng 8-10%.

Ông Nguyễn Hòa Bình thông tin thêm, từ 2012 đến nay, tổng số biên chế mà Quốc hội định biên cho tòa án các cấp là 15.500 người, với số lượng như vậy, áp lực công việc rất lớn.

"Chúng tôi đã có giải pháp giảm tải công việc bằng cách nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới như áp dụng giải pháp hòa giải để giảm tải công việc cho hệ thống tòa án. Ở Nga có hơn 7.700 thẩm phán chuyên làm các án hòa giải. Còn ở Ấn Độ đã chi ra một khoản tiền rất lớn cho vấn đề án hòa giải, cứ mỗi một vụ án hòa giải thành công, Ấn Độ chi khoảng 150 USD" - ông Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Chánh án TANDTC cho biết, từ kinh nghiệm như vậy, ngành tòa án sẽ áp dụng chế định hòa giải trên toàn quốc. Nhưng trước hết đang làm thí điểm ở Hải Phòng, từ 3/2018 đến nay, 9 quận huyện của Hải Phòng áp dụng chế định này đã giải quyết được hơn 900 vụ án/1.300 vụ, đạt tỷ lệ 70%, từ đó số lượng công việc giảm.

"Chúng tôi sẽ phải tổng kết kinh nghiệm của thí điểm tại Hải Phòng để nhân lên áp dụng trên toàn quốc; hoàn tất đề án chế định hòa giải để báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; soạn thảo Bộ Luật hòa giải để báo cáo Quốc hội để làm cho các năm tiếp theo; dự kiến đến 2019 sẽ đăng ký với Quốc hội để đưa Luật này vào thảo luận để Quốc hội xem xét thông qua; đưa chế định hòa giải vào trường luật, mời chuyên gia quốc tế đến tập huấn để nâng cao chất lượng cho các thẩm phán" - ông Nguyễn Hòa Bình chia sẻ thêm.

Nguyễn Dương