Phú Thọ:

Dựng màn kịch đáo nợ ngân hàng, chủ trại lợn chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng

Chỉ có một trại lợn với khoảng hơn chục con nhưng Đinh Thị Bình (55 tuổi, trú tại xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), vẫn có thể “tay không bắt giặc”, chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng của 13 hộ dân.

Tính đến ngày 4/10, Bình đã chiếm đoạt của 13 hộ dân ở hai xã Cự Đồng và Tất Thắng (Thanh Sơn) gần 10 tỷ đồng và hiện không có khả năng hoàn trả.
 
Đinh Thị Bình
Đinh Thị Bình

Một trong số các bị hại đó có anh Nguyễn Văn Dũng (trú tại huyện Thanh Sơn). Theo lời chia sẻ của anh Dũng tại Phòng PC 45 Công an tỉnh Phú Thọ thì anh là một người làm ruộng ở huyện Thanh Sơn, giữa anh và Bình chỉ là mối quan hệ xóm giềng. Trong vụ án này, anh Dũng là người cho Bình vay số tiền nhiều nhất, gần 2,7 tỷ đồng…Thế nhưng, anh chỉ có hơn 350 triệu đồng, số còn lại đều do vay mượn của những người khác rồi cho Bình vay lại.

Trả lời chúng tôi câu hỏi vì sao lại dễ dàng cho Bình vay số tiền trên, anh Dũng cay đắng: “Tôi đồng ý cho chị Bình vay tiền là vì được trả lãi xuất là 2 %/ 1 triệu đồng/tháng. Khi cho Bình vay tiền, tôi sẽ được hưởng số tiền lãi xuất chênh lệch là 0,5 % tháng. Và vì Bình đã nhiều lần vay và trả tiền gốc và lãi đầy đủ nên tôi đã tin tưởng cho Bình vay…”.

Anh Dũng kể lại: Khoảng 3 năm trước, Bình chủ động tìm gặp anh Dũng hỏi vay tiền. Khi đặt vấn đề, Bình nói là để đáo nợ ngân hàng cho khách, nếu lấy được tiền giải ngân sẽ trả lại. Bình không hứa hẹn khi sẽ nào lấy được tiền và cũng không hẹn ngày cụ thể. Lần thứ nhất vào khoảng giữa năm 2013, anh Dũng cho Bình vay gần 400 triệu đồng. Lần này, Bình đã viết giấy biên nhận vay số tiền trên. Lần thứ 2 vào ngày 11/7/2013, Dũng tiếp tục cho Bình vay 250 triệu đồng…Và sau 4 lần, anh Dũng đã cho Bình vay gần 2,7 tỷ đồng.

Trong số các nạn nhân của Bình còn có trường hợp của chị chị Đinh Thị Thủy (ở Thanh Sơn). Chị Thủy cho Bình vay 87 triệu đồng, với một người nông dân chân lấm tay bùn như chị Thủy thì số tiền trên là một khoản không nhỏ. Khi vay tiền của chị Thủy, Bình cũng nói rằng để làm dịch vụ đáo nợ ngân hàng và thỏa thuận trả lãi xuất cao hơn so với mức lãi xuất của ngân hàng vào thời điểm vụ án xảy ra.

Sau khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người bị hại, Bình bỏ trốn. “Của đau con xót” mười ba người bị hại sau đó đã đến Phòng PC 45 Công an tỉnh Phú Thọ trình báo. Tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh Phú Thọ vào cuộc đã làm rõ hành vi phạm tội của Bình đồng thời ra lệnh truy nã đối tượng này trên toàn quốc.

Về phần Bình, đối tượng này dạt nhà xuống Hà Nội, sống chui lủi tại các khu vực công cộng. Không công ăn việc làm, trong khi những đồng tiền ít ỏi mang theo người cũng cạn dần, Bình rơi vào cảnh khốn cùng… Cùng thời điểm này, Bình nhận được thư kêu gọi của Công an tỉnh Phú Thọ nên đến cơ quan Công an đầu thú. Khi về đến Phòng PC 45, Bình lả ra vì đói. Một người đàn bà lừa tiền tỷ trong tay mà có những lúc rơi vào cảnh khốn cùng như thế.

Theo lời khai của Bình thì đến thời điểm này, Bình không còn một đồng nào trong số gần 10 tỷ đồng đã chiếm đoạt được của những người bị hại. Nguyên nhân dẫn đến việc Bình nợ nần chồng chất, không có khả năng chi trả là do không biết tính toán làm ăn. Số tiền trên Bình không vay cùng một lúc mà vay nhiều lần của nhiều người với lãi xuất tính theo ngày từ 2 đến 4 % / 1 triệu đồng/ tháng.

Ban đầu, Bình vay số tiền này là để kinh doanh, chăn nuôi lợn, mua giống và thức ăn… Việc làm ăn không thuận buồm xuôi gió, trong khi khoản lãi hàng tháng vẫn luôn đốc thúc nên “Đói ăn vụng, túng làm liều”, Bình đã vay tiền của người này để trả lãi cho người khác… Đây chính là sai lầm lớn nhất của Bình dẫn đến tình cảnh như ngày hôm nay.

Trong số tiền này, Bình cũng cho một số người khác vay lại để hưởng chênh lệch… nhưng rồi cũng bị họ chiếm đoạt. Cứ thế, Bình bị cuốn vào cái vòng xoáy nghiệt ngã đó và khi số tiền vay lên đến tiền tỷ thì lãi xuất tăng nhanh một cách chóng mặt. Bởi thế, có những người Bình chỉ trả được một phần tiền lãi, số lãi còn lại thì tiếp tục nhập vào tiền gốc…rồi viết lại một giấy nhận nợ khác cho họ.

Như vậy là trong vụ án này, ngoài sự tinh vi của Bình trong thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng có lỗi của người bị hại. Vì ham lãi xuất cao hơn so với lãi xuất ngân hàng, họ dễ dàng “rút” hầu bao cho các con nợ vay tiền mà không nghĩ đến những rủi ro sẽ gặp phải. Vụ án thêm một lần nữa là lời cảnh báo cho người dân, đừng “tham bát bỏ mâm” để rơi vào cảnh ngộ dở khóc, dở cười như 13 bị hại trong vụ án trên

Theo Xuân Mai
Công an nhân dân