1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Du khách dâm ô với trẻ em ít bị “lộ“, xử lý bởi... Luật

BLHS chưa có các quy định bảo vệ trẻ em là người đồng tính bị XHTD hoặc trẻ em phạm tội là người đồng giới. Vì thực tế ở nhiều địa phương, trẻ em nam bị XHTD bởi những người đồng giới song cũng chỉ bị xử lý về hành vi dâm ô với trẻ em…

Bộ Tư pháp vừa tổ chức hội thảo đánh giá tình hình thực thi các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 về các tội xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) trong hoạt động du lịch… Nhiều đại biểu tham dự hội thảo nhất trí rằng, mặc dù đã các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương hết sức quan tâm nhưng do pháp luật hiện hành có một số hạn chế, bất cập nên số vụ XHTDTE được phát hiện và xử lý còn thấp so với thực tế.
 
Chưa phát hiện được nhiều tội phạm

Chưa phát hiện được nhiều tội phạm

Theo Cục Thống kê tội phạm của VKSNDTC, trong 5 năm 2007 – 2011, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố hơn 6.500 vụ với gần 6.800 bị can phạm các tội liên quan đến XHTDTE. VKSND các cấp đã truy tố gần 5.300 vụ với hơn 5.800 bị can. TAND các cấp đã đưa ra xét xử hơn 5.200 vụ với hơn 5.700 bị cáo.

Điều đáng quan tâm là nạn nhân của các hành vi XHTD là những em bé còn quá nhỏ, có trường hợp chỉ 2 - 3 tuổi. Đối tượng phạm tội không chỉ là người Việt Nam mà có cả những đối tượng là người nước ngoài.

Qua theo dõi của Cục Cảnh sát hình sự (C45 - Bộ Công an) cho thấy, hàng năm toàn quốc xảy ra trên 800 vụ XHTDTE, chiếm hơn 60% số vụ xâm hại trẻ em. Các tội danh đã được quy định chi tiết tại BLHS, cụ thể là hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, cưỡng dâm trẻ em và dâm ô với trẻ em. Cơ quan điều tra các cấp đã điều tra và xử lý nghiêm khắc các hành vi XHTDTE, có đối tượng đã bị tuyên phạt 20 năm tù, chung thân về tội hiếp dâm trẻ em.

Có đối tượng là người nước ngoài đã bị tuyên phạt 3 năm tù về tội giao cấu với trẻ em hoặc bị xử phạt hành chính và trục xuất ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, tội phạm XHTDTE thông qua du lịch chưa phát hiện được nhiều, kể cả đối tượng phạm tội là người Việt Nam hoặc người nước ngoài.

Khảo sát thực thi các quy định của BLHS về các tội XHTDTE trong hoạt động du lịch do Bộ Tư pháp tiến hành đã nhận xét, một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử các tội XHTDTE thông qua du lịch là do bất cập, hạn chế của BLHS.

Ông Trần Văn Dũng (Bộ Tư pháp) phân tích, BLHS chưa có một khái niệm về tội phạm du lịch TDTE. Điều đó không chỉ gây khó khăn trong việc xác định phạm vi của tội phạm du lịch TDTE mà còn làm cho công tác thống kê chưa được thực hiện trên thực tế, làm giảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Ngoài ra, theo BLHS và các đạo luật liên quan đến trẻ em thì trẻ em được định nghĩa là người dưới 16 tuổi, không phù hợp với khái niệm trẻ em theo các chuẩn mực quốc tế cơ bản, ảnh hưởng đến việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, ý kiến của đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật một số địa phương cho rằng, BLHS chưa có các quy định bảo vệ trẻ em là người đồng tính bị XHTD hoặc trẻ em phạm tội là người đồng giới. Vì thực tế ở nhiều địa phương, trẻ em nam bị XHTD bởi những người đồng giới (có hành vi quan hệ tình dục) song cũng chỉ bị xử lý về hành vi dâm ô với trẻ em. Như vậy là chưa đúng với bản chất hành vi mà người phạm tội đã thực hiện.

Tập trung hoàn thiện các quy định của BLHS

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm XHTDTE nói chung và trong hoạt động du lịch nói riêng, ông Dũng kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật hình sự. Cụ thể là, bảo đảm sự thống nhất nội hàm của khái niệm “tội phạm du lịch TDTE”, tiếp tục hoàn thiện các quy định của BLHS về các tội XHTD theo hướng nghiên cứu bổ sung vào BLHS quy định giải thích rõ về khái niệm mua bán người nói chung và mua bán trẻ em nói riêng; tiến tới đồng nhất hai khái niệm người chưa thành niên và trẻ em trong các văn bản pháp luật…

Ông Hà Duy Từ (Bộ Công an) đề xuất, cần triển khai tốt Luật Phòng, chống mua bán người, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Điều 19 về tội mua bán người và Điều 120 về tội mua bán, chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em của BLHS và các văn bản dưới luật có liên quan đến công tác này.

Một số ý kiến bày tỏ mong muốn, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu ký hiệp định song phương hoặc đa phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dẫn độ tội phạm với các nước trong khu vực cũng như cần có cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong khu vực với các tổ chức chống tội phạm quốc tế khác như Interpol, Aseanpol… nhằm khai thác tối đa lợi thế của các tổ chức này trong việc phối kết hợp truy tìm tội phạm.

Theo Thục Quyên
Pháp luật Việt Nam