1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Điều bất ngờ ở phiên phúc thẩm vụ cháy quán karaoke khiến 13 người chết

(Dân trí) - Đại diện gia đình các bị hại đồng loạt đề nghị tòa cấp phúc thẩm tăng nặng hình phạt đối với chủ quán karaoke Nguyễn Diệu Linh, đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt đối với Hoàng Văn Tuấn - thợ hàn trực tiếp hàn cắt bản lề, dẫn đến vụ hỏa hoạn kinh hoàng.

Ba nhân chứng vắng mặt lần thứ 5

Sáng 12/9, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét xử vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người tử vong. Ba bị cáo Nguyễn Diệu Linh (chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông), Lê Thị Thì (tức Thanh, chủ sử dụng lao động) và Hoàng Văn Tuấn (người trực tiếp gây cháy) bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.

Ba bị cáo tại phiên xử phúc thẩm.
Ba bị cáo tại phiên xử phúc thẩm.

Mở đầu phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình các bị hại đề nghị tòa triệu tập 3 người Nguyễn Hữu Long, Trịnh Hoàng Tiến (chồng Linh) và Phạm Văn Thiên để làm rõ sự liên quan của những người này trong vụ án. Theo vị luật sư này, 3 người trên đã vắng mặt tới 5 lần dù được tòa triệu tập.

Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa cho rằng, hành vi phạm tội của những người trên nếu có cũng không ảnh hưởng đến tội danh của các bị cáo trong vụ án này. Theo chủ tọa, trong quá trình thẩm vấn, nếu thấy có dấu hiệu phạm tội sẽ tiến hành triệu tập ba người trên.

“Tại sao lại không truy tố những người mà các gia đình bị hại cho rằng bỏ lọt, vì họ không có được ai quyết định giao giám sát công trình nào cả. Vì thế Linh mới là bị cáo ngày hôm nay.” - chủ tọa phiên tòa nói.

Trình bày tại tòa phúc thẩm, cả ba bị cáo Linh, Thì và Tuấn đều giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để sớm có cơ hội trở về đời sống xã hội, bù đắp cho những mất mát của các gia đình bị hại.

Đối với bị cáo Linh, luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình các bị hại chất vấn bị cáo này về những lời khai có phần mâu thuẫn. Theo luật sư, bị cáo Linh khai có biết Phạm Văn Thiên nhưng anh này lại khai rằng không hề quen biết Linh. Nhiều mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo Linh được vị luật sư đưa ra, tuy nhiên nữ bị cáo khẳng định không thay đổi lời khai.

Bị cáo Lê Thị Thì khai nhận đã thuê Hoàng Văn Tuấn cách thời điểm xảy ra vụ cháy (ngày 1/11/2016) khoảng 2 tháng. Thời điểm đó, Thì đã sơ ý không hỏi chứng chỉ hành nghề, chỉ thử tay nghề của lao động.

Là người trực tiếp gây ra vụ cháy, tại tòa, bị cáo Hoàng Văn Tuấn thừa nhận biết nguy cơ gây cháy nhưng chủ quan.

Tranh cãi có hay không bỏ lọt tội phạm

Tranh luận trước tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình các bị hại cho rằng, có nhiều căn cứ để chứng minh các cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm. Vị luật sư này công bố nhiều tài liệu, bút lục lời khai cho thấy Nguyễn Hữu Long là người tham gia góp vốn để mở quán karaoke số 68 Trần Thái Tông và là người có nhiều hoạt động chỉ đạo thi công, sửa chữa quán.

Các bị cáo luôn cúi mặt suốt phiên xử.
Các bị cáo luôn cúi mặt suốt phiên xử.

Đối với Trịnh Hoàng Tiến (chồng bị cáo Linh), luật sư công bố hàng loạt bút lục lời khai ban đầu của các bị cáo và những người liên quan, chứng minh việc Trịnh Hoàng Tiến cũng có nhiều hoạt động tham gia chỉ đạo sửa chữa quán karaoke 68 như yêu cầu Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc công ty thiết kế) lắp đặt mặt bằng mà không lắp cửa thoát hiểm ở tầng 2 và đổi ống nước từ D32 xuống D25.

Đối với Phạm Văn Thiên, luật sư dẫn chứng cứ và khẳng định, Thiên là người nhận thi công cách âm từ Nguyễn Hữu Long. Thiên đã dùng vật liệu chống cháy để ốp tường và trần, chỉ đạo thợ hàn thổi vào bản lề để cắt cánh cửa - nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hỏa hoạn.

“Những lời trình bày nêu trên của Trịnh Hoàng Tiến và Phạm Văn Thiên, Nguyễn Anh Tuấn là hoàn toàn phù hợp với nhau để khẳng định một điều rằng, quán karaoke số 68 Trần Thái Tông có các đồng chủ sở hữu là vợ chồng Nguyễn Diệu Linh, Trịnh Hoàng Tiến và Nguyễn Hữu Long. Không những góp vốn để mở quán, Trịnh Hoàng Tiến, Nguyễn Hữu Long còn tham gia vào các hoạt động nhằm thi công, sửa chữa, cải tạo quán.

Đặc biệt, trong bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đã có kết luận rằng việc Nguyễn Anh Tuấn có lỗi thi công không đúng thiết kế về PCCC đã được phê duyệt. Lỗi này của Tuấn là do chỉ đạo của Trịnh Hoàng Tiến. Như vậy, việc sau này Tiến có thay đổi lời khai rằng quán này của vợ, Tiến không tham gia gì là không đúng sự thật khách quan.

Mặt khác, đánh giá về lời khai của Nguyễn Diệu Linh trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa ngày hôm nay cũng có nhiều mâu thuẫn, vô lý, không phản ánh đúng sự thật khách quan.” - luật sư “chốt” lại.

Đáp lại lời luật sư, chủ tọa phiên tòa cho rằng, theo bản án sơ thẩm, ba người Nguyễn Hữu Long, Trịnh Hoàng Tiến và Phạm Văn Thiên chưa bị khởi tố trong vụ án. Đại diện Viện KSND Cấp cao thực hành quyền công tố tại tòa cũng nhận định, tài liệu điều tra bổ sung xác định chưa đủ căn cứ xử lý hình sự đối với ba người này.

Gia đình bị hại xin giảm án cho thợ hàn

Trình bày trước HĐXX, anh Sơn (đại diện bị hại) khẳng định, hầu hết các gia đình có người tử vong đều kháng cáo, yêu cầu tăng hình phạt đối với Nguyễn Diệu Linh và cho rằng vụ án đã bỏ lọt tội phạm. Theo anh Sơn, hành vi của Hoàng Văn Tuấn là do sự sai bảo của Thì, nhưng được bị cáo Linh ủy quyền bằng lời nói, có sự bàn bạc với chồng là Trịnh Hoàng Tiến.

HĐXX tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm đối với 3 bị cáo.
HĐXX tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm đối với 3 bị cáo.

“Nếu kể cả xảy ra cháy, chủ quán không cho hát thì cháy có to cũng không có người chết.” - anh Sơn nói và khẳng định, không có một sức ép nào đòi hỏi với các bị cáo. Quá trình điều tra, bị cáo Linh không nói một lời xin lỗi, thái độ không thể hiện sự ăn năn, hối lỗi.

Đối với bị cáo Hoàng Văn Tuấn, đại diện gia đình các bị hại đều xin tòa phúc thẩm xem xét, giảm nhẹ hình phạt 7 năm tù so với bản án sơ thẩm đã tuyên.

“Chứng kiến gia đình Tuấn đến tòa, chúng tôi rất cảm thông hoàn cảnh và hiểu Tuấn đã ăn năn thực sự.” - đại diện bị hại nhấn mạnh và cho biết thêm, với bị cáo Linh, họ cảm nhận việc nữ chủ quán đền bù 120 triệu chỉ là hành động qua loa, có ai đó “mớm” cho để làm tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Người đại diện cho bị hại Lê Hồng Trung trình bày, có nhiều điểm trong quá trình điều tra khiến các gia đình bị hại cảm thấy lo lắng. Trước thông tin này, chủ tọa phiên tòa tái khẳng định, cơ quan chức năng đã làm hết sức khách quan, khẩn trương, đúng quy định của pháp luật.

Nêu quan điểm của mình, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội cho biết, với kháng cáo của 3 bị cáo và những người bị hại, không có căn cứ xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo và kháng cáo của gia đình các bị hại. Vì vậy, không chấp nhận đơn kháng cáo của cả 3 bị cáo, không chấp nhận kháng cáo của đại diện người bị hại, giữ nguyên quyết định bản án sơ thẩm.

Hơn 12h trưa 12/9, HĐXX tuyên án. Tòa nhận định, bản án sơ thẩm tuyên phạt 3 bị cáo về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Xét kháng cáo thấy các bị cáo đều ăn năn hối cải nhưng hành vi của các bị cáo gây ra là rất nghiêm trọng. Tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo Linh 9 năm tù, bị cáo Tuấn 7 năm tù, bị cáo Thì 7 năm tù là tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo.

“Với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo. Với kháng cáo của các bị hại, không có căn cứ tăng hình phạt với bị cáo Linh. Với kháng cáo cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, tòa cho rằng đã rõ nguyên nhân vụ án do Tuấn trực tiếp gây cháy. Những người khác tuy cháy có mặt nhưng không trực tiếp gây ra vụ cháy, cơ quan điều tra không khởi tố, viện kiểm sát không truy tố, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo nội dung này.” - HĐXX nhận định.

Từ đó, Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm; tuyên bố xử phạt Nguyễn Diệu Linh 9 năm tù, Hoàng Văn Tuấn và Lê Thị Thì đều 7 năm tù.

Tiến Nguyên