Dấu tích “đòn oan” với một doanh nhân bị công an tạm giữ
(Dân trí) – Kết luận giám định pháp y, sau một đêm bị tạm giữ tại Công an tỉnh Lạng Sơn, giám đốc một doanh nghiệp lĩnh nhiều thương tích trên cơ thể, tổn hại 10% sức khỏe. VKS tỉnh khẳng định, người bị tạm giữ không liên quan đến vụ việc nghi vấn của công an.
Đêm tai ương
Theo đơn tố cáo của ông Phạm Tuấn Khanh, Giám đốc Cty Thiên Trường (Lạng Sơn) gửi Cục Điều tra VKSND tối cao và các cơ quan báo chí, ông Khanh phản ánh việc bị một số cán bộ của Phòng Cảnh sát hình sự (PC 45) Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ trái pháp luật và đánh đập gây thương tích. Sự việc xảy ra vào đêm 3/7/2012.
Một lúc sau khi ông Khanh về đến nhà, công an phường Đông Kinh và công an thành phố Lạng Sơn có mặt, bắt giữ Khoa vì liên quan đến vụ xảy ra tại xã Mai Pha. Sau khi Khoa bị bắt giữ, ông Khanh cũng lái chiếc xe đi mượn đến trụ sở công an phường Đông Kinh để hỏi về việc bắt giữ cháu mình. Tại đây, có một số người mặc thường phục yêu cầu ông Khanh đưa chìa khóa xe ô tô và buộc ông Khanh về trụ sở Phòng PC 45 làm việc. Lúc này khoảng nửa đêm.
Ông Khanh thuật lại, tại trụ sở Phòng PC 45, ông được cán bộ PC 45 thông báo chính mình là “chủ mưu” vụ đòi nợ, đánh người xảy ra tại xã Mai Pha. Ông Khanh trần tình bản thân không hề biết gì về vụ việc “đòi nợ, đánh người”. Nhưng vị doanh nhân bị buộc phải giao nộp điện thoại, đồng hồ.
Trong đơn tố cáo, ông Khanh trình bày, bản thân bị bắt đứng lên ghế cạnh cửa sổ và bị khóa 2 tay bằng còng số 8 vào cửa sổ (hiện dấu vết của còng số 8 vẫn còn in sẹo trên cổ tay). Sau đó, một loạt các “biện pháp nghiệp vụ” đã được sử dụng đối với ông Khanh, trong đó có việc dùng dùi cui điện chích nhiều lần.
Ông Khanh phải "chịu trận" như vậy đến sáng 4/7/2012 thì được thả về sau khi ký vào biên bản làm việc với nội dung “trong thời gian làm việc với CQĐT đã không bị xâm phạm đến sức khỏe”. Ông Khanh chỉ đủ sức lết về nhà rồi bất tỉnh, may mắn được người nhà phát hiện, đưa vào bệnh viện tỉnh Lạng Sơn điều trị.
"Tạm giữ là đúng pháp luật!?"
Ông Nguyễn Phú Nhân (trú tại 82 phố Trần Đăng Ninh, Lạng Sơn) là người đầu tiên phát hiện ông Khanh đang nằm bất tỉnh tại nhà số 40 Bà Triệu lúc hơn 8h ngày 4/7. Sau khi kiểm tra thấy trên người ông Khanh có nhiều vết bầm tím và nhiều “vết thương như lên sởi”, ông Nhân đã đưa ông Khanh vội vã đưa ông Khanh vào viện.
Sau khi điều trị thương tích, ông Khanh đã có đơn đề nghị Viện Pháp y quốc gia giám định thương tật đối với những vết thương trên người.
Kết luận giám định của Viện Pháp y Quốc gia nêu rõ, ông Khanh bị nhiều thương tích trên cơ thể như: bả vai tím bầm, vận động hai khớp vai hạn chế do bị đau; hai cổ tay có vết xây xước da liên tục, vòng quanh cổ tay; vùng mông trái và phải, vùng đùi trái và phải có nhiều vết sẹo không rõ hình và đã đóng vảy; cẳng chân, đùi có vết bầm tím. Viện Pháp y Quốc gia kết luận, tổn hại sức khỏe đối với ông Khanh là 10%. Ông Khanh khẳng định, những vết thương này do bị “dùng hình” trong đêm bị tạm giữ (3/7/2012).
Trong buổi làm việc với Công an tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Hữu Thăng - quyền Trưởng phòng PC45 thừa nhận đơn vị này có tạm giữ ông Khanh và chiếc ô tô mà ông Khanh sử dụng vào đêm 3/7 (hiện vẫn chưa trả lại). Với câu hỏi cán bộ PC 45 Công an tỉnh Lạng Sơn có đánh đập và sử dụng vũ lực đối với ông Khanh hay không, ông Thăng không trả lời mà cho rằng PC 45 đã làm đúng pháp luật.
P.Thảo