1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Đạp xe công an, gây chết người

Có quan điểm cho rằng hành vi trên phải truy cứu tội giết người chứ không phải chống người thi hành công vụ.

Cơ quan điều tra quyết định khởi tố Phan Tấn Tài và đồng phạm về tội chống người thi hành công vụ và chuyển vụ án sang VKSND cùng cấp phê chuẩn. Tuy nhiên, sau khi xem xét, nơi đây xuất hiện quan điểm Tài có dấu hiệu tội giết người chứ không phải tội chống người thi hành công vụ...

Lạng lách, đánh võng

Tối 17-2, Công an giao thông huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) phát hiện Tài và bạn chạy xe ngược chiều với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng nên ra tín hiệu dừng xe. Bạn Tài cầm lái không chấp hành hiệu lệnh mà tăng ga bỏ chạy nên lực lượng tuần tra đuổi theo. Khi bị đuổi kịp, Tài liền đưa chân đạp ngã xe của lực lượng công an làm một anh công an bị tai nạn chết trên đường đi cấp cứu.

Hai hôm sau, cả hai bị bắt khẩn cấp. Tài khai nhận do bị truy đuổi sát, sợ bánh trước của xe truy đuổi sẽ móc vào gác chân xe của mình gây nguy hiểm nên mới đạp để hai xe tách ra không ngờ gây tai nạn. Sau đó, cả Tài và bạn đều bị cơ quan điều tra khởi tố về tội chống người thi hành công vụ.

Đạp xe công an, gây chết người
Tranh cãi tội danh

Hồ sơ chuyển sang viện đã có quan điểm khác nhau về tội danh của Tài. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng xử lý Tài về tội chống người thi hành công vụ với tình tiết định khung gây hậu quả nghiêm trọng (chết người) là phù hợp.

Luật sư Huỳnh Kim Nga (Đoàn Luật sư TP.HCM) đồng ý với hướng này và phân tích giữa Tài và người bị hại không có mâu thuẫn nên Tài không có mục đích, động cơ để giết nạn nhân. Đồng thời, Tài cho rằng đạp vào xe công vụ là để tránh hai xe va quẹt vào nhau nhằm để tẩu thoát. Nạn nhân té xe chết sau đó là việc ngoài ý muốn của Tài. Do vậy xử lý tài về tội chống người thi hành công vụ là phù hợp.

Luồng quan điểm thứ hai lại cho rằng xử lý Tài về tội giết người mới chính xác.

Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết thêm, khi điều khiển xe mô tô ở tốc độ cao, ai cũng biết rằng nếu đạp mạnh vào bánh xe trước thì hậu quả chết người có thể xảy ra. Ở đây, xe công vụ và xe vi phạm đang chạy rất nhanh. Tài phải biết rằng đạp vào bánh trước xe công vụ sẽ gây tai nạn có thể ảnh hưởng đến tính mạng cho người điều khiển. Thế nhưng Tài bất chấp, bỏ mặc hậu quả chết người sẽ xảy ra nhằm mục đích trốn thoát sự truy đuổi. Như vậy, về mặt cấu thành tội phạm, hành vi của Tài đã thỏa mãn các dấu hiệu của tội giết người theo Điều 93 BLHS.

Hiện tại, các cơ quan tố tụng của tỉnh Hậu Giang đang có sự lúng túng trong việc xác định tội danh đối với Tài nên mới đây đã có văn bản gửi VKSND Tối cao và Bộ Công an để thỉnh thị quan điểm xử lý. Chúng tôi sẽ theo dõi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tội giết người mới chính xác

Theo như nội dung vụ án mà báo phản ánh, cơ quan điều tra khởi tố hai bị cáo về tội chống người thi hành công vụ là không chính xác. Bạn Tài bỏ chạy không chấp hành mệnh lệnh dừng xe của tổ tuần tra, hành vi này không phù hợp với các dấu hiệu cấu thành của tội chống người thi hành công vụ. Để xử lý một người về tội chống người thi hành công vụ thì người đó phải có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực nhằm cản trở người thi hành công vụ hoặc ép buộc người thi hành công vụ làm trái pháp luật... Bạn Tài chỉ bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe chứ không có các hành vi chống người thi hành công vụ.

Còn Tài nhận thức được hành vi đạp bánh xe trước khi đang lưu thông với tốc độ cao có thể gây hậu quả chết người. Tuy nhiên, Tài vẫn thực hiện với ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Như vậy, hành vi của Tài đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành của tội giết người. Cơ quan điều tra khởi tố Tài về tội chống người thi hành công vụ là chưa chính xác, phải truy cứu Tài về tội giết người mới đúng.

ThS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự

(ĐH Luật TP.HCM)

Theo ĐỨC TRÍ

PL HCM