Đắng lòng nghe kẻ giết người kể chuyện

Không một chút day dứt, Sơn tưng tửng kể về hành vi phạm tội của mình với nét mặt vô cảm khiến người nghe cảm thấy đắng lòng, nhất là khi anh ta bảo vẫn còn giận bố mẹ.

Lý do mà Vũ Tiến Sơn, sinh năm 1996, ở Hoài Đức, Hà Nội, phạm nhân đang cải tạo bản án 12 năm tù về tội giết người ở trại giam Suối Hai, cho rằng sau này sẽ lại đi tù vì “người thân của nạn nhân chưa chắc để cho sống yên ổn”. Gương mặt búng ra sữa, đôi mắt hơi lồi, Sơn thậm chí còn cười khi kể về quá khứ của mình.

Giết chủ quán vì thiếu tiền chơi game

Là con thứ 2 trong một gia đình có 3 anh em, Sơn cho rằng mình là người thẳng thắn nhất không như anh trai cũng chơi điện tử nhưng lén lút, còn em trai cũng mê điện tử không kém nhưng lại được bố mẹ chiều.

Mê điện tử từ lớp 6, chỉ khi Sơn không thi được vào lớp 10, bố mẹ cậu ta mới biết. Xấu hổ, Sơn nghỉ học với lý do thích làm vườn, chăn nuôi nhưng không được bố mẹ đồng ý.

Với lý lẽ “con còn trẻ, suy nghĩ chưa thấu đáo, cứ lấy cái bằng phổ thông về, sau này muốn đi học nghề cũng không phải hối hận”, Sơn bị bố mẹ ép vào trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hoài Đức học.

Rút kinh nghiệm mấy năm lơ là, bố mẹ Sơn cắt cử nhau, ngày 2 buổi đưa đón Sơn đến trường nhưng họ không thể “trói” được con trai khi việc chơi điện tử với Sơn đã trở thành nghiện.

Cậu ta bỏ học giữa giờ, trộm tiền bố mẹ đi chơi. Sơn bảo mê đánh điện tử như nghiện ma túy rồi, không bỏ được thành ra mỗi khi bị bố bắt được, đánh cho bò lê bò càng, Sơn vẫn không sợ.

“Đánh có đau đến mấy cũng chẳng chết được nhưng chửi thì nhục lắm cô ạ”, Sơn kể. Cậu cho biết rất hận bố mẹ vì bố đã đánh rồi mà mẹ không can còn cứ đứng ngoài chửi thêm vào.

Chính vì cho rằng bị đối xử không công bằng nên Sơn luôn hằn học với cha mẹ. Thậm chí khi anh và em trai mừng ra mặt vì bố mẹ mua máy tính về nhà thì Sơn ôm tất cả ném ra sân với lý do: “Mua máy không nối mạng thì khác gì trêu ngươi”. 

Vũ Tiến Sơn tại Cơ quan điều tra
Vũ Tiến Sơn tại Cơ quan điều tra

Khoảng 14 giờ ngày 6/3/2012, Sơn trốn học lẻn ra ngoài đi đánh điện tử nhưng chỉ được một lúc thì hết tiền. Không kìm được cơn nghiện điện tử đang sôi sục trong người, đầu óc Sơn chỉ quay cuồng ý nghĩ phải làm gì để có tiền chơi tiếp.

Cậu ta đi như thôi miên về quán nước của bà Trần Thị Nội, gọi một lon nước ngọt rồi thừa lúc bà Nội quay đi dọn dẹp, nhặt con dao trong quầy hàng, đâm một nhát vào cổ bà chủ quán.

Bị đâm bất ngờ, bà Nội vẫn cố van lơn: “Đừng giết bà, bà có cái nhẫn đây, để bà tháo cho” nhưng Sơn không ngó ngàng tới lời khẩn cầu ấy. Cậu ta lạnh lùng đưa lưỡi dao ngang cổ người đàn bà tội nghiệp rồi bình tĩnh tháo chiếc nhẫn vàng, móc túi nạn nhân lấy 77 ngàn đồng rồi bỏ đi. Có số tiền bán chiếc nhẫn được 650 ngàn đồng, Sơn lao vào quán điện tử chơi thâu đêm cho đến khi bị bắt.

“Trót cầm dao thì giết thôi”

 Vừa mới nhập trại nên Sơn đang trong thời gian học nội quy trại giam, tranh thủ cơ hội làm dáng với mái tóc kiểu dáng Hàn Quốc của mình trước khi phải xuống tóc phạm nhân.

Dáng vẻ hớn hở, Sơn tung tăng bước vào phòng thăm gặp với gương mặt vô tư lự. Một thoáng bất ngờ khiến Sơn khựng lại nơi bậu cửa, rồi cậu ta lấy lại vẻ mặt tự nhiên, kéo ghế ngồi xuống bàn, không chào hỏi ai khiến anh quản giáo trẻ phải nhắc nhở.

Ngày ở trại tạm giam, người thân của Sơn thường xuyên lên thăm con, đem theo rất nhiều quà bánh và những lời động viên, song với cậu ta đó là chuyện bình thường, là trách nhiệm nên tất yếu phải xảy ra.

Thái độ tưng tửng, không một chút hối hận của kẻ phạm tội khi chưa thành niên khiến chúng tôi cứ thắc mắc rằng tại sao Sơn lại có thái độ tiêu cực đến như vậy. Bình thường khi gây ra lầm lỗi, nhất là phạm tội nghiêm trọng như Sơn, người ta sẽ day dứt, hối hận và ám ảnh, thế mà Sơn thì lại không. Cậu ta thậm chí còn cười, vừa trả lời vừa làm dáng như thể đang kể về tội lỗi của ai đó chứ không phải là mình.

Sơn không hiểu hay cố tình không muốn hiểu để thách thức người khác như cái cách mà trước kia cậu ta từng sống khi ở nhà để trêu ngươi bố mẹ. Hỏi Sơn có điều gì bất bình với cha mẹ, cậu ta chỉ nhếch mép cười, không nói. Sơn bảo chẳng hận ai cũng chẳng mong ai vào thăm cả.

“Án cháu còn dài, cháu chẳng nghĩ trước làm gì cho mệt người, học gì, làm gì, lấy vợ hay không, sau này về rồi tính tiếp”, Sơn tâm sự. Dường như đã có vẻ xuôi xuôi sau khi nghe tôi phân tích rằng cho cháu làm cha mà còn chẳng nghĩ ra cách để dạy con thì trách gì bố mẹ, Sơn bảo tại xin nghỉ học ở nhà làm ruộng mà bố mẹ không đồng ý, cứ ép đi học nên mới phá phách.

“Cháu chỉ lo em cháu ở nhà thôi, mới lớp 3 mà đã thạo đánh điện tử rồi, sau này còn nghiện chơi hơn cháu đấy, thế nhưng nó lại được bố mẹ chiều”, đôi mắt hơi lồi của Sơn thoáng buồn.

Dẫu phạm tội nghiêm trọng thì Sơn vẫn là người chưa thành niên và ở cái tuổi này, người ta cũng mau buồn, mau vui và cả mau quên lắm. Mong sao những ngày thụ án trong trại giam, Sơn sẽ có được những suy nghĩ chín chắn hơn, chứ không phải những câu nói vô cảm, hời hợt như bây giờ nữa.

Theo Lam Trinh
Công lý