1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Dẫn giải tội phạm bằng đường hàng không: Phải giám sát chặt chẽ đối tượng suốt hành trình

Những hành khách trong chuyến bay VN253 ngày 5.1, vẫn chưa hết hoảng hồn khi đối tượng tên Đ.B.Đ - tội phạm được 2 cán bộ công an áp giải, dẫn độ từ Hà Nội vào TPHCM - tri hô có bom, hòng tìm cách trốn chạy.

Theo đó, đối tượng này bị còng tay, được bố trí ghế ngồi số 57J. Tuy nhiên, khi máy bay vừa được đẩy ra khỏi vị trí bãi đỗ để ra đường băng, Đ.B.Đ đã xin đi vệ sinh và lợi dụng tình huống này hoang tin có bom, gây náo loạn trên máy bay. Cán bộ áp giải và tổ tiếp viên đã kịp thời khống chế đối tượng, cơ trưởng xin hỗ trợ của mặt đất để áp giải đối tượng xuống máy bay. Toàn bộ 246 hành khách còn lại của chuyến bay VN253 cũng lập tức phải rời khỏi máy bay để tái kiếm tra an ninh đối với cả khách và máy bay. Chỉ khi thủ tục tái kiểm tra hoàn tất, chuyến bay V253 mới được cất cánh.

Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45, Bộ Công an) - cho biết: Hiện nay, việc dẫn giải tội phạm có hai đường chính là đường hàng không và đường bộ. Trong đường bộ thường di lý bằng xe ôtô, tàu hỏa… còn đường hàng không có máy bay. Việc dẫn giải bằng đường hàng không thì thời gian di chuyển nhanh hơn. Tuy nhiên, dù dẫn giải tội phạm bằng cách nào thì đều luôn đảm bảo an toàn.

Theo một cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) đối với những tội phạm nghiêm trọng (tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là 7 năm tù) hoặc chịu mức án tù cao thì trong quá trình dẫn giải tâm lý không ổn định. Về mặt thời gian, việc áp giải bằng ôtô hay bằng tàu hỏa luôn kéo dài, nên trong khoảng thời gian này tội phạm có thể chống đối, gây khó khăn.

Theo cán bộ này, có trường hợp, khi dẫn giải bằng ôtô khách, đến trạm dừng chân để ăn uống, tội phạm đã bỏ chạy. Trường hợp dẫn giải tội phạm bằng tàu hỏa, cán bộ này phân tích: Nếu trong quá trình giám sát, cán bộ điều tra mất tập trung thì tội phạm có thể mạo hiểm lao xuống đường ray bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, mỗi khi dẫn giải bằng đường tàu hỏa là một vất vả với điều tra viên.

Xuất phát từ những việc đó, nhiều trường hợp cán bộ điều tra sẽ đề xuất phương án di chuyển bằng máy bay để đảm bảo an toàn. Theo quy định, khi dẫn giải tội phạm bằng máy bay, cơ quan có thẩm quyền sẽ mua vé như các hành khách khác, tuy nhiên phải có mặt tại sân bay trước khi máy bay khởi hành 2 giờ đồng hồ.

Vị cán bộ này cho biết: Khi xe đặc chủng đưa tội phạm tới sân bay, nhân viên sân bay sẽ đưa cán bộ điều tra và tội phạm lên trước. Ngành hàng không sẽ dành 3 ghế ưu tiên (thường gọi là ghế an ninh) trên mỗi chuyến bay cho cơ quan điều tra làm nhiệm vụ đặc biệt hoặc trường hợp khẩn cấp. Trong quá trình dẫn giải tội phạm thì người này chưa có tội, để tránh sự chú ý của người khách và đảm bảo tính dân chủ, tội phạm bị dẫn giải sẽ bị còng tay, cán bộ điều tra sẽ dùng áo che lại.

Trong quá trình dẫn giải tội phạm trên máy bay, cơ trưởng chuyến bay và một số người trong phi hành đoàn nắm được thông tin có tội phạm di lý trên chuyến bay. Để đảm bảo an ninh cho chuyến bay, cơ quan có thẩm quyền và người bị dẫn giải đều phải được bố trí rời khỏi máy bay sau cùng so với các hành khách khác. Trong suốt hành trình, người bị dẫn giải phải được người áp giải giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt, kể cả khi vào phòng vệ sinh.

Theo Cao Nguyên

Lao động