1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đám cưới của người tù oan

“Ba đời gia đình mình đều đi theo cách mạng, ba anh của các con đãhy sinh, đừng để cháu của mẹ bị kết án oan” - một bà mẹ Việt Nam anhhùng đã viết như thế trước khi nhắm mắt.

Vậy là cuối cùng cũng có cô gái cảm thông theo Huỳnh Văn Sang về làm vợ dù Sang đang mang tiếng là kẻ hiếp dâm một phụ nữ câm điếc hơn mình đến bảy tuổi theo quy kết của cơ quan tố tụng. Đám cưới nghèo hôm Chủ nhật (17-1) khiến cho những ai từng theo dõi vụ án hiếp dâm mà Sang bị oan cảm động đến rơi nước mắt.

Hai năm trước, sống không nổi với những gièm pha, định kiến, gia đình Sang đã phải bán đổ bán tháo căn nhà ở thị xã La Gi vào rẫy sinh sống. Sáng đi phụ hồ, chiều về nhà, Sang như rúc đầu trong vỏ ốc bởi ai cũng xa lánh. Từ ngày ở tù về, Sang gần như không có được một mảnh tình vắt vai.

Cũng phải thôi, bởi rất khó có cô gái nào cảm thông hay gia đình nào chịu gả con khi Sang mang trên người cái án hiếp dâm người khuyết tật. Các cơ quan tố tụng đã đi một nước cờ quá cao tay khi đình chỉ điều tra Sang với lý do phía người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố. Sang được đình chỉ nhưng vẫn mang thân phận pháp lý của người có tội.

Gần một năm trước, khi đi thăm em gái đang là công nhân may, Sang gặp Phạm Thị Thuận, cô gái khá xinh xắn, nhỏ hơn Sang năm tuổi. Cha mẹ chia tay, từ nhỏ Thuận phải sống với bà nội. “Hai đứa gặp nhau lấy số điện thoại nhắn tin với nhau rồi yêu hồi nào hổng hay luôn” - Sang kể. Ngay khi vừa yêu nhau, Sang đã tâm sự hết với Thuận về những đớn đau, tủi nhục mà mình phải gánh chịu và sẵn sàng đón nhận lời chia tay từ người yêu như người bạn gái trước của Sang cách nay mấy năm. Nhưng không, Thuận đã ôm chầm lấy người yêu và khẳng định cô tin vào những giọt nước mắt nóng hổi cùng những lời tâm sự rút ruột của Sang.

Đám cưới của người tù oan - 1

 

 

Đám cưới đơn sơ của vợ chồng Huỳnh Văn Sang - Phạm Thị Thuận. Ảnh: PN

Đám cưới nghèo nhưng thật vui. Rạp đám cưới dựng trước nhà toàn đất cát, đi là lún khiến cô dâu không thể mang giày cao gót. Chỉ đãi hơn 10 bàn nhưng bà con, hàng xóm, người quen rần rần kéo tới chúc phúc không còn chỗ để ngồi. Ai cũng mừng bởi cuối cùng thằng Sang cũng có vợ mà lại được vợ xinh xắn, lễ phép. Ông Huỳnh Văn Hiếu, cha của Sang, mặc sơ mi cài măng sét, thắt cà vạt cứ đi lòng vòng cười luôn miệng rồi chắp tay cảm ơn khách.

Buổi sáng, khi làm lễ gia tiên, trên cái bàn thờ đơn sơ được dán giấy màu, Sang đã khóc khi thắp nhang cho bà nội - một bà mẹ Việt Nam anh hùng - bên cạnh là di ảnh của ba người bác đều là liệt sĩ. Bà nội của Sang mất năm ngoái. Của cải không có gì để lại ngoài tờ giấy học trò nhờ người viết tay xem như là di chúc.

Tờ di chúc: “Hiếu con, con đã từng là bộ đội và hy sinh một phần thân thể của mình; vợ con cũng là bộ đội, là y tá, dù khó khăn hay tốn kém gì các con cũng phải cố gắng minh oan cho thằng Sang, cháu của mẹ. Ba đời gia đình mình đều đi theo cách mạng, ba anh của các con đã hy sinh, đừng để cháu của mẹ bị kết án oan, mẹ sẽ chết mà không nhắm mắt”.

Hơn hai tuần sau bữa nhờ người viết giúp tờ giấy này, bà nội của Sang qua đời. Sang phôtô mấy tờ báo Pháp Luật TP.HCM có đăng bài về vụ oan án của đời mình để trên bàn thờ bà nội như muốn báo với bà vụ án của nó đang được dư luận quan tâm rồi cúi xuống lạy và khóc lấy khóc để…

Sau đám cưới, Thuận sẽ ở nhà chồng làm dâu đúng ba ngày rồi phải quay về Phan Rí đi làm công nhân may. Sang sắp tới cũng sẽ nghỉ phụ hồ vì mới xin được chân lơ xe tuyến La Gi - Tuy Phong để thường xuyên được gặp vợ. “Đám cưới vừa rồi tụi em còn dư sắm được hơn một chỉ vàng cho vợ” - Sang khoe, nở nụ cười trong veo.

Ừ, đám cười nghèo mà vui thiệt! Chỉ mong một ngày không xa Sang được minh oan hoàn toàn để cha con Sang khấn báo với tổ tiên rằng gia đình của bà mẹ Việt Nam anh hùng và ba liệt sĩ không thể có người cháu tên Sang can tội hiếp dâm như cơ quan tố tụng từng cáo buộc.

“Chiêu độc” để né bồi thường oan

Năm 2007, khi mới 18 tuổi, Huỳnh Văn Sang (ngụ Tân Thiện, thị xã La Gi, Bình Thuận) bị cơ quan tố tụng thị xã La Gi bắt giam gần ba năm với cáo buộc Sang hiếp dâm một phụ nữ câm điếc hơn anh đến bảy tuổi.

Cáo trạng quy kết hôm đó Sang cùng ba người bạn đến chòi rẫy của ông Đặng Văn Hổ nhậu. Sau đó Sang đã dụ dỗ chị D. ra chỗ vắng hiếp dâm và bị ông Hổ bắt gặp, phải bỏ cả quần áo, dép trần truồng chạy. Tuy nhiên, theo lời khai của một nhân chứng thì thời điểm trên Sang đã say và tạm biệt mọi người ra về và mặc quần áo ngủ cạnh nhà mình. Chính nhân chứng này là người đã dìu Sang vào nhà. Cạnh đó, cả lời khai của cô D. và ông Hổ trước sau bất nhất, hết sức mâu thuẫn; xét nghiệm không thấy tinh trùng, màng trinh đã rách từ lâu…

Mặc dù chứng cứ buộc tội còn mâu thuẫn, mờ mịt nhưng tháng 11-2007, TAND thị xã La Gi vẫn kết án Sang ba năm tù. Sang kháng cáo kêu oan. TAND tỉnh Bình Thuận xử hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Tháng 9-2008, TAND thị xã La Gi xử sơ thẩm lần hai vẫn tiếp tục kết án Sang ba năm tù. Sang lại kháng cáo kêu oan. Xử phúc thẩm lần hai, TAND tỉnh Bình Thuận tiếp tục hủy án, kiến nghị Công an tỉnh Bình Thuận trực tiếp thụ lý, điều tra lại.

Sau khi điều tra lại, CQĐT công an tỉnh đề nghị và VKSND thị xã La Gi ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ bị can và miễn trách nhiệm hình sự cho Sang. Sang khiếu nại các quyết định trên vì cho rằng mình vô tội, yêu cầu cơ quan tố tụng phải xin lỗi, bồi thường oan.

Tháng 5-2010, VKSND tỉnh Bình Thuận ra quyết định giải quyết đơn khiếu nại của Sang. Viện này hủy bỏ các quyết định của VKSND thị xã La Gi và trả hồ sơ để CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận điều tra bổ sung. Sau đó cha cô D. bỗng dưng có đơn xin rút yêu cầu xử lý hình sự Sang. Từ lý do này CQĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Sang với lý do đại diện người bị hại đã rút đơn yêu cầu khởi tố.

Theo Phương Nam

Pháp luật TP Hồ Chí Minh