Đại tá quân đội sản xuất xăng giả lãnh 9 năm tù
(Dân trí) - Lợi dụng chức vụ, bị cáo Đồng cùng đồng phạm đã thực hiện nhiều hành vi gian dối để sản xuất ra hơn 75 triệu lít xăng giả, thu lợi hàng trăm tỉ đồng.
Tối 31/12, Tòa án Quân sự Quân khu 7 kết thúc xét xử và tuyên phạt mức án đối với 16 bị cáo (sĩ quan, cán bộ quốc phòng và chủ doanh nghiệp trong vụ án sản xuất…) buôn bán hơn 70 triệu lít xăng giả.
Theo đó, HĐXX sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Văn Đồng (đại tá, cựu phó tổng giám đốc kiêm giám đốc Chi nhánh Đầu tư và Xây dựng miền Nam - Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô) 1 năm tù giam về tội giả mạo trong công tác, 8 năm tù về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Tổng hình phạt bị cáo này chấp hành là 9 năm tù.
Liên quan đến vụ án, HĐXX phạt Lê Quang Hiếu Hùng (cựu công nhân viên quốc phòng, làm việc tại Chi nhánh Đầu tư và Xây dựng miền Nam - Tổng công ty xây dựng Lũng Lô) 12 năm tù về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Cùng phạm tội danh trên, 14 bị cáo còn lại trong vụ án bị tuyên phạt mức từ 5 -11 năm tù.
Căn cứ hồ sơ và diễn biến tại tòa, Tòa án Quân sự Quân khu 7 nhận định trong thời gian làm lãnh đạo, bị cáo Trần Văn Đồng làm giả bản sao quyết định nâng bậc lương và phiên quân hàm thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp cho Lê Quang Hiếu Hùng. Sau đó, Đồng bổ nhiệm Hùng vào vị trí phụ trách lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Nhờ đó, Hùng có điều kiện thực hiện nhiều thủ đoạn pha chế xăng giả, làm giả hồ sơ hợp thức hóa số hàng giả trên rồi bán ra thị trường.
Cụ thể, Hùng quen biết Nguyễn Văn Phương (lãnh đạo Công ty Thái Sơn), Phan Trường Sơn và Lê Minh Anh (lãnh đạo Công ty Đông Phương). Lợi dụng chức năng ở các nhà máy do mình quản lý, các đối tượng bàn nhau pha chế xăng giả hòng kiếm lời. Ngoài ra, Hùng còn bàn bạc cách pha chế xăng giả, tuồn hóa chất dùng pha xăng giả vào kho với nhiều đối tượng quản lý, làm việc tại kho VK102 thuộc Cục Hậu cần - Quân Khu 7.
Các loại hóa chất sau khi nhập kho VK102 được pha trộn thành xăng rồi xuất bán ra thị trường. Hùng thuê người hướng dẫn công thức, giới thiệu, tìm mua các loại hóa chất pha trộn làm giả xăng. Các đối tượng đã pha trộn các loại dung môi với hóa chất, bột màu tạo thành 54 triệu lít xăng giả Ron 92, Ron 95.
Sau khi "phù phép" xăng giả trong kho, các đối tượng tiến hành bán ra thị trường. Theo kết quả định giá, 54 triệu lít xăng giả nói trên có giá trị tương đương hơn 850 tỉ đồng nếu bán ra thị trường như xăng thật. Thực tế, doanh nghiệp do các bị cáo thao túng bán ra thị trường số xăng có giá trị 728 tỉ đồng. Từ đó, các bị cáo trục lợi khoảng 962 tỉ đồng.
HĐXX đồng ý với quan điểm buộc tội Viện Kiểm sát đưa ra. Cụ thể, bị cáo Đồng phải chịu trách nhiệm chính về tội giả mạo trong công tác và đồng phạm với vai trò giúp sức trong tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Bị cáo Hùng chỉ đạo những bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội nên bị cáo đóng vai trò chính trong việc sản xuất, buôn bán xăng giả.
Những bị cáo còn lại đóng vai trò đồng chủ mưu hoặc đồng phạm giúp sức, giản đơn. Tất cả bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần.
Theo HĐXX, lời khai của các bị cáo tại tòa phù hợp với lời khai người liên quan, người làm chứng cũng như tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Hành vi phạm tội đủ yếu tố cấu thành tội danh như đại diện cơ quan công tố cáo buộc. Mặc dù, bị cáo Đồng không thừa nhận hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng lời khai của những bị cáo khác và chứng cứ trong hồ sơ thể hiện rõ bị cáo này biết rõ việc mua bán dung môi, hợp thức hóa hồ sơ vận chuyển ở doanh nghiệp. Với động cơ vụ lợi, bị cáo kí nhiều văn bản liên quan đến việc mua nguyên nhiên liệu pha chế xăng giả. Vì vậy, HĐXX không chấp nhận nội dung bào chữa luật sư và bị cáo nêu trong phần bào chữa.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc các bị cáo nộp lại số tiền đã trực lợi để khắc phục hậu quả.
Xuân Duy