TPHCM:
Đại gia sập bẫy những chiêu lừa “không tưởng”
(Dân trí) – Dù là những chiêu lừa đảo “không tưởng” nhưng vì lợi nhuận quá lớn mà nhiều đại gia đã bị kẻ gian “dựng kịch bản” đưa vào “tròng” chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Bỏ tiền tỷ mua kho tiền “ảo”
Thời gian qua ở nhiều nơi đã xuất hiện loại tội phạm dùng thủ đoạn bịa đặt thông tin về các kho tiền cổ, kho đô la Mỹ trị giá hàng trăm tỷ USD của “Hoa Mai Hội” nằm rải rác trên lãnh thổ Việt Nam, nhiều đối tượng, trong đó có Nguyễn Thành Chơn đã lợi dụng việc này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, tháng 8/2012, Nguyễn Thành Chơn (44 tuổi, ngụ phường 13, quận 6) biết ông Huỳnh Văn C. (ngụ huyện Bình Chánh) có hai hộp Bond (trái phiếu, tiền cổ) ghi sản xuất năm 2003 và 2006. Chơn đã nói với ông C. mỗi hộp Bond là đại diện cho số tiền hơn 900 tỷ nếu mang hai hộp này trình cho “Cục dữ liệu liên bang Mỹ”, “Ngân hàng thế giới” và “Quỹ tiền tệ quốc tế” ông Chính sẽ được hưởng 0,5% từ số tiền trên. Sau đó, Chơn nói với ông Chính đưa hai hộp Bond và 600 triệu đồng để làm “lộ phí” mang đi làm thủ tục lãnh tiền.
Khoảng 4 tháng sau, Chơn dẫn theo một người tên Nguyễn Văn Cọt (tự Ba) đến gặp ông C. và giới thiệu ông Cọt chính là người trông coi kho tiền hiện đang đặt tại một hòn đảo ở tỉnh Kiên Giang, vì vậy, Chơn muốn đem hai hộp Bond đến đó để làm “chương trình” lấy tiền từ trong kho ra. Tên Chơn đã “gợi ý” muốn đóng thuyền ra đảo chở tiền về nên ông C. tiếp tục đưa cho Chơn 1,5 tỷ đồng.
Chờ lâu không thấy thuyền chở tiền về, ông C. nhiều lần liên lạc thì được Chơn giải thích là do bão gió hoặc đã lấy được tiền chất lên thuyền nhưng phải đi vòng đường Campuchia để tránh bị kiểm tra.
Đến tháng 6/2013, Nguyễn Thành Chơn cùng một số đồng bọn tiếp tục chiêu thức “kho tiền” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân lần này của nhóm đối tượng này là chị Nguyễn Thu H. (ngụ TP.HCM). Thông qua một số người có liên quan, Chơn đã lấy được 3,2 tỷ đồng từ chị H. Trong quá trình phạm tội các đối tượng còn sử dụng giấy giới thiệu và thẻ ghi “Cố vấn ban chiến lược trung ương – Thẻ bất khả xâm phạm” để làm tin.
Sau khi nhận đơn tố cáo, cơ quan An ninh điều tra Bộ công an đã bắt giữ và quyết định khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thành Chơn (44 tuổi, ngụ phường 13, quận 6) để điều tra, xử lý về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Sập bẫy vì mê thiên thạch
Chuyện các đại gia sập bẫy những chiêu lừa ‘không tưởng” không phải mới lần đầu xảy ra. Giữa năm 2012, chủ một doanh nghiệp lớn ở Bình Phước cũng rơi vào bẫy của bọn lừa đảo.
Biết được chủ doanh nghiệp này là một đại gia lắm tiền và mê thiên thạch, mỗi khi nghe nơi nào có người nhặt được “đá trời” là ông tìm đến hỏi mua, từ đây, Lê Anh Nguyên (40 tuổi) đã móc nối với Thái Văn Tuấn (36 tuổi, Giám đốc một Công ty CP kim loại đá quý tại Tp.HCM) lên kế hoạch lân la làm quen và tỏ ra có cùng sở thích với đại gai này. Chỉ với chiếc bình ắc quy, cuộn dây điện, 2 con dao, bình tăng áp, cục nhựa màu đen được cho là thiên thạch nhóm đối tượng này đã lừa đảo, chiếm đoạt của chủ doanh nghiệp tại Bình Phước hàng trăm triệu đồng.
Tương tự, ngày 14/9, TAND TP.HCM đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Bùi Minh Phụng (tức Bảo, 38 tuổi, An Giang), Võ Quang Trực (47 tuổi, cùng mức án 10 năm tù) và Phạm Trọng Duân (37 tuổi, mức án 7 năm tù) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Thông qua bạn bè, Duân quen biết với chị Nguyễn Ngọc L., biết chị L. là người giàu có, kẻ này tìm cách làm quen rồi giới thiệu mình là nhân viên của Nasa đang có nhu cầu mua thiên thạch với giá 95 triệu USD/kg. Tiếp đến Trực tìm cách tiếp cận với chị L. và cho biết đang cần bán thiên thạch với giá 75.000 USD/kg.
Thấy giá Trực rao bán rẻ hơn rất nhiều so với giá Duân mua nên chị L. muốn mua thiên thạch để bán lại cho Duân hưởng tiền chênh lệch. Ngay sau đó, Trực ra điều kiện nếu cần xem và thử xem thiên thạch thật hay giả, chị phải đặt cọc 2 tỷ đồng. Chị L. đồng ý và nhờ Duân đem theo một tấm kính gói trong giấy để thử thiên thạch.
Đúng như kịch bản, Trực đưa chị Lan đến một căn nhà do Trực đứng ra thuê trước đó tại quận 12 để xem hàng. Tại đây, Phụng và đối tượng tên Ba (không rõ lai lịch) giả làm cha con. Phụng dựng lên kịch bản gia đình nghèo khó nên cha muốn bán thiên thạch quý để chia của hồi môn cho các con. Trên thực tế đây chỉ là 1 cục chì có trọng lượng chừng 3 kg.
Lấy lý do không hợp tuổi, Trực bắt Duân và người đi cùng chị Lan ở ngoài để hai bên vào thử thiên thạch. Nhân lúc chị Lan đang thắp hương trên bàn thờ, Phụng nhanh tay tráo tấm kính lành bằng một tấm kính đã rạn nứt có kích cỡ tương tự. Khi chị Lan mở ra xem thấy tấm kính rạn nứt nên tin rằng đó là thiên thạch thật và bảo Trực viết giấy biên nhận tiền.
Sau khi nhận tiền của nạn nhân, Trực chở Ba đến cầu vượt Quang Trung đứng đợi Phụng. Giả đi mua bánh mì, Phụng cũng nhanh chân tẩu thoát, Duân nói với chị Lan về công ty làm thủ tục rút tiền để mua lại thiên thạch của chị nhưng sau đó cũng tẩu thoát. Đến khi bị bắt, Trực khai được nhận 400 triệu đồng, Duân nhận 450 triệu đồng, số còn lại Phụng chiếm đoạt.
Đại tá Nguyễn Xuân Mừng - Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra Bộ Công an cho biết, các thủ đoạn này không có gì mới nhưng vẫn có nhiều người bị lừa. Không có tổ chức “Hoa Mai Hội” nào cả và cũng không có kho tiền nào cả. Bọn chúng chủ yếu nhắm vào lòng tham của nạn nhân để lừa đảo.
Theo khuyến cáo của công an TP.HCM, mọi người phải cảnh giác trước những trò lừa đảo "không tưởng" như trên. Những nhóm lừa đảo thường chuẩn bị kịch bản rất tinh vi, dễ dàng đưa "con mồi" vào tròng. Tốt nhất người dân cần tỉnh táo trong mua bán, giao dịch, nhưng mua bán gì mà mang lợi nhuận cao bất thường thì phải xem xét lại.
Trung Kiên