“Đại ca cẩu tặc” khét tiếng một thời bộc bạch nỗi sợ hãi

Trong "giới “cẩu tặc”, "giang hồ" cùng thế hệ ở đất Quảng Bình, ai cũng biết đến tiếng tăm Nguyễn Văn Quảng (SN 1969), hiện ở cùng vợ và 3 đứa con tại thôn Ba Đa, xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) - người được mệnh danh là “đại ca cẩu tặc” một thời…

“Của thiên trả địa”

Ở tuổi 44, dáng dấp “đại ca cẩu tặc” một thời này dong dỏng cao, gầy, nhưng cái chất “số má” vẫn còn in hằn rõ trên khuôn mặt có phần hơi lì lợm khiến người đối diện cứ rờn rợn.

“Đại ca cẩu tặc” khét tiếng một thời – Nguyễn Văn Quảng nay đã giải nghệ.
“Đại ca cẩu tặc” khét tiếng một thời – Nguyễn Văn Quảng nay đã "giải nghệ".

Anh sinh ra và trải qua thời thanh thiếu niên lêu lổng cùng “hội bè” ở phường Phú Hải (TP.Đồng Hới). Dần dà mãi cũng không vượt qua được cấp trung học cơ sở, Quảng bỏ hẳn việc học và đến quá 2 chục tuổi đầu, trong tay không có nghề ngỗng, chữ nghĩa gì ngoài “bảng thành tích” "sặc mùi" “đầu đường xó chợ”. Bố mẹ già khuyên răn mãi để rồi nhận ra là đã bất lực với đứa con trai và cho Quảng lấy vợ với hy vọng “có vợ rồi sẽ sống có trách nhiệm hơn và tu chí làm ăn” – anh Quảng kể về một thời bồng bột.

Năm 1990, anh lấy chị Vững (vợ anh bây giờ), được gia đình cắt cho cả miếng đất rộng, cất cho cả nhà cửa ở thôn Ba Đa để sống nhưng ở với vợ chỉ đôi hôm, Quảng lại bỏ đi. Anh thành thật kể: “Để tụ tập ăn nhậu, đàn đúm chơi bời thì cần rất nhiều tiền. Nhưng tôi thời ấy thì chẳng làm việc chi ra hồn để có nổi một xu, rồi nghe lời xúi giục của anh em nên đi bắt trộm chó về bán rồi dần quen thói…”, hết tiền lại vác đồ nghề lên xe phóng đi.

Từ những năm 1992 – 1993 trở đi, anh Quảng bắt đầu nổi danh trong giới giang hồ nhờ biệt tài bắt trộm chó, nhanh và số lượng nhiều. “Địa bàn kiếm ăn ban đầu chỉ loanh quanh thành phố nhưng làm mãi một vùng thì dễ bị dân phục kích bắt được lắm”. Theo thời gian, vùng tác chiến của “cẩu tặc” Quảng được mở rộng ra khắp các huyện như: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch… rồi vào tận Quảng Trị.

Kể về cái thời đáng quên của đời mình, vẻ mặt anh buồn, giọng chùng xuống mỗi khi nhắc đến gia đình. Với người vợ, khi sinh nở là lúc cần chồng nhất thì Quảng vẫn đang chìm đắm trong những say sưa, thác loạn gái trai dài đằng đẵng.

Theo khẳng định của “đại ca cẩu tặc” này thì với khả năng của mình, mỗi đêm dong xe đi là anh kiếm được trên dưới chục con chó. Về bán lại cho các quán thịt chó “mối quen” ở thành phố này, anh đút túi hơn cả tháng lương của cán bộ nhân viên nhà nước thời bấy giờ.

Giải thích về việc có thu nhập đến như nhưng vợ con vẫn phải sống khổ sở, anh Quảng bảo: “Của thiên rồi cũng trả địa! Lúc ấy có tiền thì tôi nhớ chi đến vợ con mà cứ chơi đã. Bán chó trộm được bao nhiêu thì quăng sạch vào ăn nhậu, bao gái ngủ nghỉ ở các khách sạn, nhà hàng ngoài bờ biển. Mà tiền của trộm cắp được thì mấy ai tiêu pha lại tiếc nuối bao giờ. Chẳng mấy ai giàu có nhờ cái nghề câu chó này đâu”.

"Giải nghệ"

Cứ thế, vô hình “cẩu tặc” đã thành “cái nghiệp” để phục vụ cho những trò ăn chơi trác táng vô bổ, dập vùi thân anh trên con đường tội lỗi.

“Việc trộm chó kiếm tiền dễ dàng quá nên đã thành nghề thấm sâu vào máu, như không bỏ được. Các quán thịt cầy là mối tiêu thụ chó trộm thì coi bọn tui như vua. Ai cũng mong tôi đến nhậu hàng ngày vì nếu họ tự mua chó ngoài thị trường về thịt bán thì khó có số lượng nhiều, giá cả lại cao trong khi chó trộm bán giá thấp hơn nhiều. Mỗi lần đến ăn nhậu, họ phục vụ nhiệt tình từ A đến Z, xong xuôi chỉ việc đứng dậy về, sau đó bắt được chó mang đến bán thì trừ bù sau.” – anh kể.

Suốt 7 năm theo nghiệp “cẩu tặc”, anh Quảng được xem là tay bắt chó có “số đỏ”. Khi những “cẩu tặc” khác tại Quảng Bình hết lần này đến lần khác đều bị dân phục kích bắt được, đánh đập đến nhừ tử thì “đại ca” này vẫn chưa “dính quả” nào. Đồ nghề lúc ấy của anh là chiếc xe máy hiệu Minsk có thể phóng vù vù trên mọi địa hình, bộ đánh bả thức ăn, dây thòng lọng siết cổ chó, ống tuýp để chống trả khi cần, túi ớt bột để rải vào không khí phía sau khiến người đuổi theo bị vướng vào rồi ngã (khi đi xe máy) hoặc có thể khiến họ không thấy gì… Với những thứ ấy cộng với sự tinh ranh, liều lĩnh của mình, “cẩu tặc” Quảng chưa một lần bị bắt.

Nhưng rồi “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, vào một đêm giữa năm 1998, “cẩu tặc” Quảng cùng với “L. Cộn” câu được hai con chó của người làng Mỹ Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình thì bị thanh niên trong làng phát hiện đuổi theo. Lệ thường, bị đuổi bắt thì “L. Cộn” cầm lái chở Quảng phóng thật nhanh để thoát thân. Nhưng chạy đến điểm cắt ngang qua đường tàu, chiếc Minsk bị vướng gầm vào thanh đường ray.

Anh kể chi tiết: “Cả hai thằng cùng xe ngã xuống, “L. Cộn” bỏ mặc chiến hữu thoát thân. Tôi bị chiếc xe nặng và bao tải đựng hai con chó đè lên, khi gỡ được ra thì dân làng đã ập đến, đánh đập túi bụi, ngất ngay tại chỗ”. “May mắn cho tôi giữ được mạng là nhờ có “Ngọc cớm” (biệt danh một tay giang hồ khét tiếng ở Lệ Thủy bấy giờ - PV), một chiến hữu ăn chơi tình cờ đi ngang đứng ra xin dân làng tha cho tôi và đưa đi cấp cứu”, anh Quảng kể với nét mặt như vẫn còn rờn rợn.

Sau lần bị “đánh hội đồng” ấy, toàn thân anh Quảng chi chít những vết thương để đến nay vài chỗ vẫn còn vết sẹo lõm lồi. Suốt cả tháng điều trị tại bệnh viện, không có một bóng dáng nào của những người cùng “hội thuyền” đến hỏi thăm anh một lần. Chỉ còn vợ ngày đêm túc trực chăm lo. Thời gian liệt giường ở bệnh viện ấy khiến Quảng như dần thức tỉnh nhìn lại cuộc sống đã qua.

Bị đánh chết là điều dễ hiểu

Từ một người đàn ông ăn chơi vô độ, anh quay trở về cuộc sống gia đình và quyết tâm làm lại cuộc đời trước khi quá muộn. Lao vào lao động, nhờ sự cần mẫn, hòa thuận vợ chồng, cuộc sống của gia đình anh ngày càng khá lên và không còn cảnh phải chạy ăn từng bữa như thời mới “ly hôn” với "nghiệp “cẩu tặc”.

Nhờ từ bỏ nghề “cẩu tặc” và tu chí làm ăn, cựu “đại ca cẩu tặc” mới có cơ ngơi như hôm nay.
Nhờ từ bỏ "nghề “cẩu tặc” và tu chí làm ăn, cựu “đại ca cẩu tặc” mới có cơ ngơi như hôm nay.

Bây giờ, gia tài của vợ chồng cựu “cẩu tặc” ngoài ngôi nhà hai tầng khang trang là cậu con trai có nghề nghiệp ổn định ở TP.HCM, hai con gái sinh đôi giờ cũng sắp học xong đại học… “Cũng may nhờ chính cái lần bị đánh nhừ tử ở Mỹ Trạch mà tôi tỉnh ngộ để có được như hôm nay. Chứ cứ theo cái nghề câu trộm chó ấy, không khéo bây giờ chết xanh cỏ rồi cũng nên”, anh Quảng chiêm nghiệm.

Tôi hỏi anh, ngày xưa đi làm “cẩu tặc”, có bao giờ anh nghĩ rồi mình cũng sẽ bị đánh chết không?. Anh trả lời thành thật: “Không chỉ tôi mà bất cứ ai  khi coi việc trộm chó là nghề thì cũng đã lường trước được điều này. Nhưng thường “cẩu tặc” vốn là những người thích hưởng thụ mà không muốn làm ăn lương thiện. Thêm phần nữa, như tôi tính là như hiện nay, mỗi đêm “cẩu tặc” làm một chuyến cũng được trên dưới 10 con, về bán được trên dưới 3 triệu đồng. Tiền kiếm dễ thế nên liều lĩnh là điều tất nhiên”.

Theo anh Quảng, việc người trộm chó bị đánh chết ngày xưa ít lắm, không xảy ra nhiều như hiện nay. Anh lý giải, ngày xưa “cẩu tặc” chỉ trộm lén lút, không ngang nhiên và cũng không dám liều lĩnh chống trả quyết liệt với người dân truy đuổi như ngày nay.

“Ngày trước nếu bị người dân đuổi theo quá sát tôi mới dám tung ớt bột ra làm cho họ cay mắt không đuổi được chứ không có cái kiểu liều dùng cả súng kích điện, mã tấu để đánh dân như bây giờ” – anh Quảng tỏ ra ái ngại.

Đâu đó lâu lâu lại nghe người dân vì đuổi theo “cẩu tặc” mà bị chém, đánh đập, bị tai nạn… Và càng như thế, sự phẫn nộ trong dân càng tột độ và chỉ chực chờ bùng lên.

“Tôi cũng đã đặt mình vào vị trí của những người bị mất chó. Có nơi người dân bắt được “cẩu tặc” nhưng không đánh đập gì mà giao cho công an. Nhưng dăm bữa nửa tháng sau, người ta lại thấy chính hắn xách chó trộm lao vun vút trên đường, nên người dân suy nghĩ lần sau bắt được “cẩu tặc”, họ sẽ tự xử theo “án” mà chính họ đặt ra. Bởi vậy, việc “cẩu tặc” bị đánh chết cũng là điều dễ hiểu”, anh đúc rút.

Khi bài viết này đến tay bạn đọc, đâu đó vẫn diễn ra chuyện “cẩu tặc” bị đánh đập, giết chết, đốt xe… Và người dân lương thiện vẫn ám ảnh câu hỏi: Chẳng lẽ tất cả đành phải bó tay trước nạn “cẩu tặc” hoành hành và những hệ lụy theo nó?.

PV