1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Đại án VNCB: Truy số tiền 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ

(Dân trí) - Bằng nhiều thủ đoạn, Phạm Công Danh đã vay được hàng ngàn tỉ đồng từ các nguồn khác nhau để chi dùng cho VNCB, trong đó có 4.500 tỉ đồng chi tăng vốn điều lệ cho VNCB. Tuy nhiên, NHNN không đồng ý việc tăng vốn điều lệ này thì số tiền 4.500 tỉ đồng này đã đi đâu?

Ngày 26/7, phiên tòa xét xử vụ (bỏ) bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN – VNCB) về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiệm trọng cùng 45 đồng phạm, kết thúc phần xét hỏi. Hầu hết tất cả các bị cáo giữ nguyên lời khai tại phiên tòa trước và cơ quan điều tra.

Trong phiên tòa hôm nay, các luật sư tiếp tục truy số tiền 4.500 tỉ dùng để tăng vốn điều lệ hiện nay đang ở đâu?

kk0a0086

Ngày mai phiên tòa tạm nghỉ đến ngày 30/7, đại diện Viện KSND TPHCM sẽ kết luận vụ án và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Theo cơ quan tố tụng, kết quả điều tra cho thấy số tiền 4.500 tỉ đồng chưa được hạch toán theo quy định để tăng vốn điều lệ cho VNCB, không xác định được rõ số tiền này sử dụng vào mục đích gì, tại thời điểm khởi tố vụ án không có số tiền này và đến nay xác định số tiền này không còn trên tài khoản của VNCB cũng như CB (là ngân hàng hiện tại được mua lại VNCB giá 0 đồng).

Kết quả điều tra bổ sung, Viện kiểm sát cho là trong giai đoạn từ ngày 14/2/2014 đến 26/7/2014, VNCB chi trên 76.8100 tỉ đồng; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng và thu tổng cộng hơn 69.200 tỉ đồng, như vậy chênh lệch là hơn 7.614 tỉ đồng...

Lý giải, về việc có sự chênh lệch này bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) nói tại tòa: “Hồ sơ vụ án đã liệt kê rõ lý do có sự chênh lệch này trong bảy danh mục và đều thể hiện việc chi hơn 7.614 tỉ đồng vì các mục đích hợp pháp của ngân hàng và bắt buộc phải chi trả, không làm thay đổi tổng tài sản của ngân hàng và đến nay CB đều thụ hưởng các lợi ích từ sự chi trả này".

Trước đó, trả lời tại tòa, bị cáo Phan Thành xác nhận nhóm ông Phạm Công Danh đã nộp 4.500 tỉ đồng vào tài khoản VNCB tại sở giao địch (SGD) NHNN để tăng vốn điều lệ là có thật.

Theo các luật sư của ông Danh, sau khi VNCB chuyển toàn bộ số tiền 4.500 tỉ đồng về NHNN để tăng vốn điều lệ thì NHNN đã có văn bản không chấp nhận việc tăng vốn điều lệ của VNCB. Như vậy, khoản tiền này vẫn thuộc sở hữu của ông Danh, VNCB phải có trách nhiệm hoàn trả lại tiền gốc 4.500 tỉ đồng và lãi suất từ thời điểm đó đến nay với tổng số tiền.

Còn đại diện CB cho rằng số tiền 4.500 tỉ đồng đã hòa vào dòng tiền chung nên không có khả năng bóc tách và số tiền này đã được VNCB sử dụng hết. Bên cạnh đó, đại diện CB cho rằng dòng tiền 4.500 tỉ đồng đã được làm rõ tại phiên toà trước nên không trình bày thêm.

Đại diện CB khẳng định vốn điều lệ của ngân hàng là 3.000 tỉ đồng căn cứ theo giấy đăng ký kinh doanh chứ không phải căn cứ vào chứng từ kế toán thể hiện tăng 4.500 tỉ đồng. Về việc ghi nhận 4.500 tỉ đồng là vốn chủ sở hữu hay nợ phải trả mà luật sư nêu ra, đại diện CB cho rằng phụ thuộc vào chứng từ pháp lý.

Bên cạnh đó, các ngân hàng liên quan đến vụ án đều có mặt đầy đủ để tham gia phần xét hỏi. Trả lời tại phiên tòa, đại diện Sacombank, TPBank, BIDV đều giữ nguyên ý kiến và yêu cầu của mình như phiên toà trước. Theo đó, cả 3 ngân hàng đều đề nghị HĐXX xem xét lại kiến nghị thu hồi 3 dòng tiền từ các ngân hàng liên quan trong vụ án.

Ngày 30/7, đại diện Viện KSND TPHCM sẽ kết luận vụ án và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Xuân Duy